Quản lý nhà nước về Khoa học công nghệ: "Khoảng trống" ở cấp huyện

TRIÊU NHAN 14/11/2013 11:27

Hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) cấp huyện bắt đầu được triển khai từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 172/NĐ-CP. Tại Quảng Nam, nghị quyết HĐND tỉnh về “Chiến lược phát triển KH-CN đến năm 2015, tầm nhìn 2020” cũng xác định mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước về KH-CN cấp huyện. Tuy nhiên, tình trạng “trắng” cán bộ chuyên trách KH-CN là thực tế ở nhiều địa phương.

Đến nay huyện Đại Lộc vẫn chưa có cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về KH-CN. Qua nhiều lần thay đổi cán bộ phụ trách, ngành phụ trách, công tác quản lý nhà nước về KH-CN hiện được bàn giao cho Phòng Kinh tế & hạ tầng. Ông Phan Hành - Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Đại Lộc cho hay, đến nay, phòng vẫn chưa phân bổ được biên chế để thực hiện tham mưu UBND huyện trong quản lý nhà nước về KH-CN. Cán bộ kiêm nhiệm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quản lý, tổng hợp trong lĩnh vực KH-CN còn hạn chế. KH-CN vẫn chưa thật sự thu hút sự quan tâm của huyện trong đề xuất và triển khai các dự án, nhất là trong lĩnh vực phát triển công nghiệp và dịch vụ. Kế hoạch KH-CN hằng năm chưa chủ động, phòng cũng không được chủ động sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN phân bổ... Cũng theo ông Phan Hành, công tác phối hợp giữa Sở KH-CN đối với địa phương chưa đồng bộ, Sở KH-CN thiếu sự phân công phân cấp xuống huyện trong công tác thanh tra, kiểm tra (lĩnh vực tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, xăng dầu…). “Vẫn xác định KH-CN có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, song việc ưu tiên phát triển KH-CN vẫn chưa đúng mức. Kinh phí sự nghiệp KH-CN phân bổ hằng năm rất thấp nhưng lại sử dụng không hết là thực tế tồn tại” - ông Phan Hành thừa nhận. Giai đoạn 2006 đến nay, nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN được phân bổ hằng năm tại Đại Lộc dao động từ 50 - 150 triệu đồng. Trong suốt 5 năm (2006-2011), toàn huyện chỉ có 7 đề tài được đăng ký thực hiện với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu là những đề tài thiên về ứng dụng, song tiến độ triển khai các dự án chậm so với phê duyệt ban đầu.

Trong số 18 huyện, thành phố của cả tỉnh, hiện chỉ có TP.Hội An là đã bố trí được cán bộ chuyên trách về KH-CN. Ông Võ Quảng Lâm (Phòng Kinh tế TP. Hội An) cho hay, Hội An có 3 cán bộ chuyên trách, ngoài ra còn có chủ tịch và phó chủ tịch thường trực hội đồng nghiệm thu đề tài KH-CN. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KH-CN của phòng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tham mưu, xét duyệt, đôn đốc tiến độ triển khai đề tài. Một phần là do đội ngũ làm công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở cấp huyện/thành phố còn mỏng và yếu về kỹ năng tổ chức triển khai các đề tài/dự án; còn lúng túng trong khâu xây dựng và triển khai kế hoạch, trong quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học cấp huyện/thành phố... “Tình trạng “hành chính hóa” trong quản lý hoạt động nghiên cứu KH-CN đã trở thành áp lực đối với người nghiên cứu lẫn người quản lý, là “rào cản” không nhỏ” - ông Lâm thông tin.

TRIÊU NHAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý nhà nước về Khoa học công nghệ: "Khoảng trống" ở cấp huyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO