Quản lý rủi ro, lo gần, lo xa

NGUYỄN ĐIỆN NAM 16/04/2023 05:49

Chuyện diễn viên Ngọc Lan vừa khóc vừa kể rằng cô đã bị tư vấn mập mờ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, nên lầm tưởng rằng nộp vào 7 tỷ đồng, sau 10 năm sẽ nhận được 10 tỷ. 

Thực hư việc này ra sao còn chờ công ty bảo hiểm trả lời theo yêu cầu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), nhưng ngay lập tức một cơn bão mạng đã tràn đến, khắp nơi người ta bàn tán.

Lại thêm nhiều khách hàng tố trên mạng là họ cũng bị lừa, chưa biết đúng sai thế nào nhưng việc gây hoang mang về những sản phẩm bảo hiểm đã hiện hữu. Ngay ở Quảng Nam, nhiều người cũng lo và cả nhà tôi 6 người đều tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng “sốt” theo.

Vì sao mà sốt? Bởi thực tế nhiều người chỉ nghe tư vấn rồi ký chứ ít khi rà soát kỹ hợp đồng bảo hiểm với chằng chịt khoản mục quy định nghĩa vụ và quyền lợi. Thông thường chỉ nghĩ phòng bị rủi ro, lỡ có bệnh tật, tai nạn gì thì có một khoản tài chính chủ động đỡ gánh nặng cho người thân, nên mua bảo hiểm. Nghĩ thế có gì sai?

Rõ ràng, thường khách hàng chỉ đặt niềm tin vào công ty bảo hiểm, nên cần trước hết ở nhân viên tư vấn ký hợp đồng cho biết minh bạch, đầy đủ về nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia. Mà dẫu khách hàng có đọc kỹ hợp đồng chưa chắc đã hiểu hết nên nhân viên tư vấn phải tận tâm tận lực giải thích chính xác, thấu đáo.

Sở dĩ nói điều này, bởi như ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp, Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ Tài chính & Kế toán, Đại học Bristol, cũng nói rằng: “Bảo hiểm là sản phẩm tài chính có nhiều thuật ngữ, khái niệm không gần gũi với người ngoài ngành. Ngay cả nhiều chuyên gia tài chính và pháp luật không chuyên mảng bảo hiểm cũng gặp khó. Vì vậy, sản phẩm này cần đội ngũ tư vấn chuyên biệt. Việc đẩy hết trách nhiệm cho khách hàng là điều không phù hợp cả về tình và lý”.

Thực chất giá trị cốt lõi của bảo hiểm là quản lý rủi ro. Có thể tìm hiểu điều này qua Luật Bảo hiểm năm 2022, quy định khá rõ về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với quyền lợi và trách nhiệm cụ thể của mỗi bên; trong đó nhắc nhiều đến các cụm từ “rủi ro” và “tổn thất”.

Rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kèm theo thiệt hại không biết trước, mà chi phí cho nó có thể vượt quá khả năng chịu đựng của người gánh rủi ro. Vì thế để biến chi phí không kiểm soát được khi rủi ro xảy đến thành chi phí kiểm soát được theo định kỳ nên người ta mua bảo hiểm.

Quản lý rủi ro như vậy thường là lo xa (dù không ai mong muốn gặp rủi ro để nhận khoản hỗ trợ từ bảo hiểm). Tóm lại, bảo hiểm là sản phẩm tài chính nhằm giảm thiểu mất mát do các sự kiện rủi ro bất ngờ xảy ra. Bảo hiểm không phải là kênh đầu tư tự có khả năng sinh lời, nên nếu ai nghĩ mua bảo hiểm để lấy tiền lời e là bất cập.

Vì sao ngày càng có nhiều người tham gia bảo hiểm và thị trường bảo hiểm không ngừng mở rộng? Bởi cuộc sống tiềm ẩn nhiều rủi ro và con người dường như bị bao bọc trong những nỗi lo gần lo xa.

Làm ăn lo lúc bất trắc. Có nhà, có của thì lo sức khỏe. Có con có cháu thì lo học hành. Có xe cộ tiền tỷ thì lo gặp tai nạn hư hỏng... Mỗi chuyện lo là có một loại bảo hiểm tương ứng. Bảo hiểm nhân thọ thường được quan tâm hơn vì lo gặp rủi ro về sinh mệnh con người.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 07 ngày 5/1/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 đạt 18% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Để quản lý rủi ro thì nên mua bảo hiểm, nhưng để tránh rủi ro quyền lợi khi tham gia bảo hiểm cần lo đọc kỹ hợp đồng. Bài học từ cơn bão truyền thông mang tên... Ngọc Lan là thế! 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý rủi ro, lo gần, lo xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO