"Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật": Từ dự án đến thực tế

VĂN HÀO 17/10/2014 08:44

Dự án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật” (NKT) do Bộ Ngoại giao Đức và Tổ chức phi chính phủ Malteser International tài trợ kết thúc cách đây vài tháng cũng là lúc các địa phương Duy Thu và Duy Thành (huyện Duy Xuyên) lên phương án để ứng phó trong mùa mưa bão năm nay.

Hưởng lợi từ dự án

Từ khi triển khai dự án vào giữa năm 2013, các địa bàn thôn ở  Duy Thành và Duy Thu thành lập ngay Ban quản lý rủi ro thiên tai với các đội cứu hộ thôn được trang bị những vật dụng thiết yếu để hỗ trợ NKT khi xảy ra thiên tai, bão lũ. Thông qua các lớp tập huấn và chương trình diễn tập, thành viên đội cứu hộ được trang bị những kỹ năng cơ bản về sơ cứu, cấp cứu và sơ tán dân mà ưu tiên trước hết là NKT, sau đó đến các đối tượng người già, trẻ con, nhà có người đau ốm…

Tất cả các thôn tham gia dự án ở xã Duy Thu và Duy Thành (Duy Xuyên) đều xây dựng một sơ đồ hiểm họa tỉ mỉ như thế này.
Tất cả các thôn tham gia dự án ở xã Duy Thu và Duy Thành (Duy Xuyên) đều xây dựng một sơ đồ hiểm họa tỉ mỉ như thế này.

Nhà văn hóa thôn Vân Quật (xã Duy Thành) là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc họp của đội cứu hộ thôn để củng cố lực lượng, lên dây cót tinh thần trước mùa mưa lũ. Đội ngũ này được phân công rõ ràng từng nhiệm vụ để giúp đỡ những gia đình có NKT. Cụ thể, có 1 - 2 người “kèm” 1 NKT để giúp nhau chằng chống nhà cửa, di dời người, đồ đạc đến nơi an toàn khi xuất hiện mưa lũ. Ông Nguyễn Đoán - Trưởng thôn Vân Quật cho biết, thôn có 11 tổ đoàn kết, mỗi tổ có 2 - 3 người chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các đối tượng trong diện cần được hỗ trợ thuộc 32 hộ của thôn. “Ngoài những thông tin, kiến thức được tập huấn từ dự án, anh em trong đội xung kích của thôn còn thường xuyên gặp mặt để lên kế hoạch, nhận diện những khó khăn sắp đến. Ngôi nhà nào kiên cố, cao tầng sẽ được vận động làm nơi trú tránh an toàn trong mùa mưa này; NKT nào đến nhà nào và những ai giúp NKT đó được chúng tôi lên danh sách cụ thể, rạch ròi” - ông Đoán nói. Ông Đoán cho biết thêm, dự án “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT” kết thúc tại địa phương vào tháng 6.2014, theo đó các đơn vị tài trợ đã hỗ trợ cho thôn 1 chiếc thuyền cứu hộ, hàng chục áo phao, đèn pin, loa cầm tay… để đối phó với thiên tai.

Dự án này được triển khai tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng cũng như tạo được sợi dây gắn kết lâu bền giữa các hộ dân, phát huy sức mạnh tập thể tại các khu dân cư. Đặc biệt, các thôn trên địa bàn xã được hưởng lợi từ dự án tiến hành lập “sơ đồ hiểm họa” để phân tích điểm mạnh, điểm yếu về nhân lực, “điểm đen” trên địa bàn khi có bão lũ… qua đó tiến hành diễn tập sơ tán từ cấp thôn lên cấp xã. Cạnh đó, bản thân NKT cũng được trang bị những kỹ năng cần thiết để hòa nhập, tìm tiếng nói chung.

Sẵn sàng

Nhà cụ ông Lê Điệt (82 tuổi) là địa chỉ lui tới thường xuyên của đội xung kích giảm nhẹ thiên tai thôn Vân Quật. Như lời ông trưởng thôn Nguyễn Đoán, không chỉ tới để hỏi thăm sức khỏe, bệnh tình cụ Điệt mà các thành viên trong đội còn đến để nắm bắt nguyện vọng, nắm rõ địa hình để có cách sơ tán hợp lý, nhanh và hiệu quả nhất khi mưa bão xuất hiện. Chị Lanh (55 tuổi, con gái cụ Điệt) cũng là một NKT, vì vậy mà khi nhận được sự quan tâm của cộng đồng, gia đình chị phần nào yên tâm hơn. Chị Lanh chia sẻ: “Hồi trước thấy mưa gió bão bùng là sợ lắm, bởi thế nào cũng bị nước lụt vào nhà ngập cả mét. Bây chừ đỡ lo hơn rồi, có việc gì là mấy anh trong đội xung kích cứu hộ của thôn sẽ có mặt để giúp đỡ”.

Dự án Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến NKT triển khai tại Quảng Nam từ tháng 4.2012 và kết thúc vào tháng 3.2014. Có 47 thôn thuộc 6 xã của các huyện Đại Lộc (xã Đại Lãnh và Đại Hồng), Duy Xuyên (Duy Thành, Duy Thu), Điện Bàn (Điện Minh, Điện Thọ) được hưởng lợi từ dự án này.

Tại 4 thôn của xã Duy Thu, nơi dễ bị tổn thương bởi thiên tai, Ban quản lý rủi ro thiên tai đã kiện toàn đội ngũ 20 - 30 người/thôn để sẵn sàng tỏa đến các gia đình, “điểm nóng” khi có mưa gió. Một trong những người chịu trách nhiệm giám sát dự án tại địa phương, ông Tăng Trung - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Thu cho biết, ứng phó với mùa mưa lũ năm nay, công tác chuẩn bị lương thực dự trữ đang được triển khai đến từng hộ dân, danh sách NKT các thôn đã nắm rõ và lên kế hoạch “tác chiến” trước, trong và sau mùa mưa bão. “Theo kế hoạch, sau khi đã ưu tiên giúp đỡ NKT, chúng tôi mở rộng sang những đối tượng khác để giảm tối đa những thiệt hại. Theo dự án này, vai trò của các “thúc đẩy viên” là vô cùng quan trọng, họ chính là cầu nối để huy động NKT tham gia giảm thiểu rủi ro thiên tai. Do đó, ở mỗi thôn chúng tôi cho thành lập một tổ gồm những người có uy tín để đảm nhiệm vai trò này” - ông Trung cho biết.

Theo thống kê, xã Duy Thành có gần 2.000 hộ dân, trong đó có 173 NKT. Đây cũng là vùng thấp trũng, hàng năm gánh chịu hậu quả nặng nề do bão lũ, vậy nên không phải ngẫu nhiên mà địa phương này nằm trong diện được hưởng lợi của dự án trên. Với 109 thành viên nằm trong Ban quản lý rủi ro thiên tai, ngoài 8 thúc đẩy viên và 24 NKT, 77 thành viên đội xung kích cứu hộ các thôn đều do chính người dân lựa chọn, được trang bị nhiều phương tiện hỗ trợ cứu hộ cứu nạn, địa phương này đã sẵn sàng và tự tin trước mùa mưa năm nay. “Thông qua sự tài trợ của dự án, chúng tôi đã xây dựng được kế hoạch phòng chống bão lụt dựa vào cộng đồng lồng ghép hòa nhập NKT. Năng lực quản lý rủi ro thiên tai từ thôn đến xã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ phòng chống bão lụt tại địa phương trong những năm tới” - ông Trần Nhân Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành, nói.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật": Từ dự án đến thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO