Những xóm nhà lá hiện ra giữa bãi đất đỏ. Không hề có đường bê tông như ở Việt Nam nên các ngôi nhà quay về nhiều phía theo kiểu tùy hứng. Nước lụt ngập tràn khắp nơi nhưng nước uống thì vẫn thiếu vì không có nước ngọt…
Đó bức tranh về đất nước Nam Sudan ở châu Phi, nơi những người lính mũ nồi xanh của Việt Nam đang tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Những con đường chết
Trung tá Vũ Văn Hiệp - người từng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở Cộng hòa Trung Phi và Cộng hòa Nam Sudan vừa chia sẻ clip về giây phút căng thẳng khi anh ôm vô lăng chiếc xe bọc thép Hummer đi từ Yei River về Juba.
Trước mũi xe là vô số ổ gà, rãnh nước, bờ mương, đất sạt hiện ra. Thỉnh thoảng có những suối nước chắn ngang hoặc điểm cắt do bị nước chảy xói mòn ăn mất nền đường. Đi được 1km ở Nam Sudan thì tương đương với đi 20km ở Việt Nam.
Nỗi khổ ải vì con đường khó đi chỉ là chuyện nhỏ. Hai bên đường, cánh rừng thưa hiện ra và thỉnh thoảng mới gặp một ngôi nhà lá. Trong cảnh tượng rờn rợn đó, đạn AK trong rừng có thể lia vào cửa sổ xe bất cứ lúc nào. Vậy nên những người lính gìn giữ hòa bình người Mông Cổ, Moldova trong đoàn… luôn lăm lăm tay súng.
Lính mũ nồi xanh của Việt Nam tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Nam Sudan, đảm nhận các phần việc như công binh, quan sát viên quân sự, y tế.
Những người dân Nam Sudan đã quen với hình ảnh lính mũ nồi xanh Việt Nam ngồi trên chiếc xe sơn màu trắng có chữ UN (United Nations) rất to tới từng buôn làng để tiếp xúc với người dân, tham gia tuần tra, khám chữa bệnh.
Nam Sudan là đất nước nghèo, lạc hậu, giáp Ethiopia, Kennya, Uganda, Congo, Trung Phi, Sudan. Từ thủ đô Juba về các địa phương là những con đường đất bụi mù, hoặc lầy lội bùn nước.
Những người lính Việt Nam tham gia nhiệm vụ Sĩ quan Quan sát viên quân sự thì thường xuyên đi tuần tra. Khi di chuyển trên xe bọc thép, thành xe là các phiến thép được đặt nghiêng nên giảm bớt sức xuyên phá của đạn bắn thẳng.
Thỉnh thoảng, đoàn xe kẹt giữa đường vì một chiếc bị sa lầy, trượt bánh vào rãnh bùn sâu. Đó là lúc mọi người phải tỏa ra, tổ chức cảnh giới ở 2 đầu đường, súng tiểu liên lăm lăm trên tay sẵn sàng chiến đấu.
Khi tôi hỏi nhiếp ảnh gia Nguyễn Á về mùi vị đặc trưng khi vừa đặt chân tới căn cứ Bentiu thì anh cười phì và cho biết, “không dám kể cụ thể chuyện mùi, vì đó là điều hơi tế nhị”, nhưng qua lời anh cũng có thể hình dung được đó là mùi khét nắng, mùi đất đỏ, mùi bùn non và nước đục bốc lên ngùn ngụt mỗi khi trời nắng cháy.
Cái nắng của Nam Sudan có thể hơi đặc biệt hơn ở những xứ sở khác trên địa cầu, vì vậy người dân Nam Sudan có nước da đen nhất trong chủng tộc người da đen.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã đặt chân tới Nam Sudan trong chuyến đi vào ngày 27/4/2022 cùng lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Nhìn bộ ảnh anh vừa mang ra trưng bày tại TP.Đà Nẵng cũng hiểu được phần nào sự loay hoay của người cầm máy khi đứng giữa 2 lựa chọn trắng - đen.
Đó là nếu chụp ảnh một người Việt Nam đứng cạnh người Nam Sudan, khi đã canh chỉnh ảnh sáng vừa vặn đối với người Việt Nam thì khuôn mặt của người Nam Sudan tối tới mức không thể nhìn thấy được mắt, mũi. Nhưng nếu lấy đủ ánh sáng cho khuôn mặt của người Nam Xu Đăng thì khuôn mặt của người Việt Nam trở nên trắng bệch, thậm chí mất cả đường nét.
Nhiều điều khó tưởng
Cộng hòa Nam Sudan trở thành quốc gia độc lập ngày 9/7/2011, sau 50 năm nội chiến khiến hàng triệu người thiệt mạng, là quốc gia nghèo nhất châu Phi, người dân khốn khổ và oằn mình bởi hậu chiến, dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán. Năm 2018, Việt Nam đã tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Nam Sudan và nhận nhiệm vụ thành lập các bệnh viện dã chiến cấp 2.
Thiếu tá Lại Bá Thành - bác sĩ ở bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan đã kể câu chuyện giống như ở chiến trường. Đó là những ca mổ ruột thừa trong những túp lều đầy bụi bặm, muỗi, bọ, ruồi…
Một phòng mổ phải luôn yêu cầu vô trùng, trong phòng kín luôn thoảng mùi thuốc sát khuẩn và ô xy được lọc sạch trước khi bơm vào phòng. Nhưng ở Bentiu thì phòng mổ không khác gì môi trường ngoài chiến trường đầy gió bụi.
Tôi luôn ước mơ được sang tác nghiệp theo chương trình của Bộ Quốc phòng, đồng hành những người lính mũ nồi xanh Việt Nam ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Trung tá Hiệp là đồng nghiệp của tôi và anh giã từ nghề báo lính để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình từ những ngày đầu Việt Nam tham gia Phái bộ của Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi, sau đó là Nam Sudan. Vì vậy vùng đất cách Việt Nam hơn 8.000km và những câu chuyện ở nơi tận cùng châu Phi luôn thu hút tôi.
Mang xi măng, sắt thép, gạch, cát, sạn… vượt chặng đường xa xôi, chủ yếu bằng máy bay tới Nam Sudan để xây dựng nhà cửa, trạm y tế, đó là viễn cảnh đối với một quốc gia chỉ có 60km đường nhựa, còn lại là đường đất, bùn lầy tăm tối.
Có thể đó chính là nguyên nhân khiến phần lớn doanh trại của Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó có các bệnh viện dã chiến cấp 2 mà Việt Nam tham gia đều được dựng lên thật nhanh bằng các vỏ container, nhà lắp ghép.
Từ bầu trời, chiếc máy bay trực thăng màu trắng mang chữ UN thật to trên thân chở hàng hóa và những người lính đến luân phiên đáp xuống căn cứ Bentiu. Điều đầu tiên mà mọi người thấy “choáng”, đó là nhà cửa không nằm như bàn cờ cạnh những con đường như ai cũng đều mặc định trong suy nghĩ. Nhà cửa, các thùng container nằm giữa bãi đất đỏ bề bộn. Mọi thứ đều có đất bao phủ.
Những chiếc xe tuần tra của UN giống như những chú trâu lăn ngoài ruộng vì bùn đất dính khắp nơi. Điểm khác biệt của đoàn xe là trên thân xe đều gắn dòng chữ 4WD (xe chạy 2 cầu), ống hút hòa khí được vắt ngược lên nóc xe để khi xe lội nước bì bõm ngang thân thì chiếc xe không bị chết ngợp.
Biến chủng Omicron, HIV, bệnh vàng da… đều xuất phát từ châu Phi. Ở mảnh đất bụi mù, ruồi, bọ, muỗi như vậy, sự hy sinh của những người lính không thể tránh khỏi. Ngày 19/1/2022, Việt Nam đã làm lễ truy điệu và an táng Liệt sĩ - Trung tá Đỗ Anh - sĩ quan hy sinh trong khi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Phái bộ Cộng hòa Trung Phi. Trung tá Đỗ Anh được cử sang đây làm nhiệm vụ Sĩ quan Quan sát viên quân sự.
Ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan, những người lính mũ nồi xanh có khi viết vui về lũ muỗi rằng: “Hôm nay anh đã có hành động quyết liệt với em và lũ bạn vô liêm sỉ của em. Một hộp dung dịch RAID đã đủ tiêu diệt lũ côn trùng chết tiệt bọn em chưa hả muỗi?”.
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 76 lượt sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và UNISFA (nằm ở Abyei, châu Phi); cử 189 lượt cán bộ, nhân viên y tế trong đội hình bệnh viện dã chiến cấp 2 tới Phái bộ Nam Sudan. Abyei là khu vực có diện tích hơn 10.000km2, nằm ở biên giới giữa Sudan và Nam Sudan. Abyei được trao “quy chế hành chính đặc biệt” bởi Nghị định thư năm 2004 về giải quyết xung đột trong cuộc nội chiến Sudan.