Quản lý nuôi tôm trên cát: Chưa quyết liệt vào cuộc

NGUYỄN QUANG VIỆT 03/10/2014 08:28

Ngày 15.4.2014, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm thẻ lót bạt ven biển tại 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành. Thế nhưng, do các địa phương chưa quyết liệt vào cuộc nên tình trạng nuôi tràn lan, phá rừng phòng hộ, xâm hại môi trường vẫn tái diễn.

Vẫn nuôi tự phát

Những ngày qua, theo quan sát của chúng tôi, việc tôm thẻ chân trắng trên cát tại các vùng không nằm trong quy hoạch tạm thời ở huyện Thăng Bình vẫn diễn ra bình thường. Các hộ nuôi vẫn ngang nhiên xả nước thải ra môi trường mà không qua xử lý. Nghiêm trọng hơn, rừng phòng hộ ở đây tiếp tục bị xâm lấn. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thanh Tư - Chủ tịch UBND xã Bình Hải (Thăng Bình) cho biết: “Ngay khi Quy hoạch tạm thời về nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát được UBND tỉnh phê duyệt, chúng tôi đã tổ chức gặp mặt các hộ nuôi tôm trên địa bàn để thông tin cụ thể. Các nông hộ đã ký vào biên bản làm việc, thống nhất trả lại nguyên trạng các diện tích nuôi tôm không nằm trong quy hoạch. Thế nhưng, sau đó họ lại tiếp tục nuôi tôm chứ không trả lại đất cho địa phương”. Theo ông Tư, để chấn chỉnh việc nuôi tôm trái phép, địa phương đã thành lập các đoàn kiểm tra, có sự góp mặt của công an, dân quân tự vệ và các đoàn thể. Thế nhưng, các hộ nuôi quá manh động nên công tác kiểm tra, ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân tiếp tục cơi nới diện tích thả nuôi. “Địa phương đã đề nghị huyện tiến hành cưỡng chế, chấm dứt nuôi tôm trái phép nhưng vì nhiều lý do, việc này chưa được thực hiện” - ông Tư cho biết thêm.

Gia đình ông Lữ Đình Sương đầu tư nuôi tôm trái phép từ tháng 2.2014 đến nay. Ảnh: N.Q.V
Gia đình ông Lữ Đình Sương đầu tư nuôi tôm trái phép từ tháng 2.2014 đến nay. Ảnh: N.Q.V

Từ xã Bình Hải qua Bình Nam (Thăng Bình) đến các xã Tam Tiến, Tam Hòa và Tam Hải (Núi Thành), chúng tôi ghi nhận có thêm nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép. Ao nuôi mới phát sinh được các hộ nuôi bố trí sát mép chân đê chắn sóng. Nhiều khu vực trồng phi lao làm rừng phòng hộ tiếp tục bị đốn hạ. “Rất khó để có thể giải quyết ổn thỏa mọi việc. Nếu thiếu mạnh tay trong việc bắt người dân ngừng nuôi thì cấp trên khiển trách, còn kiên quyết không cho nuôi thì người dân phản ứng mạnh vì họ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng vào ao nuôi. Địa phương khó giải quyết dứt điểm việc này trong một sớm, một chiều” - ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến nói. Còn ông Phan Như Tường - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải thì cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị ngành điện của tỉnh ngừng cung cấp điện cho các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài quy hoạch. Thực tế thì ngành điện cũng đã cắt điện tại các vùng nuôi này. Tuy nhiên, do các vùng quy hoạch tạm thời và không quy hoạch nằm sát nhau nên các hộ kéo điện từ vùng được nuôi sang vùng không được nuôi. Lực lượng của xã mỏng nên không thể chấm dứt được tình trạng nuôi tôm tự phát, tràn lan”.

Cần quyết liệt hơn

Theo ông Nguyễn Giúp, ngay từ khi có Quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, địa phương đã tổ chức gặp mặt các hộ nuôi, tuyên truyền bảo vệ môi trường và yêu cầu người dân trả lại nguyên trạng đất đang nuôi tôm không nằm trong quy hoạch để chuyển sang nuôi tôm theo quy hoạch tại 15ha được bố trí tại thôn Long Thạnh. Tuy nhiên, các hộ nuôi đều cho rằng số tiền đầu tư quá lớn nên nới lỏng cho họ được nuôi thêm vài vụ để thu hồi vốn rồi trả lại đất cho Nhà nước. “Chúng tôi thông cảm với điều kiện sinh kế của các hộ nuôi. Tại các buổi làm việc, địa phương đã đề xuất với huyện cũng như với tỉnh gia hạn thêm thời gian thu hồi đất ngoài quy hoạch đến năm 2015. Trong khoảng thời gian này, các hộ nuôi phải đầu tư ao xử lý nước thải để đảm bảo nuôi tôm không gây hại môi trường. Còn khi kiểm tra mà hộ nuôi nào không bố trí ao xử lý nước thải thì xử lý theo quy định hiện hành” - ông Giúp nói. Thế nhưng, đi khắp các vùng nuôi tôm trên cát của xã Tam Tiến gồm các thôn Lộc Đông, Bình Phú, Long Thạnh, Phước Lộc và Hà Quang, chúng tôi phát hiện ao xử lý nước thải chưa hề được người dân  đầu tư. Việc xả thải chưa qua xử lý vẫn đều đặn đổ ra sông Trường Giang và trực tiếp ra biển. “Từ tháng 2.2014, gia đình tôi đầu tư 2 ao nuôi tôm trên cát. Đến thời điểm này, cả 2 vụ nuôi đều lãi. Biết là xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý sẽ nguy hại nhưng do đầu tư quá lớn mà vốn huy động không nhiều nên chúng tôi đành nuôi vậy. Khi nào đủ vốn sẽ đầu tư ao xử lý nước thải sau” - ông Lữ Đình Sương (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến) nói.

Ông Nguyễn Văn Hương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, muốn việc nuôi trên cát theo như quy hoạch tạm thời của tỉnh thì bắt buộc phải tiến hành cưỡng chế dứt khoát. Ao nào không nằm trong vùng quy hoạch thì khống chế dứt điểm, không cho nuôi. Còn hộ dân nào muốn nuôi tôm trong vùng quy hoạch thì phải đầu tư bài bản ao chứa lắng, ao xử lý nước thải, không tác động xấu đến môi trường trong suốt quá trình nuôi tôm. “Ngành nông nghiệp huyện đã đề nghị UBND huyện xử lý triệt để việc nuôi tôm trên cát trái phép bằng cách cưỡng chế. Tuy nhiên, UBND huyện chưa quyết liệt nên hiện trạng nuôi vẫn tồn tại các hạn chế, rất khó chấn chỉnh việc này. Trong khi môi trường bị bức hại, rừng phòng hộ ngày càng tan hoang thì người dân trong vùng nuôi tôm có thể bị bệnh tật tấn công bất cứ lúc nào bởi sử dụng nguồn nước bị xâm hại do nuôi tôm” - ông Hương nói. Còn ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì cho biết: “Theo quyết định Quy hoạch tạm thời nuôi tôm trên cát đến năm 2018, các địa phương Núi Thành và Thăng Bình phải chịu trách nhiệm quản lý nuôi tôm theo quy hoạch. Các địa phương này phải quyết liệt hơn nữa thì mục đích của việc quy hoạch mới có thể thể hiện được trên thực tế”.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý nuôi tôm trên cát: Chưa quyết liệt vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO