Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quản lý tổng hợp vùng bờ (THVB) được Sở TN-MT tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, để giảm tổn thương cho tài nguyên và môi trường ven biển, cần huy động sự vào cuộc của cộng đồng dân cư, nhất là có chiến lược bài bản.
Kinh nghiệm từ Cù Lao Chàm
Vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) được thiên nhiên ban tặng nhiều vốn quý như san hô, thảm cỏ biển, ốc vú nàng, cua đá... nhưng khu vực này cũng rất nhạy cảm do tác động của nhiều yếu tố như các hiện tượng tự nhiên cực đoan, bão lũ, vận tải biển, đánh bắt hải sản trái phép...
Ông Lê Vĩnh Thuận - Phó Giám đốc Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, nhiệm vụ bảo tồn biển rất đa dạng, quản lý chặt các giá trị tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, các giá trị văn hóa - lịch sử, xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao nhận thức về thực thi pháp luật của người dân trên đảo và khách tham quan du lịch.
“Vấn đề đặt ra là làm sao huy động cộng đồng dân cư khai thác các giá trị đặc sắc đi đôi với bảo tồn. Hơn ai hết, người dân xã đảo đã vào cuộc hiệu quả, ngày càng gắn bó mật thiết” - ông Thuận nói.
Để ổn định nhiệm vụ bảo tồn biển và quản lý THVB, với diện tích 235km2, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phân chia rõ ràng các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt (1,26km2), khu phục hồi sinh thái (2,25km2), vùng phát triển du lịch (1,39km2), vùng khai thác hợp lý là 94,58km2, còn lại là vùng đệm với 135,62km2. Nhiệm vụ bảo tồn biển ở Cù Lao Chàm đã thống nhất nhiều nội dung, trong đó đặt ra vấn đề phải ổn định đới bờ, chống xói lở, làm sạch nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt. Với nhiều khu vực đảo, ngành chức năng đã quy hoạch các phân khu nuôi trồng hải sản, khai thác hải sản, nơi cư trú của các loài sinh vật, bãi đẻ giống của chúng, khu vực chứa nguồn thức ăn tự nhiên...
“Chúng tôi xác định vai trò to lớn của hệ sinh thái cỏ biển, rong biển như một máy lọc sinh học, hấp thu các kim loại nặng, duy trì cân bằng sinh thái ven bờ, là nơi trú ngụ không thể tốt hơn cho cua, ghẹ, cá, mực, các loài bò sát và thú biển. Cỏ biển, rong biển cũng là bãi ương ấu thể, bãi đẻ của các loài động vật biển và là nguồn thức ăn sạch duy trì đa dạng sinh học biển” - ông Lê Vĩnh Thuận cho biết thêm.
TS. Nguyễn Minh Sơn - Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) cho rằng, công tác bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã để lại nhiều bài học quý về quản lý THVB. Đó là xây dựng khung thể chế, pháp lý rõ ràng, có ý kiến đồng thuận của cộng đồng khi phân chia các vùng quản lý. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng đã cho thấy ý nghĩa rõ rệt khi cộng đồng tham gia bảo tồn biển rất tự giác, bài bản. Công tác đào tạo, phát triển năng lực và ứng dụng khoa học, kỹ thuật của người dân khi tham gia bảo tồn biển cũng đã cho hiệu quả thiết thực.
Vào cuộc hiệu quả hơn
UBND tỉnh giao Sở TN-MT tham mưu xây dựng kế hoạch quản lý THVB. Theo đó, tăng cường sự tham gia của các cơ quan quản lý, các bên liên quan, chính quyền và cộng đồng địa phương để bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng bờ, khai thác hợp lý giá trị, đa dạng sinh học, nâng cao tính bền vững và toàn vẹn các hệ sinh thái. Cùng với đó, hạn chế, phòng ngừa, giảm thiểu các tác động tiêu cực do con người, tự nhiên và biến đổi khí hậu đến tài nguyên và môi trường vùng bờ...
Quản lý THVB đang đặt ra nhiều vấn đề tại Quảng Nam. Sạt lở, bồi lấp biển đang diễn ra rất phức tạp ở các vùng ven biển như Duy Hải (Duy Xuyên) hay Cửa Lở (Núi Thành). Nước biển dâng, biến đổi khí hậu cũng gây nên nhiều tác hại đến các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống của người dân. Ở xã đảo Tam Hải (Núi Thành), vấn đề nan giải là rác thải đe dọa các giá trị tài nguyên như san hô, thảm cỏ biển, các loài hải sản quý hiếm như cá hồng, cá mú...
Theo bà Bùi Thị Hồng - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Núi Thành, xử lý rác thải trên địa bàn xã đảo Tam Hải còn nhiều bất cập. Đó là hệ thống chính trị của xã chưa thật sự vào cuộc, chưa phân công rõ ràng trách nhiệm giữa các thành viên UBND xã cũng như các hội, đoàn thể, Mặt trận đến từng thôn, xóm. Các cơ quan của tỉnh, huyện đã về địa phương tập huấn, chuyển giao kiến thức xử lý rác thải nhưng chưa thực hiện xuyên suốt, không kiểm tra, giám sát. “Khối lượng rác thải ở xã đảo quá nhiều nhưng nhiều người dân chưa có thói quen phân loại rác. Tỷ lệ thu phí rác thải đạt thấp, không đáp ứng được yêu cầu xử lý rác thải” - bà Hồng nói.
TS.Hứa Chiến Thắng - chuyên gia về quản lý THVB cho rằng, cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng vẫn còn “mơ hồ” về quản lý THVB; việc đặt ra kế hoạch hành động còn chưa đồng nhất ở các cấp chính quyền. Trách nhiệm và nghĩa vụ của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng một số tài nguyên ở vùng bờ chưa rõ ràng... Đáng nói hơn, hiếm có cơ quan nghiên cứu, tư vấn khoa học, công nghệ, nhân lực đủ trình độ trong lĩnh vực quản lý THVB để quy hoạch tổng thể sát thực tiễn. Vì vậy, việc kiện toàn bộ máy quản lý THVB cần được ưu tiên xem xét hàng đầu tại Quảng Nam...