Quản lý, sử dụng quỹ cứu trợ tỉnh: Chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả

LÊ NHƯ THỦY 15/12/2017 13:13

Năm 2017, nguồn quỹ cứu trợ tỉnh tiếp nhận trên 20 tỷ đồng của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh chung tay hỗ trợ, giúp đồng bào khắc phục thiệt hại sau thiên tai.

Mặt trận các cấp hỗ trợ khắc phục thiên tai. Ảnh: L.N.T
Mặt trận các cấp hỗ trợ khắc phục thiên tai. Ảnh: L.N.T

Thời gian qua, Mặt trận các cấp trở thành địa chỉ tin cậy trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban cứu trợ các cấp được thành lập khi có Nghị định 64/NĐ-CP ngày 14.5.2008 của Chính phủ, cơ cấu các ngành có liên quan như: tài chính, nông nghiệp, LĐ-TB&XH, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông. Trưởng ban cứu trợ là chủ tịch Ủy ban MTTQ các cấp. Đối với cấp xã,  phó ban là đại diện lãnh đạo UBND. Kế toán ngân sách là kế toán quỹ cứu trợ, kiểm soát thu chi theo Luật Ngân sách. Việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ được công khai minh bạch, ngành tài chính thẩm định báo cáo quyết toán hằng năm.

Để việc tổ chức các hoạt động cứu trợ đảm bảo nguyên tắc, Mặt trận tỉnh chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Từ việc định hình về cơ cấu tổ chức ban cứu trợ đến việc hướng dẫn nội dung hoạt động, mẫu hóa các báo cáo tình hình thiên tai, việc tổ chức phát động gây quỹ; hồ sơ, thủ tục giải ngân quỹ. Cạnh đó, hằng năm, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, mời thành viên ban cứu trợ và ngành tài chính cùng đến các địa phương kiểm tra sổ sách, hướng dẫn nghiệp vụ thực hiện công tác cứu trợ... Chính vì thế, hoạt động cứu trợ của Mặt trận các cấp trở thành nền nếp và thường xuyên trong năm. Năm 2017, quỹ đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 300 ngôi nhà; hỗ trợ cho 27.021 hộ có hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại do thiên tai và thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người thân bị nạn do thiên tai.

Điểm mới trong hoạt động cứu trợ năm 2017 đó là việc phối hợp khá chặt chẽ giữa Mặt trận với chính quyền cùng cấp khi xác định mức độ thiệt hại, mức hỗ trợ và nguồn lực hỗ trợ. Ông Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự phối hợp cộng tác của Mặt trận góp phần cùng chính quyền chăm lo đời sống nhân dân sau thiên tai. Cụ thể, đầu năm 2017, Quỹ cứu trợ tỉnh lồng ghép cùng nguồn lực Nhà nước để mua gạo cho dân đón Tết Nguyên đán; rồi đợt mưa lũ mới đây, quỹ lại đảm nhiệm việc chi hỗ trợ thiệt hại về người và nhà ở còn chính quyền các cấp tập trung hỗ trợ dân sinh (phương tiện sản xuất, giống cây trồng, con vật nuôi, đường giao thông,  cầu, cống...). Cạnh đó, để hoạt động hỗ trợ người dân bị thiệt hại sau thiên tai đảm bảo dân chủ, khách quan, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về quản lý, sử dụng nguồn kinh phí khắc phục hậu quả mưa, lũ năm 2017. Theo đó, danh sách các gia đình bị thiệt hại do thiên tai được chính quyền cùng cấp xác nhận để đảm bảo thủ tục giải ngân kinh phí hỗ trợ đối với nhà ở bị thiệt hại hoàn toàn (40 triệu đồng/nhà); nhà ở bị hư nặng hơn 70% (20 triệu đồng/nhà); nhà hư hỏng từ 70% trở xuống mức hỗ trợ cụ thể do Mặt trận và UBND cùng cấp quyết định trên cơ sở xác định mức độ thiệt hại của từng hộ dân mà trưởng thôn và trưởng ban công tác mặt trận đảm nhận. “Có thể nói, hoạt động cứu trợ thiên tai đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Việc chung tay khắc phục hậu quả thiên tai là trách nhiệm của người làm công tác mặt trận trước cấp ủy, chính quyền, trước nhân dân và trước những tấm lòng của nhà hảo tâm” - ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh.

LÊ NHƯ THỦY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý, sử dụng quỹ cứu trợ tỉnh: Chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO