Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Bánh tráng Đại Lộc"

TRIÊU NHAN 29/10/2017 16:01

(QNO) - Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bánh tráng Đại Lộc”, một đặc sản vùng miền được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ thương hiệu; xây dựng chuỗi sản phẩm sạch từ sản xuất tới tiêu thụ; nâng giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm truyền thống trên thị trường… là mục tiêu được huyện Đại Lộc hướng tới.

Món bánh tráng thịt heo ăn là món ăn đặc sản của vùng quê Đại Lộc. Ảnh: TRIÊU NHAN
Bánh tráng thịt heo ăn là món ăn đặc sản của vùng quê Đại Lộc. Ảnh: TRIÊU NHAN

Đại Lộc có trên 200 cơ sở sản xuất bánh tráng thủ công, một phần số hộ trong đó sử dụng máy tráng bánh bán tự động để cải tiến sản xuất, tiết giảm nhân công, tăng năng suất, lại cho ra sản phẩm bánh đều, đẹp về hình thức, mẫu mã. Bánh tráng, cụ thể là món bánh tráng thịt heo, một trong những đặc sản Đại Lộc, được người tiêu dùng ưa chuộng, với hàng chục cơ sở chế biến món ăn phục vụ người dân và du khách. Nhiều cơ sở đặc sản bánh tráng thịt heo Đại Lộc cũng xuất hiện tại nhiều tỉnh thành. Bánh tráng Đại Lộc bắt đầu tiếp cận siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Nhãn hiệu tập thể “Bánh tráng Đại Lộc” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ thương hiệu đã lâu song đến nay, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ái Nghĩa, đơn vị được giao quyền quản lý và phát triển thương hiệu vẫn chưa tiến hành công bố nhãn hiệu, đồng thời trao quyền sử dụng nhãn hiệu cho các thành viên...

Ông Phan Hành - Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện cho biết, địa phương đang phối hợp với Sở KH&CN xây dựng quy chế quản lý, phát triển, bảo vệ thương hiệu “Bánh tráng Đại Lộc”; tích cực truyền thông đến các cơ sở sản xuất để các chủ hộ đăng ký làm thành viên của HTX. Các thành viên đăng ký sẽ được HTX trao quyền sử dụng nhãn hiệu, lô gô, mã vạch, tức hệ thống nhận diện thương hiệu in trên bao bì để lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, để sử dụng nhãn hiệu thì các cơ sở phải tuân thủ quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận ATVSTP. Các thành viên phải có dụng cụ bảo hộ lao động trong sản xuất, được khám sức khỏe định kỳ. Các chủ cơ sở cam kết phải có nơi phơi sấy an toàn, tránh bụi bặm, ảnh hưởng tới chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Trước mắt, Phòng Kinh tế & hạ tầng huyện sẽ chọn, phối hợp và hướng dẫn một cơ sở sản xuất mẫu, để từ đó các hộ thành viên học tập, làm theo. “Đây là bước đi có ý nghĩa quan trọng, nhằm quảng bá và phát triển thương hiệu đặc sản vốn có của huyện. Mục tiêu là làm sao để du khách tới địa phương ai cũng biết đến đặc sản quê hương là bánh tráng thịt heo Đại Lộc, có thể mua về làm quà biếu, tặng. Giá cả sẽ được niêm yết công khai, không có tình trạng đội giá. Từ việc chú trọng đến chất lượng, đến mẫu mã, hình thức, đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ... thì sản phẩm truyền thống đặc trưng quê hương sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường, có nhiều cơ hội để vào các siêu thị, trung tâm thương mại lớn và vươn xa hơn” - ông Hành nói.

Ông Lê Minh Thảo - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành (Sở KH&CN) chia sẻ, tại hội nghị Quản lý và phát triển nhãn hiệu “Bánh tráng Đại Lộc” vừa qua, các chủ cơ sở rất quan tâm đến quy trình sản xuất thủ công, đến yếu tố ATVSTP, đến lô gô nhãn hiệu, hay làm thế nào để tăng giá trị sản phẩm truyền thống, kiểm soát nhãn hiệu trên thị trường... Có thể thấy, về lô gô nhãn hiệu, bà con chưa biết nhiều, thời gian tới cần cải tiến hệ thống nhận diện thương hiệu, cải tiến lô gô, bao bì, mẫu mã đẹp, bắt mắt về hình thức hơn. Về giá trị của sản phẩm, làm sao phải tạo sự khác biệt về chất lượng, chuyển tải được nét văn hóa đặc trưng làng nghề truyền thống, tích cực truyền thông cộng đồng, đặc biệt phải thể hiện giá trị khác biệt này lên hệ thống nhận diện thương hiệu. Quy trình sản xuất hiện nay vừa theo lối thủ công, vừa có sử dụng thiết bị cải tiến, nhưng cũng cần phải thống nhất yếu tố đầu vào và đầu ra, kể cả yếu tố nguyên liệu (gạo, nước) cũng phải có nguồn gốc tại địa phương.

Cũng theo ông Thảo, Sở KH&CN sẽ phối hợp với UBND huyện, HTX Ái Nghĩa xây dựng thông báo khái quát về vấn đề quản lý, kiểm soát nhãn hiệu, yêu cầu tuân thủ vấn đề chất lượng sản phẩm, ATVSTP cả yếu tố đầu vào lẫn đầu ra. Đặc biệt, cả những cơ sở tiêu thụ bánh tráng, các nhà hàng, quán ăn kinh doanh có sử dụng bánh tráng Đại Lộc trên địa bàn huyện, tỉnh và cả nước, phải tuân thủ các quy chế, quyền sở hữu trí tuệ được cấp cho HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa. “Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Bánh tráng Đại Lộc” hiện chưa được HTX cấp cho ai, cơ sở nào vô tình sử dụng là xem như bị xâm phạm, có thể yêu cầu tháo gỡ bảng hiệu của các cơ sở kinh doanh có sử dụng bánh tráng Đại Lộc hoặc gỡ nhãn hiệu khỏi sản phẩm nếu vi phạm” - ông Thảo nói.

Nhiều cơ sở vẫn vô tư gắn nhãn hiệu tập thể dù chưa được cấp phép sử dụng nhãn hiệu. Ảnh: TRIÊU NHAN
Nhiều cơ sở vẫn vô tư gắn nhãn hiệu tập thể dù chưa được cấp phép sử dụng nhãn hiệu. Ảnh: TRIÊU NHAN

Theo bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, cũng xuất phát từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên vấn đề giữ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa lâu nay chưa được quan tâm đúng mức, còn bị thả nổi, sản phẩm khó phát triển trên thị trường được. Bánh tráng Đại Lộc là một trong hơn 40 sản phẩm nông nghiệp nông thôn, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh theo kế hoạch được quản lý, tạo lập và phát triển thương hiệu. Theo đó, Sở KH&CN sẽ xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện lại hồ sơ, quy trình sản xuất, quản lý nhãn hiệu, tổ chức dán tem, nhãn lên thương hiệu, hướng dẫn cho chủ sở hữu cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho các cơ sở đạt chuẩn về chất lượng, ATVSTP.

Ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT HTX Ái Nghĩa nhìn nhận: “Nhiều năm nay, nhãn hiệu đã được bảo hộ nhưng còn trôi lơ lửng, chưa ai quản lý, kiểm soát. Từ nay, HTX sẽ hệ thống lại hết các thủ tục, văn bản, triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu đến các thành viên đủ điều kiện. Sản phẩm gắn lô gô, nhãn hiệu, sử dụng hệ thống nhận diện do HTX cấp phải là sản phẩm sạch, không có chất phụ gia, hàn the, có giấy chứng nhận ATVSTP. Khâu sản xuất phải theo quy trình chuẩn, đảm bảo về chất lượng đến vấn đề ATVSTP. Có như vậy mới giữ được thương hiệu khỏi nguy cơ mai một, bị xâm phạm”. Cũng theo ông Cảm, HTX hiện đang đặt in lại bao bì để đóng gói mẫu, sắp tới sẽ hội thảo, lấy ý kiến các chủ cơ sở sản xuất. Lâu nay, HTX cũng có cơ sở sản xuất bánh tráng trên diện tích 1.000m2, song sức tiêu thụ vẫn chưa nhiều, chỉ mới ở khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm là chính. HTX đang hướng tới chuỗi sản xuất và cung ứng bánh tráng sạch, bên cạnh phát triển thương hiệu gạo quê an toàn. 

TRIÊU NHAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Bánh tráng Đại Lộc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO