Có nhiều khó khăn, bất cập khiến cho việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở cấp xã còn mang tính hình thức, lỏng lẻo.
Thực phẩm bày bán ngay trên đường, đoạn trước các công ty may thuộc phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ. (Ảnh chụp chiều ngày 6.8.2016). Ảnh: VĂN HÀO |
Nhiều cái khó
Theo phân cấp quản lý, tuyến xã có ban chỉ đạo ATVSTP thực hiện chức năng tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tham mưu xử phạt… các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, hoạt động buôn bán trong phạm vi thuộc quyền quản lý. Nhưng trong thực tế, công tác này không mang lại nhiều hiệu quả - như chính ý kiến của những người trong cuộc.
Ông Võ Văn Đường - Chủ tịch UBND phường An Xuân (TP.Tam Kỳ) cho biết, Ban chỉ đạo ATVSTP của địa phương gồm 10 thành viên, trong đó Phó Chủ tịch UBND và Trạm trưởng Trạm Y tế phường giữ các vai trò trưởng và phó ban, các thành viên còn lại cũng đều là cán bộ kiêm nhiệm. “Đầu năm đến nay địa phương đã ra quân đôi ba lần kiểm tra các cơ sở kinh doanh buôn bán nhưng cũng chẳng… đâu vào đâu. Đối với các cơ sở ăn uống vỉa hè hay quán xá nhậu nhẹt, vì không có thiết bị kiểm định, dụng cụ test nhanh nên khó phát hiện vi phạm ATVSTP. Còn nếu quan sát phát hiện sai phạm, chủ yếu là hình thức nhắc nhở” - ông Đường nói. Theo Nghị định 178/NĐ-2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm do Chính phủ ban hành ngày 14.11.2013, chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng. Tuy nhiên theo ông Đường, chưa bao giờ ông áp dụng tới mức khung hình phạt này, cao nhất là vài trăm nghìn đồng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bạch Yến - Trạm trưởng Trạm Y tế phường An Xuân, Phó ban Chỉ đạo ATVSTP phường cho rằng, công tác quản lý ATVSTP tại địa phương bộc lộ quá nhiều cái khó. Bà Yến dẫn chứng, việc tổ chức kiểm tra không khi nào đông đủ vì các thành viên còn vướng công việc chuyên môn; việc am hiểu các luật về ATVSTP còn hạn chế nên vấp phải phản ứng của người dân khi lập biên bản xử phạt hành chính; nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, dù đã đến vận động người dân tham gia các quy trình, thủ tục để cấp giấy chứng nhận nhưng họ vẫn không thực hiện. “Nếu muốn lập biên bản xử lý hành chính một hành vi nào đó, chúng tôi phải kiến nghị nhờ Phòng Y tế TP.Tam Kỳ cử cán bộ cùng tham gia kiểm tra, tư vấn để có khung hình phạt xử lý thỏa đáng, đúng luật” - bà Yến nói.
Tại phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ), nơi tập trung đông công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, xí nghiệp may nên xuất hiện các chợ cóc phục vụ nhu cầu của người dân. Việc kiểm soát chất lượng ATVSTP tại những nơi bán buôn này vẫn còn bỏ ngỏ. Chưa kể, trên địa bàn còn có khoảng 200 cơ sở kinh doanh hàng hóa, thực phẩm thuộc quản lý của địa phương nhưng việc giám sát tồn tại nhiều bất cập. Ông Dương Văn Lưu - Trạm trưởng Trạm Y tế, Phó ban Chỉ đạo ATVSTP phường Trường Xuân cho biết, đầu năm đến nay, tổ liên ngành của địa phương mới tổ chức 2 đợt kiểm tra (mỗi đợt 3 - 4 ngày) vào dịp Tết Nguyên đán 2016 và Tháng hành động ATVSTP (tháng 4). Ông nói: “Mỗi năm chúng tôi chỉ kiểm tra được 1/3 tổng số cơ sở. Qua kiểm tra phát hiện những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Còn đối với những hàng quán ăn uống, chủ yếu tuyên truyền người dân cam kết đảm bảo ATVSTP; nếu quán xá phục vụ buổi tối thì không thể nào kiểm soát được vì đã qua giờ hành chính, không triệu tập được thành viên đi kiểm tra”. Ông Lưu cũng bày tỏ băn khoăn, tại các điểm bán hàng ăn vặt di động trước cổng trường, dù biết tiềm tàng ẩn họa mất ATVSTP nhưng khó tổ chức đi kiểm tra vì yếu và thiếu về nhân lực, thiết bị xét nghiệm.
Cần cán bộ chuyên trách
Phố chưa lên đèn, hai bên đường Đỗ Quang (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) đã chộn rộn các hàng quán ăn vặt, với đủ các món khoái khẩu của giới trẻ như trà sữa, bò viên chiên, chân gà, các loại đồ uống… Cảnh bán buôn này cũng dễ dàng bắt gặp tại các ngả đường phía sau Trường Đại học Quảng Nam cũng như nhiều địa điểm khác trên địa bàn Tam Kỳ. Người bán cứ bán, còn thực khách nếu đã đến đây, tất nhiên cũng chẳng mấy ai quan tâm đến ATVSTP. Như cách nói của chính những người tham gia quản lý ATVSTP tuyến xã, thời điểm này việc đi kiểm tra giống như… bắc thang lên trời.
Địa điểm ăn vặt trên đường Đỗ Quang, Tam Kỳ náo nhiệt về đêm. (Ảnh chụp tối ngày 6.8.2016). Ảnh: VĂN HÀO |
Ông Dương Văn Lưu - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Trường Xuân cho biết thêm, trên địa bàn có chưa tới 20 hộ được thành phố cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, còn cấp tỉnh cấp được vài ba cơ sở. “Cấp xã hiện nay cần có một cán bộ chuyên trách phụ trách lĩnh vực ATVSTP thì việc kiểm tra, quản lý mới được sâu sát được. Thực tế trước giờ, việc đi kiểm tra chẳng khác nào cưỡi ngựa xem hoa” - ông Lưu nói. Theo ông Ngô Đà - Trưởng phòng Y tế TP.Tam Kỳ, ở cấp xã phường không có cán bộ chuyên môn nên chủ yếu dựa vào hình thức tuyên truyền để người dân ý thức được tầm quan trọng của ATVSTP, vận động người dân ký cam kết thực hiện. “Nếu dưới cơ sở có yêu cầu Phòng Y tế thành phố cử cán bộ cùng tham gia kiểm tra, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện. Nhưng cũng tùy lúc vì chúng tôi còn bận rộn với nhiều công tác khác, trong khi nhân lực của phòng chỉ có 5 người” - ông Đà cho hay.
Câu chuyện quản lý ATVSTP được đem ra bàn luận nhiều từ trung ương đến địa phương trong suốt thời gian qua, xoay quanh những việc tồn tại từ lâu nay như chồng chéo công tác quản lý, hạn chế năng lực quản lý, thiếu thốn trang thiết bị… Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9.5.2016 như một mệnh lệnh để các bộ ngành, địa phương các cấp quyết liệt hơn trong quản lý, quy trách nhiệm lãnh đạo nếu để xảy ra sai phạm. Tại Quảng Nam, UBND tỉnh cũng ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 17.5.2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm để chỉ đạo cứng rắn các địa phương, ban ngành thực hiện. Tuy nhiên, nhìn từ cơ sở, nhất là về buổi tối với những hàng ăn, quán nhậu bày bán la liệt cho thấy công tác quản lý nhà nước đang đứng trước một thách thức lớn, và cần có một “thang thuốc đủ liều”.
Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, môi trường Theo kết quả giám định chất lượng ATVSTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) công bố tại cuộc họp ngày 24.5.2016, kiểm tra tại tất cả cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh thì hầu hết chưa đủ điều kiện vệ sinh thú y và ATVSTP. Chỉ có 16/147 cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y (chiếm 10,88%) và 4/147 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP trong giết mổ (chiếm 2,27%). Kết quả giám định 195 mẫu thịt heo chưa phát hiện chất tạo nạc, chất kích thích tăng trưởng trong sản phẩm thịt. Tuy nhiên đã có 48/195 mẫu thịt nhiễm vi sinh vật vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 24,6%); có khoảng 10% mẫu chả có sử dụng các chất cấm như hàn the. Về chuỗi sản phẩm thủy sản, kiểm tra 135 mẫu tại các chợ và cơ sở thu mua, chế biến thì có 11 mẫu thủy sản nhiễm vi sinh vật gây bệnh, 3 mẫu nhiễm Chloramphenicol, 3 mẫu nhiễm kim loại nặng (Cadimi). Về rau củ quả, gửi đi kiểm tra, kết quả phân tích cho thấy 7/329 mẫu phát hiện dư lượng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (trong đó 3 mẫu vượt giới hạn), 1 mẫu phát hiện có dư lượng kim loại nặng (Cd) vượt quá ngưỡng theo quy định, 49 mẫu rau quả nhiễm vi sinh vật, 3 mẫu rau có hàm lượng nitrat, 5/26 mẫu nhiễm chất cấm Auramine (vàng ô). Về quy trình sản suất nông nghiệp tốt còn rất èo uột, có 34/13.605ha diện tích rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm 0,25%); 11ha/5.600ha diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng VietGAP (chiếm 2,27%). |
VĂN HÀO