Công tác tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn và phức tạp là nội dung được đề cập nhiều trong cuộc họp trực tuyến toàn tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đã chủ trì, vào sáng 14/3.
Nhiều khó khăn
Hiện nay, toàn tỉnh có 758 người sử dụng trái phép chất ma túy (trong đó 701 người nghiện ma túy) có hồ sơ quản lý; 110/241 xã, phường, thị trấn thuộc 15/18 huyện, thị xã, thành phố có người nghiện ma túy (trừ huyện Tây Giang, Đông Giang, Nông Sơn), địa phương có người sử dụng chất ma túy nhiều là Phú Ninh, Tam Kỳ, Điện Bàn.
Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam (đóng tại Hiệp Đức) đang quản lý 111 người cai nghiện ma túy bắt buộc, tự nguyện và được giao quản lý. Người cai nghiện bằng chất thay thế Methadone là 469 người tại cộng đồng. Hiện có 30 xã, phường, thị trấn quản lý 115 người sau cai nghiện ma túy.
Theo Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh, tình hình tệ nạn nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.
Các đối tượng mua bán, tổ chức sử dụng ma túy ngày càng manh động, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, khó lường; người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng, sinh sống ở nhiều vùng miền, tập trung vào nhóm người trẻ tuổi, đa số có trình độ văn hóa thấp, không có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn.
Việc quản lý người nghiện ma túy tại nhà tạm giữ, tạm giam nếu xảy ra sự cố gì trong quá trình tạm giữ, tạm giam thì rất phức tạp, nhất là về phía gia đình người nghiện. Công tác quản lý người sau cai nghiện tại cộng đồng gặp khó, đối tượng đi khỏi địa phương không báo cáo, nên việc quản lý thông qua gia đình đôi khi gặp phản ứng.
Tại cuộc họp trực tuyến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhìn nhận, các địa phương trong tỉnh đều gặp khó khăn trong quản lý người nghiện và sau cai nghiện ma túy, nhất là việc xác lập hồ sơ, đưa đi cai nghiện bắt buộc, thủ tục qua nhiều khâu, quản lý sau cai gặp khó...
Cần tập trung xác định đâu là nguyên nhân khách quan, chủ quan để nhìn nhận và phối hợp có giải pháp tháo gỡ hiệu quả. Sắp tới, các sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định một số nội dung, định mức hỗ trợ đối với người cai nghiện và người làm công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn theo quy định, từ đó hy vọng sẽ có cơ sở thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, phần lớn các xã, phường, thị trấn chưa thực hiện việc ra quyết định và quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn, chưa bố trí địa điểm, nhân sự để thực hiện quản lý người nghiện và sau cai nghiện. Nhiều địa phương còn lúng túng trong công tác phối hợp lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy đi cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Bà Ngọc nói: “Người nghiện ma túy, đặc biệt là người nghiện ma túy tổng hợp ở các địa phương hiện chưa có các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, hiệu quả điều trị đối với người cai nghiện bằng thuốc Methadone chưa cao, tình trạng người nghiện vi phạm các quy định, bỏ điều trị, sử dụng ma túy vẫn còn diễn ra phức tạp.
Trong khi đó quy mô tiếp nhận, chất lượng dịch vụ cai nghiện ở cơ sở cai nghiện ma túy còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy còn hạn chế, nhiều cán bộ y tế ở các cơ sở, đơn vị, địa phương chưa được tập huấn cấp giấy chứng nhận để thực hiện chuyên môn xác định tình trạng nghiện ma túy theo quy định”.
Địa phương vẫn lúng túng
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, thành phố đã có người nghiện ma túy tại 13/13 xã phường. Việc quản lý người cai, sau cai nghiện khó vì nhóm này không có việc làm, thường xuyên di chuyển khỏi địa phương, không có đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai chưa thực hiện được.
Ông Lai kiến nghị: “Cần tập huấn lại đối với cán bộ quản lý ở cấp xã phường về các quy định, tiêu chuẩn để thực hiện quản lý tốt hơn; có quá nhiều văn bản quy định gây lúng túng ở cơ sở.
Việc sử dụng các dạng chất gây nghiện hiện nay chưa xác định là dạng chất ma túy nên không đưa vào cai nghiện được, cần có hướng dẫn sớm và cụ thể. Với người nghiện được đưa vào cơ sở cai nghiện nên kéo dài thời gian cai nghiện để khi trở về với cộng đồng, cùng với sự quản lý của địa phương để họ quyết tâm không quay lại con đường nghiện ma túy”.
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, thời gian qua việc phát triển công nghiệp mạnh kéo theo người đến cư trú đông, các dịch vụ xã hội ngày càng phát triển. Từ đó kéo theo nhiều vấn đề, trong đó tệ nạn ma túy ngày càng tinh vi và liều lĩnh, phát sinh khó khăn khi theo dõi, xử lý...
Ông An nói: “Việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng không được người nghiện đồng thuận, nên vẫn tiếp tục sử dụng ma túy sau khi đã có quyết định cai nghiện tại cộng đồng.
Các cơ sở y tế ở địa phương chưa đủ cơ sở vật chất và nhân lực để xác định tình trạng nghiện và cắt cơn giải độc. Người sau cai nghiện trở về cộng đồng thì tái nghiện chiếm 90%, việc quản lý sau cai rất khó khăn. Vấn đề cần thiết hiện nay chính là phối hợp tập huấn, tăng cường nhân lực và vật lực để địa phương thực hiện tốt hơn công tác này”.
Ông Dương Đức Lin - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, toàn huyện có 247 người nghiện ma túy. Việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng gặp khó, người điều trị đến nhận Methadone không uống tại chỗ mà nhận mang về, lại không quản lý được họ có dùng hay không.
Trình tự thủ tục đưa người đi cai nghiện trải qua nhiều khâu thủ tục, nên tốn thời gian, đối tượng bỏ trốn. Bản thân đối tượng nghiện không tự nguyện đi cai nghiện, nên cấp xã gặp nhiều khó khăn, thậm chí là sự chống đối của đối tượng rất nguy hiểm. Cơ sở vật chất tại Trung tâm Y tế huyện không đủ điều kiện nên cần được đầu tư để thực hiện tốt nhiệm vụ chung.