Không gian nghệ thuật cộng đồng đang phát triển ngày một mạnh mẽ tại các địa phương. Tuy nhiên, các dự án vẫn manh mún, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp, đồng bộ khiến cả chính quyền địa phương và nghệ sĩ đều lúng túng khi tính toán việc phát huy giá trị của nó...
Làng nghệ thuật cộng đồng
Phải nhắc lại một thông tin cũ, tháng 6.2016, Làng bích họa Tam Thanh khởi động hình thành với sự hỗ trợ từ một đoàn nghệ sĩ của Hàn Quốc. Khi ấy, việc thuyết phục người dân cho phép các họa sĩ Hàn Quốc vẽ lên tường nhà mình không phải chuyện dễ dàng. Bởi người dân lúc đó không thể hình dung về việc họ sẽ làm như thế nào với các bức vẽ trên tường nhà mình.
“Tuy nhiên, sau khi làng bích họa khánh thành, với số lượt du khách tìm đến đông đúc, bây giờ việc vận động người dân tham gia các hoạt động liên quan để xây dựng làng du lịch cộng đồng không còn khó” - ông Lê Ngọc Ty - đại diện UBND xã Tam Thanh nói.
Người dân Tam Thanh từng chỉ biết đến một nghề biển, đã từng bước làm quen với các kỹ năng hoạt động du lịch, từ việc dựng nên những hàng quán trong làng, xây dựng homestay hay các dịch vụ phụ trợ. Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh cũng là địa chỉ đầu tiên phát triển nghệ thuật công cộng tại miền Trung. Từ sau dự án làng bích họa, hàng loạt sản phẩm nghệ thuật cộng đồng ra mắt, trong đó nổi bật nhất phải kể đến Con đường thuyền thúng Tam Thanh.
Sau các dự án tại Tam Thanh, rất nhiều hoạt động nghệ thuật cộng đồng được kích hoạt tại các địa điểm khác nhau. Gần như các khoảng trống dọc những con phố tại đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ đều được tận dụng để làm... bích họa. Cùng thời điểm này, tại các đô thị lớn của Việt Nam, hàng loạt công trình nghệ thuật công cộng ra đời.
GS-TS.Nguyễn Xuân Tiên - Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho rằng, có khá nhiều công trình nghệ thuật công cộng hoành tráng nhưng chưa đặc sắc, chưa trở thành điểm nhấn cho mỗi đô thị. Bên cạnh đó còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng tự phát, chưa chuyên nghiệp, làm mất vẻ đẹp cảnh quan, giảm tuổi thọ của công trình.
“Nạn... dịch bích họa hay vẽ lên cột điện tuy với mục đích làm đẹp nhưng thực tế lại làm xấu cảnh quan, nguy hại là nó đang lan rộng ra nhiều tỉnh thành trên cả nước” - GS-TS. Nguyễn Xuân Tiên cho biết.
Tại Hội thảo “Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch” (do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Đại học KH-XH&NV Hà Nội vừa tổ chức), họa sĩ Phan Cẩm Thượng - người tham gia dự án nghệ thuật cộng đồng ở Tam Thanh cho biết, làng Tam Thanh vốn rất đẹp, trước đây người dân đã xây vài khách sạn ở đó nhưng không có khách vì giao thông khó khăn. Khi có làng bích họa của các họa sĩ Hàn Quốc và sau đó là dự án vẽ lên thuyền thúng của các họa sĩ Việt Nam để làm con đường thuyền thúng thì khách du lịch đến nơi này rất đông.
“Đời sống kinh tế của người dân tăng lên nhưng cũng từ đó, một số thanh niên bỏ nghề đi biển, giá đất tăng vụt khiến người làng bán đất cho các chủ đầu tư bên ngoài và chuyển vào các làng trong đất liền sống. Chúng tôi muốn giúp địa phương có đời sống tốt hơn nhưng rất có thể dẫn đến nguy cơ phá hủy địa phương khi khiến cho các doanh nghiệp tư nhân ở nơi khác nhảy vào làng chiếm lĩnh các không gian, người dân của làng sẽ bị bật ra ngoài hết. Cuối cùng, nghệ thuật có thể chẳng dành gì tốt đẹp cho người dân mà khiến làng mạc, văn hóa bị tiêu tán” - ông Phan Cẩm Thượng nói.
Quản lý như thế nào?
Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch hấp dẫn đã diễn ra từ lâu và rất thành công. Đây chính là lý do để các đô thị lẫn các nơi sở hữu cảnh quan có khả năng làm du lịch bước đầu theo trào lưu. Tuy nhiên, việc kiến tạo không gian nghệ thuật công cộng luôn cần có một điểm nhìn hợp lý, hài hòa với cảnh quan và kiến trúc.
Chia sẻ từ Hội Kiến trúc Việt Nam khi cho rằng, trong mấy năm gần đây, các dự án nghệ thuật công cộng đã xuất hiện ngày một nhiều hơn, không những ở những thành phố lớn mà còn ở những vùng nông thôn xa xôi. Chưa bàn nhiều đến chất lượng của các dự án, nhưng có thể thấy rõ ràng nhu cầu thưởng thức, hay tối thiểu là nhu cầu xuất hiện của những dự án nghệ thuật công cộng trong không gian công cộng là một xu thế của đời sống xã hội đương đại, lan tỏa từ văn hóa toàn cầu và làn sóng đô thị hóa trên toàn thế giới. Muốn có những dự án nghệ thuật công cộng có chất lượng không đơn giản chỉ là cách đa số người Việt quan niệm cứ vẽ hay trang trí lên tường là thành nghệ thuật công cộng.
Một sự quản lý chặt chẽ với nghệ thuật công cộng là rất cần thiết, đồng thời phải cân nhắc lợi hại cho bản sắc văn hóa khi khai thác nghệ thuật trong phát triển du lịch là đúc kết từ các chuyên gia về việc phát triển không gian nghệ thuật công cộng.
Tại Quảng Nam, cùng với câu chuyện mà Tam Thanh đang gặp phải, một số làng du lịch cộng đồng của Quảng Nam đã khai trương và đi vào hoạt động lâu nay, vẫn có nhiều vấn đề tồn tại. Nhiều nơi trở nên vắng vẻ hoặc có khách nhưng người dân vẫn chưa có thu nhập như làng Trà Nhiêu (Duy Vinh, Duy Xuyên) hay làng Đại Bình (Nông Sơn). Nơi thì lượng khách đến quá nhiều và từng gây nên tình trạng bát nháo như Cẩm Thanh (Hội An).
Đã từng như một trào lưu, các làng quê có phong cảnh đều mong muốn phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng để thành công, không phải chỉ có sở hữu cảnh đẹp hay phong tục đặc sắc. Nghệ thuật cộng đồng hướng đến ý niệm cùng phát triển không gian trên nền giá trị đã có, bao gồm những giá trị truyền thống, gắn bó lâu đời với vùng đất, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của con người theo từng giai đoạn khác nhau.
Vậy nên, nghệ thuật công cộng luôn được coi là một phần quan trọng của phát triển đô thị trong tương lai với những lợi ích kinh tế hiển hiện. Đây là một loại hình rất đặc thù, buộc các đô thị phải có chuyên gia thực sự cùng những tiêu chí khắt khe và luôn phải cần sự đồng thuận ý nguyện của người dân sở tại...