Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát, quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn tại các cơ sở y tế, nhà thuốc trên địa bàn đang được ngành y tế Quảng Nam bắt đầu bằng các bước khảo sát, tập huấn tiến đến đưa vào ứng dụng phần mềm hợp lý. Ngoài những thuận lợi, công tác này cũng gặp không ít khó khăn...
BẤT CẬP PHÍA NHÀ THUỐC
Gần như người dân đã quen với việc mua thuốc cũng dễ như… mua rau, do đó một khi đưa phần mềm vào quản lý việc bán thuốc theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh, sẽ dẫn đến rất nhiều e ngại từ phía nhà thuốc.
Bán theo yêu cầu người mua
Chị H.D. (ở phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) nghĩ rằng mình bị thiếu máu sau khi tra trên internet các triệu chứng mình đang mắc phải. Nghe truyền miệng về một loại thuốc bổ máu có tác dụng khá tốt, chị tìm đến một quầy thuốc trên đường Phan Châu Trinh (Tam Kỳ) để hỏi mua. Với giá 22 nghìn đồng/lọ, hộp 10 lọ, chưa đầy 3 phút, chị đã cầm trên tay hộp dung dịch uống Ferlatum sản xuất tại Tây Ban Nha được nhập khẩu về Việt Nam. Trên hộp thuốc ghi rõ “thuốc bán theo đơn”. Tương tự, với rất nhiều các loại thuốc bổ sung vi chất khác, người mua cũng dễ dàng tìm thấy tại các nhà thuốc bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
Chưa kể, với rất nhiều loại thuốc kháng sinh, người dân cũng rất dễ dàng để mua được. Chị H.H. (ở phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) khi thấy con có các dấu hiệu sổ mũi, ho, sốt nhẹ liền đến một hiệu thuốc trên đường Trưng Nữ Vương (Tam Kỳ). Tại đây, một dược sĩ sau khi hỏi thăm các triệu chứng, số tuổi, cân nặng, hỏi người mua muốn uống trong 3 ngày hay 5 ngày và nhanh chóng chia thuốc theo liều lượng đúng như nhu cầu người mua. Trong đó, từ penicillin, cephalexin, amoxicillin… đều có. Và đây là những kháng sinh được bán một cách thoải mái dùng để trị các bệnh cảm sốt thông thường…
Chúng tôi tiếp tục khảo sát tại một số nhà thuốc khác trên địa bàn TP.Tam Kỳ, hầu hết đều bán thuốc mà không cần bất cứ một loại giấy tờ nào liên quan đến chỉ định của bác sĩ. Kể cả ở các quầy thuốc lớn, với các tủ thuốc được chia ra từ thực phẩm chức năng, thuốc bán theo đơn… cũng rất dễ dàng để người mua có được, dù không hề cần một cuộc thăm khám hay cầm theo đơn thuốc từ bác sĩ. Hiện nay, chỉ riêng khu vực tư nhân, Quảng Nam có đến hơn 1.110 nhà thuốc. Một chủ nhà thuốc trên đường Phan Châu Trinh cho biết, rất khó để thuyết phục người dân đến mua thuốc phải có đơn thuốc từ bác sĩ. Thậm chí, nếu nhà thuốc giải thích với người dân nên đi khám bệnh trước để bác sĩ kê đơn rồi hãy mua thuốc, có khi lại tự đánh mất khách hàng của mình. Việc nhiều người dân vẫn chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về việc sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã diễn ra từ lâu. Theo các chuyên gia y tế, các bác sĩ, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài là nguyên nhân rất lớn góp phần tăng tỷ lệ kháng thuốc.
Chưa mặn mà phần mềm quản lý
Bắt đầu từ năm 2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai “Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Ông Huỳnh Phước Nhất - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết, đề án này nhằm quản lý tốt hơn trong việc truy xuất nguồn gốc của thuốc, nhà phân phối nào, công ty nào, đơn vị nào cung cấp, sản xuất. Phần mềm giúp cho việc quản lý, giám sát bán thuốc theo đơn của bác sĩ một cách chặt chẽ. Mỗi sản phẩm thuốc được bán ra đều có mã số để truy xuất nguồn gốc, và đối với những loại thuốc bắt buộc phải có đơn của bác sĩ cũng được thể hiện trên phần mềm nên rất dễ quản lý.
Tuy nhiên, hầu như các quầy thuốc bán lẻ trên địa bàn tỉnh đều mới chỉ nghe nói về phần mềm này chứ chưa mặn mà tìm hiểu. Bởi, đối với họ bán thuốc theo đơn sẽ rất khó khăn, vì người mua thường yêu cầu những loại thuốc theo ý họ. Tâm lý của họ là muốn nhanh giải quyết bệnh tật để tiếp tục làm việc, vậy nên việc uống thuốc liều cao để nhanh khỏi là tâm lý chung. Cũng có người mang theo đơn thuốc nhưng là của lần thăm khám bác sĩ từ lâu, nay thấy bệnh có triệu chứng tương tự nên dùng đơn thuốc cũ chứ không muốn tốn thời gian đi khám lại… “Nhà thuốc của chúng tôi đã trang bị máy tính và đang tính toán kết nối với mạng của VNPT để kết nối lên hệ thống với trên 1.000 mặt hàng thuốc. Trước đây, người dân đến chỉ cần nói mua thuốc kháng sinh, hay thuốc huyết áp, thuốc tránh thai... đều dễ dàng bán, nhưng nay thì mọi thứ phải đưa vào hệ thống phần mềm, nên phải bán theo đơn bác sĩ. Tuy nhiên, rất khó thuyết phục người dân. Chúng tôi đã kiên trì giải thích với người dân nên đi khám bệnh trước để bác sĩ kê đơn rồi hãy mua thuốc. Song làm như vậy sẽ dễ mất khách hàng. Bởi nếu phần mềm không triển khai đồng bộ, nhà thuốc này không bán, thì họ mua ở nhà thuốc khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng gặp khó khăn về chi phí thuê nhân viên nhập liệu vào máy vi tính và tốn kém chi phí cho nhà mạng mỗi năm gần 1,8 triệu đồng” - một chủ nhà thuốc trên đường Nguyễn Du, TP.Tam Kỳ nói. Tương tự, đại diện nhà thuốc H.H. trên đường Lý Thường Kiệt, TP.Hội An cũng cho rằng việc áp dụng một công nghệ mới sẽ góp phần giảm tình trạng lạm dụng mua thuốc kháng sinh, song nhà thuốc phải đối diện nhiều khó khăn nếu phần mềm không được triển khai đồng bộ. Chưa kể, các băn khoăn về số nhà thuốc hoạt động “chui”, hoặc lấp liếm dưới nhiều hình thức kinh doanh khác sẽ khiến việc minh bạch khi ứng dụng phần mềm còn nhiều bất cập.
Đại diện Sở Y tế cho biết thêm, việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc là giải pháp kiểm soát hoạt động mua bán thuốc, giá thuốc, nguồn gốc, chất lượng thuốc… Qua đó giúp cơ quan quản lý nhà nước có thêm dữ liệu để quản lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi mua thuốc. Đồng thời cũng giúp kiểm soát bán thuốc theo đơn, tình trạng tùy tiện mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc.
KIỂM SOÁT NHƯ THẾ NÀO?
Dù việc triển khai gặp không ít khó khăn nhưng Quảng Nam vẫn đang quyết tâm để từng bước ứng dụng công nghệ vào quản lý nhà thuốc.
Từ tháng 8 đến nay, Sở Y tế đã khảo sát, kiểm tra tại 250 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có các phòng khám chữa bệnh tư nhân và 200 nhà thuốc tại một số địa phương nhằm đánh giá thực trạng nhận thức của người hành nghề về các quy định của pháp luật liên quan đến kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn, kháng kháng sinh và nhận thức của người dân về việc mua thuốc và sử dụng thuốc. Cùng với đó là các lớp tập huấn cho người kê đơn, người bán thuốc về việc kiểm soát nhà thuốc thông qua các phần mềm sẽ được sử dụng. Cán bộ Khoa Dược Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện (TP.Tam Kỳ) cho rằng, việc áp dụng phần mềm quản lý nhà thuốc nếu không đồng bộ sẽ tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh. Bởi vì khi một nơi thì theo giá niêm yết của Bộ Y tế, nơi khác lại có thể bán với giá khác sẽ rất khó cho các bệnh viện.
Theo ông Huỳnh Phước Nhất - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế), dù trên thực tế việc triển khai không dễ dàng nhưng Quảng Nam vẫn phải quyết tâm làm, đến năm 2020 sẽ triển khai tại một số nhà thuốc lớn. Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục kiểm tra, giám sát, đồng thời xử lý nghiêm theo thẩm quyền các cơ sở vi phạm. Đặc biệt, Sở Y tế sẽ xem xét thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của các nhà thuốc, quầy thuốc không duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (tiêu chuẩn GPP). Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông đến người dân và các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn về lợi ích của việc thực hiện kết nối, sử dụng phần mềm trong quản lý hoạt động kinh doanh của các cơ sở cung ứng thuốc cũng như tác hại của việc sử dụng thuốc tràn lan. Các lớp tập huấn về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà thuốc cũng sẽ được sở tăng cường tổ chức.
Theo thông tin từ Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, việc các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra sẽ là quy định bắt buộc từ năm 2020. Vì vậy các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý. Để hạn chế thực trạng sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc không kê đơn tràn lan thì ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối các cơ ở cung ứng thuốc là một giải pháp hiệu quả để ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và đặc biệt là khắc phục tình trạng kháng kháng sinh.
Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại một số địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ gặp nhiều trở ngại. Bà Trần Thị Đức Hải - Trưởng khoa Dược Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My chia sẻ, việc áp dụng quản lý thuốc kê đơn qua mạng internet sẽ hạn chế rất nhiều việc bán thuốc không có đơn của bác sĩ như hiện nay. “Tuy nhiên, việc này sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu áp dụng với các quầy bán thuốc lẻ ở trên địa bàn. Đặc biệt, với đặc thù miền núi như Nam Trà My, người dân thường mua thuốc một cách tự phát nên rất khó để áp dụng. Ở đây, có nhà thuốc cả năm trời mới bán được 1 đơn thuốc nên việc quản lý bán thuốc kê đơn là rất khó” - bà Hải nói. Không chỉ vậy, trình độ tin học của nhiều chủ tiệm thuốc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất hạn chế nên chậm chuyển biến nhận thức. Vậy nên, việc giúp người bệnh thay đổi nhận thức trong việc mua thuốc chữa bệnh cho chính mình vẫn còn là chặng đường dài tại các địa phương này.
Chưa kể hiện nay, mức xử phạt vi phạm về bán thuốc kê đơn chưa đủ sức răn đe. Tại quy định, đối với hành vi bán thuốc bắt buộc phải có đơn như kháng sinh mà không có toa của bác sĩ, cũng chỉ bị phạt 200 - 500 nghìn đồng. Hơn nữa, một chủ nhà thuốc tại thị xã Điện Bàn cho hay, khi thực hiện kết nối mạng, những đơn thuốc của người bệnh sẽ được lưu quầy thuốc để tránh được tình trạng người dân mượn đơn của người khác để đi mua thuốc. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết đơn thuốc chỉ có chữ ký của bác sĩ hoặc chỉ được đóng dấu treo của bệnh viện nên rất dễ có khi cần. Tương tự, một điều đáng lo ngại hiện nay là nhiều nhà thuốc cố tình mua thuốc trôi nổi, thuốc nhập lậu để bán. Các loại thuốc này không được nhập vào hệ thống, cơ quan chức năng chỉ kiểm tra mới phát hiện, nên rất khó để kiểm soát bằng công nghệ. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra chính là việc quản lý phải đồng bộ từ các khâu mới mang lại hiệu quả.
NGƯỜI DÂN HƯỞNG LỢI
Nếu ứng dụng công nghệ thông tin vào khâu kiểm soát, quản lý nhà thuốc một cách minh bạch, đồng bộ, cơ quan chức năng sẽ quản lý chặt chẽ hơn, còn người dân sẽ hưởng lợi nhiều mặt.
Bác sĩ Thái Bá Ba - Trưởng khoa Dược Bệnh viện Sản Nhi: Sẽ giảm tình trạng bác sĩ kiêm dược sĩ, dược sĩ kiêm bác sĩ
Tình trạng khá phổ biến hiện nay là việc bác sĩ kiêm dược sĩ, dược sĩ kiêm luôn bác sĩ trong việc kê đơn, bán thuốc. Vì vậy, nếu áp dụng một cách đồng bộ từ các đơn vị công lập, tư nhân, các phòng khám, nhà thuốc, quầy thuốc lẻ trên địa bàn thì tin rằng sẽ hạn chế tình trạng này.
Khi thực hiện việc quản lý bán thuốc kê đơn sẽ nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân từ người kê đơn cho đến người bán thuốc. Đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị, đặc hiệu sẽ được bán đúng người, đúng bệnh để đảm bảo sức khỏe cho người dân, hạn chế khả năng kháng thuốc do dùng kháng sinh không có chỉ định như hiện nay.
Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng khoa Dược Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam: Hạn chế được chuyện giá thuốc “nhảy múa”
Việc áp dụng phần mềm này một cách đồng bộ sẽ rất dễ cho người quản lý trong việc giám sát việc bán thuốc kê đơn, đặc biệt là kê đơn thuốc kháng sinh. Thêm vào đó, đây là phần mềm xuyên suốt từ Bộ Y tế đến các tỉnh thành nên sẽ có sự thống nhất về giá. Thuốc cho dù ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội hay ở Quảng Nam đều giống nhau về giá cả, có chênh nhau cũng chỉ là chi phí vận chuyển chứ không có chuyện giá thuốc nhảy múa như trước đây.
Đây cũng là một lợi ích thiết thực về kinh tế mà người dân sẽ được hưởng.
Ông Dương Đạt - Chánh Thanh tra Sở Y tế: Rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra tại các nhà thuốc
Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết, hiện đã có hơn 15.000 nhà thuốc thực hiện kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Hiện tại, các địa phương đã phối hợp với các cơ sở cung ứng phần mềm trên địa bàn tổ chức tập huấn, cài đặt phần mềm, cấp tài khoản hướng dẫn cụ thể chi tiết cho các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn. Đối với quầy thuốc, theo lộ trình, đến 1.1.2020 phải thực hiện kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu dược quốc gia.
Khi áp dụng phần mềm quản lý bán thuốc kê đơn sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian thanh tra, kiểm tra ở các nhà thuốc trên địa bàn. Thông thường, để kiểm tra tất cả loại thuốc ở trong 1 quầy tân dược lớn có khi mất cả tháng trời để truy xuất nguồn gốc; kiểm tra các hóa đơn bán hàng cụ thể. Việc này tốn rất nhiều thời gian. Còn giờ, nếu đã áp dụng công nghệ thông tin, chỉ cần 1 cú click chuột thì tất cả thông số cần thiết đều được thể hiện rõ trên mỗi sản phẩm thuốc; mỗi loại thuốc được bán ra cho người dân.
Việc này cũng hết sức cần thiết khi việc sử dụng thuốc không qua kê đơn đang ngày càng phổ biến như hiện nay. Nhất là việc sử dụng các loại kháng sinh liều cao sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ kháng thuốc sau này.
Ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế: Dừng buôn bán thuốc nếu không kết nối liên thông theo quy định
Để triển khai quản lý liên thông hệ thống các cơ sở kinh doanh thuốc đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý, nhà kinh doanh và sự vào cuộc của người dân. Bởi, nhiều cơ sở phải thay đổi cung cách hoạt động từ thủ công sang điện tử, phải công khai, minh bạch trong kinh doanh. Còn người dân phải thay đổi thói quen tùy tiện sử dụng thuốc sang thực hiện khám bệnh, kê đơn và mua thuốc theo đơn. Đây là một chiến dịch dài hơi, tốn kém nhiều chi phí phát sinh và việc thực hiện không dễ dàng. Chính phủ và Bộ Y tế vẫn dành một lộ trình để các nhà thuốc kết nối mạng. Nếu đến đầu năm 2020, các cơ sở bán lẻ thuốc không kết nối được theo quy định của Luật Dược cũng như Thông tư số 02/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 22.1.2018 về thực hành tốt các cơ sở bán lẻ thuốc thì nhóm này phải dừng buôn bán thuốc.