Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn: Cần phối hợp đồng bộ

KHÁNH LINH 19/06/2018 11:06

Đánh giá tác động ảnh hưởng phía hạ du sông Vu Gia và sông Thu Bồn, từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp hài hòa lợi ích giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Vấn đề này, một lần nữa được phân tích mổ xẻ trong hội thảo trao đổi liên tỉnh lần thứ 6 về công tác quản lý lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam, Đà Nẵng vừa diễn ra tại TP.Hội An.

Việc phối hợp quản lý điều phối dòng nước 2 con sông Vu Gia, Thu Bồn sẽ giúp cân bằng lợi ích giữa hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng. Ảnh: K.L
Việc phối hợp quản lý điều phối dòng nước 2 con sông Vu Gia, Thu Bồn sẽ giúp cân bằng lợi ích giữa hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng. Ảnh: K.L

Bài toán lợi ích

Theo TS. Tô Thúy Nga, giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), việc vận hành điều phối nước liên quan đến vấn đề quản lý liên vùng, vì 2 con sông Vu Gia, Thu Bồn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu nước về sông Vu Gia nhiều thì nước song Thu Bồn sẽ ít. Sông Vu Gia chảy về Đà Nẵng, còn sông Thu Bồn chảy về Quảng Nam. Do đó, nếu không hài hòa lợi ích dễ có sự mâu thuẫn giữa 2 địa phương.

“Đơn cử, vào mùa khô khi sông Vĩnh Điện bị nước mặn xâm nhập, trạm bơm Tứ Câu không hoạt động được thì Quảng Nam đắp đập tạm ngăn mặn, nhưng cái đập này sẽ làm cho Đà Nẵng mặn thêm vì không có lượng nước đẩy về sông Hàn, lúc đó nước sông Hàn sẽ đẩy mặn xâm nhập sâu vào sông Cầu Đỏ. Vì thế, Quảng Nam đề nghị xây dựng một đập kiên cố ở sông Vĩnh Điện thì Đà Nẵng phản đối. Những mâu thuẫn đó cần giải quyết hài hòa” - TS. Tô Thúy Nga dẫn giải.

“Muốn giải quyết hài hòa bài toán lợi ích giữa hai địa phương, cần phải giải quyết 5, 6 bài toán từ số liệu khảo sát đến tính toán thủy văn, vận hành hồ chứa, tính toán thủy lực, cân bằng nước… nên phải có sự nghiên cứu tổng thể” - TS. Tô Thúy Nga cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, những nghiên cứu và thực tế cách nhau một trời một vực, nếu không đi thực địa việc xây dựng mô hình sẽ không sát thực tế, khập khiễng.

“Nói đắp đập ở Vĩnh Điện sẽ đẩy mặn về phía Đà Nẵng là không đúng, bởi vì sông Vĩnh Điện là dòng sông ngang không có dòng chảy, không có độ dốc nên không thể nói là đẩy mặn, điều đó chứng tỏ đã không có sự khảo sát, nghiên cứu thực địa. Hiện nay việc thiếu nước rất gay gắt, bây giờ thủy điện không đáp ứng được yêu cầu phía hạ lưu” - ông Hải phản ứng.

Thực tế, trong nhiều năm qua, hệ thống quản lý tài nguyên nước và tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vẫn được thực hiện theo cách tiếp cận truyền thống là theo địa giới hành chính, mang tính đơn ngành, đơn vùng. Đây chính là các yếu tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực, gây trở ngại cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nghiên cứu tổng thể

Năm 2017, hai địa phương đã ký kết thỏa thuận phối hợp quản lý, thành lập Ban Điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Mục đích nhằm tăng cường sự phối hợp giữa hai địa phương; giữa các ban, ngành và các bên liên quan, tiến tới hài hòa giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội và an toàn sinh thái, môi trường; chia sẻ thông tin, khuyến khích hợp tác giữa các bên liên quan; thiết lập thử nghiệm một thể chế liên tỉnh, thành phố để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng.

TS. Nguyễn Minh Sơn - Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam cho rằng, việc thành lập Ban điều phối đa ngành liên tỉnh là cần thiết, vấn đề là cần lồng vào từng công việc cụ thể, thực tế vì vai trò điều phối cực kỳ quan trọng.

“Hai địa phương chịu nhường một tí, hỗ trợ qua lại, khi có sự chia sẻ đó sẽ mang lại hiệu quả. Thật ra, bài toán này chúng tôi đã làm 20 năm rồi, vẫn xói lở, nhiễm mặn, lũ lụt. Nếu có một cơ chế làm việc đúng đắn sẽ giải quyết được. Đề cương quản lý tổng hợp nhưng thật ra mới tổng hợp 3 bài toán mà chưa nói về tổng hợp của nguồn lực, tổng hợp các ngành, các vấn đề dữ liệu... Phải đưa con người vào, phải đưa nguồn lực vào để cùng trao đổi, chia sẻ những cái tổng hợp đó chứ không phải là tổng hợp khoa học; tổng hợp về mặt thể chế mới là tổng hợp quan trọng” - TS. Nguyễn Minh Sơn phân tích.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, giải quyết bài toán điều phối quản lý dòng nước làm sao để cân bằng lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội, phù hợp với các quy định hiện hành là không hề đơn giản, được mặt này sẽ dẫn đến hạn chế mặt khác; vấn đề là tính toán làm sao cho mặt tích cực nổi trội hơn và không gây xung đột, ảnh hưởng quá nhiều đến những khu vực khác. Do đó, cách ứng xử phải rất khoa học nhưng cũng phù hợp với tình hình thực tiễn.

“Theo tôi, để giải quyết mối quan hệ hài hòa phải dựa trên 2 nguyên tắc. Thứ nhất, cơ sở khoa học. Phải tính toán dựa trên những chuyển biến trong thời gian vừa qua và dự báo được những thay đổi ở tương lai để đưa ra quyết định điều chỉnh như phương án gì, công nghệ gì, vận hành ra sao cho phù hợp. Thứ hai, giữa hai địa phương phải vì lợi ích chung của cộng đồng, để nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng sinh hoạt sản xuất đảm bảo, không được xem nhẹ cái nào, không vì đảm bảo cấp nước ngọt cho TP.Đà Nẵng mà ảnh hưởng cho cấp nước ở vùng Quảng Nam hoặc ngược lại. Các bên phải ngồi bàn thảo với nhau một giải pháp mang tính tổng hợp lâu dài, vấn đề này rất khó, nhưng khó không có nghĩa không làm được nhưng nó cần phải có thời gian. Ngoài ra, cần phải hệ thống hóa lại tất cả công trình nghiên cứu trên sông Thu Bồn, Vu Gia, kể cả các công trình xây dựng, các giải pháp phi công trình đã nghiên cứu, từ đó có định hướng nghiên cứu theo một cái trục sau đó mới đến các đường nhánh, lúc đó mới giải quyết được vấn đề trên lưu vực Thu Bồn, Vu Gia và vùng bờ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

KHÁNH LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn: Cần phối hợp đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO