Quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh

VĂN DŨNG (tổng hợp) 11/08/2015 08:31

Thông tư 92/2015/TT/BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh, giải quyết những bất cập trong quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.

Nhằm để đơn giản cách tính thuế, thông tư này quy định, từ năm 2015 trở đi cá nhân kinh doanh (bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ kinh doanh) có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thuộc diện không phải nộp thuế TNCN và thuế GTGT. Cá nhân kinh doanh có doanh thu từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN theo phương pháp khoán, tỷ lệ thuế tính trên doanh thu, cụ thể theo từng lĩnh vực ngành nghề, gồm: phân phối, cung cấp hàng hóa (tỷ lệ thuế GTGT là 1%, tỷ lệ thuế TNCN 0,5%); dịch vụ xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu (tỷ lệ thuế GTGT là 5%, tỷ lệ thuế TNCN 2%); sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu (tỷ lệ thuế GTGT là 3%, tỷ lệ thuế TNCN 1,5%); hoạt động kinh doanh khác (tỷ lệ thuế GTGT là 2%, tỷ lệ thuế TNCN 1%). Thực hiện khai thuế 1 lần/năm (thời điểm xác định doanh thu tính thuế khoán từ ngày 20.11 đến ngày 15.12 của năm trước năm tính thuế), nộp thuế theo quý (4 kỳ/năm) và cuối năm không phải quyết toán thuế. Một quy định mới nữa của thông tư này, từ năm 2016 doanh thu theo hóa đơn của cá nhân kinh doanh sẽ được xác định ngoài doanh thu khoán thuế và khai nộp thuế theo từng quý. Đây được xem là động thái tích cực nhằm ngăn ngừa tình trạng lợi dụng, sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa chứng từ đầu vào làm chi phí của doanh nghiệp hoặc chứng từ cho các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước để chiếm đoạt tiền thuế.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung chính sách thuế đối với cá nhân kinh doanh, cách thức quản lý thuế đã có những cải cách, đề cao nguyên tắc công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của chính quyền, đoàn thể địa phương và người dân về doanh thu, mức thuế khoán của từng hộ kinh doanh với nhau trong thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, hạn chế việc lợi dụng “bắt tay”,“thỏa hiệp” gây thất thu cho ngân sách nhà nước và tạo nên mất công bằng. Do đó, Thông tư 92 quy định hàng năm, chi cục thuế có trách nhiệm niêm yết để lấy ý kiến công khai về doanh thu và mức thuế khoán phải nộp của cá nhân kinh doanh. Việc công khai phải thực hiện 2 lần (lần 1 là mức dự kiến, lần 2 là mức chính thức, trước ngày 30.1 hàng năm).

Đối với mức thuế khoán thực hiện năm 2015, chậm nhất ngày 30.8 này, chi cục thuế phải thực hiện niêm yết công khai danh sách hộ kinh doanh thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN và danh sách hộ kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế khoán và mức thuế phải nộp tại bộ phận một cửa của chi cục thuế, UBND xã, phường, thị trấn, đội thuế, ban quản lý chợ và cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Từ năm 2016 trở đi ngoài việc niêm yết công khai tại các địa điểm nói trên, chi cục thuế còn phải thực hiện gửi tài liệu niêm yết công khai lần 1 và lần 2 đến HĐND, ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã, huyện, quận, xã, phường, thị trấn và cho từng cá nhân kinh doanh. Đồng thời, tiếp nhận ý kiến phản hồi (nếu có) để làm căn cứ điều chỉnh.

Điểm mới trong quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh lần này là cho phép cơ quan thuế áp dụng phương pháp quản lý thuế theo rủi ro. Cục thuế có trách nhiệm xây dựng bộ tiêu chí rủi ro đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán. Hàng năm, cục thuế kiểm tra thực tế tối thiểu 20% số chi cục thuế theo quy định về quản lý rủi ro đối với việc xác định mức doanh thu khoán dự kiến, mức thuế dự kiến, đồng thời cục thuế định kỳ kiểm tra thực tế tối thiểu 10% số chi cục thuế mỗi quý I, II, III để làm căn cứ xây dựng doanh thu dự kiến, mức thuế dự kiến cho năm sau. Kiểm tra thực tế đối với ít nhất 15% hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.

VĂN DŨNG (tổng hợp)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO