Tranh chấp rừng dai dẳng tại thôn 2, xã Tam Lộc (Phú Ninh) có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý của đơn vị được giao đất.
Nhiều năm nay, tranh chấp đất rừng giữa người dân và đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh kéo dài, làm cho chính quyền lúng túng trong khâu giao đất cho người dân. Hơn 200ha đất rừng tại thôn 2 (xã Tam Lộc) được giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý đã bị người dân lấn chiếm để trồng keo. Xung đột lợi ích khiến nơi đây thành “điểm nóng”, đỉnh điểm là gần đây có 2 hộ dân đã vào khai thác hơn 5ha cây keo nguyên liệu và đốt cháy một phần diện tích rừng. Trong khi đó, ông Nguyễn Cườm, đại diện 4 người dân ký hợp đồng kinh tế với cơ quan Bộ đội Biên phòng tỉnh khai thác 100% cây keo tại khu vực khoảnh I, II và III (thuộc tiểu khu 579, xã Tam Lộc). Khi có giấy phép khai thác và phương án tái tạo rừng được UBND tỉnh phê duyệt, ông Cườm bắt đầu thuê xe múc san ủi đường vào núi, thuê nhân công phát rừng mở đường chi phí lên đến cả tỷ đồng. Thế nhưng, mới khai thác được 4ha đã bị người dân cản trở. Ông Cườm giãi bày: “Chúng tôi nhiều lần đưa xe, thuê nhân công vào rừng đều bị người dân gây khó dễ vì họ tranh chấp rừng với đơn vị này. Lâm tặc thì lợi dụng lấy đi hàng chục mét khối gỗ tại đây. Rừng mình mua hợp pháp gần 4 năm nhưng không khai thác được, thật xót xa. Vì vậy, chúng tôi làm đơn xin trả rừng và xin Bộ đội Biên phòng tỉnh trả lại số tiền đã hợp đồng”.
Diện tích rừng 2 hộ dân Phan Văn Nhân và Trương Văn Trợ khai thác trái phép dẫn đến cháy rừng. Ảnh: T.N |
Trước “điểm nóng” tranh chấp đất rừng, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền huyện Phú Ninh giải quyết dứt điểm. Giữa năm 2015, Bộ đội Biên phòng tỉnh đồng ý giao lại toàn bộ diện tích lẫn hiện trạng rừng trên cho chính quyền địa phương quản lý, khai thác và sử dụng. Lần này, xảy ra tranh chấp khác giữa hàng chục hộ dân với chính quyền sở tại. Hộ ông Phan Văn Nhân và ông Trương Văn Trợ (trong đó ông Nhân là cán bộ của xã Tam Lộc) đã tự ý vào khu vực rừng trên để khai thác keo và đốt thực bì gây cháy diện tích rừng xung quanh, nên hàng chục hộ dân kéo vào rừng phản đối. Một số hộ dân cho rằng, họ cũng có trồng rừng trong số diện tích nói trên, song chính quyền địa phương không cho khai thác mà lại ưu ái cho một số người, trong đó có cán bộ xã là có vấn đề.
Chủ tịch UBND xã Tam Lộc Lê Văn Tình xác nhận, có xảy ra tình trạng khai thác và cho biết sẽ xử lý những cá nhân xâm phạm rừng khi chưa được phép. Theo ông Tình, các hộ ông Nhân và ông Trợ có trồng cây keo trên đất trước đây do Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý. Khi đơn vị này giao lại cho Nhà nước quản lý, địa phương có làm việc với các hộ dân và khẳng định cho khai thác phần diện tích họ đã trồng cây, với điều kiện khai thác phải đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật. Trong khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thì hai hộ nói trên đã tiến hành khai thác và đốt thực bì gây cháy 28 cây thông ca-ri-bê và một phần diện tích rừng xung quanh. Được biết, UBND xã Tam Lộc đã lập biên bản, kiểm tra lại mức độ thiệt hại để có hướng xử lý.
Trong khi đó, chính quyền huyện Phú Ninh khẳng định, nguồn gốc đất trên trước khi giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh là đất do Nhà nước quản lý. Nhưng do đơn vị này quản lý không hiệu quả nên để người dân xâm lấn trồng keo. Huyện sẽ làm việc với các đơn vị có liên quan để xác định lại hiện trạng rừng, rà soát lại diện tích rừng nào do dân trồng sẽ cho họ khai thác, còn lại địa phương sẽ khai thác tận thu. Khoảng 50ha đất rừng nơi đây sẽ quy hoạch phục vụ cho các dự án, diện tích còn lại sẽ cho các hộ dân có nhu cầu sản xuất nông nghiệp, hoặc trồng rừng thuê…
TRẦN NGUYỄN