Quản lý quy hoạch - "chìa khóa" phát triển

QUỐC TUẤN 04/11/2022 06:42

Nghiêm túc và cầu thị trong quá trình lập, quản lý quy hoạch từ cấp địa phương chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và kiến tạo đời sống thuận lợi cho cộng đồng.

Công tác quản lý quy hoạch ở vùng Đông hiện gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Q.T
Công tác quản lý quy hoạch ở vùng Đông hiện gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Q.T

Tại hội nghị quán triệt công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh vừa tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, quy hoạch là công tác hết sức quan trọng, tất cả địa phương phải thực hiện nghiêm túc. Có quy hoạch sẽ định hình không gian và nội hàm phát triển; nếu để phát triển một cách tự phát sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, phải trả giá.

Nhiều hạn chế

Quy hoạch đô thị là nội dung trọng điểm trong công tác lập, quản lý quy hoạch hiện nay. Dù vậy, thời gian qua lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều vướng mắc, tác động không nhỏ đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Theo Sở Xây dựng, nhiều quy hoạch chung đô thị gồm Thăng Bình, Đại Lộc, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nam Trà My được phê duyệt từ sớm nhưng việc ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chưa kịp thời.

Cùng với đó, một số quy hoạch được lập từ rất lâu nhưng đến nay chưa phê duyệt như quy hoạch chung đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên (lập năm 2017), quy hoạch chung đô thị Bình Minh, huyện Thăng Bình (lập năm 2018).

Điều này dẫn đến quy hoạch trước chưa được phê duyệt đã phát sinh những nội dung quy hoạch khác cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và sự phát triển của địa phương.

Ngoài ra, các quy hoạch dang dở cũng ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến đời sống của hàng nghìn hộ dân nằm trong vùng quy hoạch, nhất là tại các địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình…

Trong phạm vi Khu kinh tế mở Chu Lai hiện có khoảng 200 nghìn dân. Ông Hoàng Châu Sơn - Phó Trưởng ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp Quảng Nam đề xuất, để dung hòa sự phát triển bền vững quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai, đồng thời không kìm hãm các quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của các địa phương, cần rà soát, khoanh vùng các khu vực có dân cư đông để tạo điều kiện cho người dân được thực hiện các quyền lợi về xây dựng, đất đai.

Chính quyền các địa phương cũng khá chật vật trong việc lập, quản lý quy hoạch cho hài hòa với yêu cầu phát triển và hiện trạng thực tế của địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho hay, theo quy hoạch phân khu điều chỉnh đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc thì yêu cầu các dự án phải tách riêng hệ thống nước thải.

Tuy nhiên, các dự án đầu tư thuộc giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trước khi quy hoạch được duyệt thì cho hệ thống nước thải đi chung nên hiện chưa có hướng xử lý phù hợp.

Còn theo đại diện Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Duy Xuyên, công tác quản lý quy hoạch ở vùng Đông của huyện đang gặp nhiều vướng mắc, nhất là trong công tác cấp phép xây dựng tạm trong vùng quy hoạch.

Ông Nguyễn Chí Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cũng đề xuất, để làm tốt công tác quản lý quy hoạch trong thời gian tới, UBND tỉnh cần giao cho các cơ quan liên quan xây dựng tài liệu hướng dẫn.

Tài liệu này cần hệ thống lại các quy định về quy hoạch nằm rải rác ở các luật, các khái niệm, quy trình,… để tạo thuận lợi cho các cấp địa phương khi tiếp cận, quản lý công tác này.

Thận trọng nhưng không cầu toàn

Rất nhiều quy hoạch chung cấp huyện ở Quảng Nam đến nay vẫn chưa phê duyệt khiến nhiều địa phương sốt ruột. Tuy nhiên, lý do chính vẫn là chất lượng các đồ án chưa tốt khiến cơ quan thẩm định phải nhiều lần trả hồ sơ.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương phải hết sức chú ý trong công tác lập, quản lý quy hoạch tại các khu vực nhạy cảm như vùng sông nước hay ngập lụt, di tích di sản, gần các tuyến quốc lộ trọng yếu. Ảnh: Q.T
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương phải hết sức chú ý trong công tác lập, quản lý quy hoạch tại các khu vực nhạy cảm như vùng sông nước hay ngập lụt, di tích di sản, gần các tuyến quốc lộ trọng yếu. Ảnh: Q.T

“Đồ án quy hoạch điều chỉnh một số thị trấn cũng rất quan trọng, nhất là mạng lưới đô thị nằm ở khu vực hạ lưu các con sông có tính chất phức tạp. Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch đầu tư hạ tầng mới, san lấp mặt bằng nhiều thì UBND tỉnh yêu cầu phải đánh giá tác động môi trường, trong đó tập trung vấn đề ngập lụt.

Các địa phương phải hết sức chú ý trong công tác lập, quản lý quy hoạch tại khu vực nhạy cảm như vùng sông nước hay ngập lụt, di tích, di sản, gần các tuyến quốc lộ trọng yếu… Từ đó lường được tác động của quy hoạch đến các chủ thể này” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Trong tháng 10/2022, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đề nghị UBND tỉnh rà soát tổng thể các quy hoạch đã được phê duyệt nhưng chưa hoặc chậm triển khai để sớm điều chỉnh, hủy bỏ các quy hoạch kéo dài, quá thời gian quy định nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của người dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tinh thần là sẽ phân cấp mạnh trong việc lập, quản lý quy hoạch cho địa phương. Tùy theo năng lực của từng địa phương sẽ quyết định mức độ phân cấp. Trong đó, các quy hoạch phân khu và các khu đa chức năng nằm trọn trên một đơn vị hành chính thì tỉnh sẽ giao lại cho địa phương tự thực hiện.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý quy hoạch - "chìa khóa" phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO