Quản lý người nghiện và sau cai nghiện ma túy: Cần cộng đồng trách nhiệm

LÊ DIỄM 21/05/2021 03:53

Sáng 20.5, UBND tỉnh có buổi làm việc với các ngành liên quan về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy. Qua đánh giá, giai đoạn 2016 - 2020, dù có nhiều giải pháp quản lý, cai nghiện đối với đối tượng nghiện ma túy, nhưng hiệu quả chưa cao. Số vụ việc, số người nghiện năm sau cao hơn năm trước, trẻ hóa độ tuổi là những nỗi lo lắng hiện hữu.

Người cai nghiện tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam học nghề may giày da trong thời gian cai nghiện tại đây. (Ảnh chụp cuối năm 2020). Ảnh: D.L
Người cai nghiện tập trung tại Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam học nghề may giày da trong thời gian cai nghiện tại đây. (Ảnh chụp cuối năm 2020). Ảnh: D.L

Theo số liệu từ Sở LĐ-TB&XH, đến ngày 31.12.2020, tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh là 3.146 người (có hồ sơ quản lý là 2.649 người, không có hồ sơ là 497 người). Hiện nay có 170/241 xã, phường, thị trấn thuộc 16/18 huyện, thị xã, thành phố có người nghiện ma túy (trừ huyện Tây Giang và Nông Sơn).

Về tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh, Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, số vụ việc phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ năm sau luôn cao hơn năm trước. Số người nghiện ma túy liên tục tăng qua các năm; việc sử dụng ma túy trong quán bar, karaoke, vũ trường, nhà nghỉ ngày càng nhiều.

Người nghiện ngày càng trẻ hóa (dưới 30 tuổi chiếm 64,7%), chuyển từ sử dụng heroin sang ma túy tổng hợp ngày càng tăng, mức độ nguy hiểm càng cao và cai nghiện càng khó. Việc kiểm tra xác định tình trạng nghiện ma túy hiện nay ở cơ sở còn nhiều khó khăn. Tình trạng buôn bán, người nghiện liên tục tăng, số có hồ sơ quản lý rất ít so với số người nghiện ma túy trong xã hội chưa có hồ sơ quản lý. 

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho hay, các cơ sở y tế của tỉnh không có chức năng giữ người từ 3 - 5 ngày để thực hiện kiểm tra xác định tình trạng nghiện ma túy dạng heroin hay ma túy tổng hợp.

Trong khi đó, vấn đề xác định tình trạng nghiện để đưa đi cai nghiện bắt buộc chỉ giải quyết được khi cơ sở y tế ở địa phương có đủ điều kiện giữ đối tượng lại để xác định được tình trạng nghiện.

Kể cả người sử dụng Methadone hoặc cai nghiện tại cộng đồng, tái hòa nhập cộng đồng, muốn quản lý được thì chỉ có gia đình, địa phương cùng vào cuộc mới có hy vọng phát huy hiệu quả sau cai nghiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, các ngành, địa phương cần cùng nhau vào cuộc, những khó khăn về cơ sở vật chất hay trang bị que test tình trạng ma túy có thể giải quyết được, nhưng trách nhiệm không cao sẽ khó quản lý được người nghiện và sau cai nghiện. Việc cai nghiện và quản lý sau cai nghiện thời gian qua đã được tỉnh quan tâm nhiều, nhưng hiệu quả chưa cao, cần xem lại trách nhiệm của các địa phương đã vào cuộc đến đâu.

Ông Trần Văn Tân cho rằng, khi người sau cai về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng rất cần sự động viên, hỗ trợ của địa phương, tạo động lực để họ hoàn lương, vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, công cuộc cai nghiện và quản lý người sau cai nghiện không chỉ là nhiệm vụ của ngành công an hay LĐ-TB&XH, mà đó là trách nhiệm của cả gia đình, cộng đồng xã hội.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý người nghiện và sau cai nghiện ma túy: Cần cộng đồng trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO