Quẩn quanh nghề cá ven bờ

NGUYỄN QUANG VIỆT 18/08/2016 09:23

Quảng Nam có số lượng lớn ngư dân đang sản xuất ven bờ và họ khó có khả năng chuyển đổi ngư trường bằng cách thay phương tiện nhỏ bằng tàu công suất lớn để vươn khơi.

Đắp đổi qua ngày

Mùa này, ở các xã bãi ngang ven biển trên địa bàn tỉnh tấp nập tàu thuyền cập bờ bán hải sản, nhiều nhất là các loại mực, cá trích, cá hố, cá cơm. Đó là các đối tượng đánh bắt chính của các nghề sản xuất ven bờ như câu cá hố, đặt lờ mực, mành trủ, lưới cá trích... Ngư dân Ngô Tấn Lượng (thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết, ông và con trai bươn chải, mưu sinh trên biển quanh năm bằng chiếc thuyền thúng không có đăng ký, đăng kiểm. Nghề đặt lờ mực được gia đình ông sản xuất đã hơn 10 năm nay. Vào vụ cá chính, thời tiết thuận lợi thì lắp máy có công suất 15CV để đánh bắt mực. Với phương thức sản xuất đơn giản như vậy, ông Lượng và con trai chưa bao giờ xa rời ngư trường ven bờ. “Tùy thời điểm và tùy chất lượng mực cơm nên giá cả cũng khác. Có khi chỉ với một đêm, 2 thành viên thu được 3kg mực, bán được 600 nghìn đồng.

Nghề cá ven bờ không đem lại giá trị kinh tế cao.  Ảnh: N.Q.V
Nghề cá ven bờ không đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: N.Q.V

Đó là lúc sản xuất thuận tiện, chủ yếu chỉ thu được chưa đầy 2kg mực, bán được khoảng 300 nghìn đồng. Chừng đó mới chỉ tạm đủ chi phí cho sinh hoạt của gia đình” - ông Lượng nói. Chúng tôi hỏi người con trai của ông Lượng là anh Ngô Tấn Thương rằng có thể đầu tư lớn hơn để chuyển sang ngư trường tuyến lộng hay xa bờ thì anh Thương chia sẻ: “Khó lắm, như cha tôi đã tích lũy bao nhiêu năm trời rồi mà cũng không dư dả chi. Nghề này chỉ đắp đổi qua ngày thôi. Lắm khi biển động, không ra khơi được là chật vật ngay, trong khi nguồn lợi thì càng ít đi”.

Cảng cá Duy Hải (Duy Xuyên) là nơi tập kết của nhiều tàu thuyền tham gia sản xuất ngắn ngày. Người khiêng, kẻ vác, cảnh bán mua hải sản sầm uất diễn ra từ sáng sớm. Ông Nguyễn Thọ (khối phố Phước Thịnh, phường Cửa Đại, TP.Hội An) cho hay, giá hải sản từ đầu năm đến nay giảm mà nghề đánh bắt hải sản ở tuyến bờ khi được khi không nên thu nhập rất thấp. Trên phương tiện QNa-0306 có công suất 20CV, ông Thọ và người bạn láng giềng chung lưng đấu cật, góp vốn cùng sản xuất với 2 người con của họ bằng nghề mành trủ từ nhiều năm nay. Ông Thọ kể, cứ khoảng 5 giờ chiều là 4 thành viên quây quần, khiêng vác ngư lưới cụ xuống thuyền, ra khơi.

Ngư dân xã Tam Thanh phơi cá hố.
Ngư dân xã Tam Thanh phơi cá hố.

Ngư trường sản xuất cách vùng biển Cù Lao Chàm chừng 10 hải lý. Khi có tín hiệu hoạt động của đàn cá, vàn lưới được buông xuống biển, vây lấy vị trí của cây đèn rọi đã được thả xuống đánh dấu vị trí đàn cá. Chừng 20 phút sau khi thả lưới, các thành viên kéo dây rút để thu khoen lên thuyền. Mỗi đêm có khi thực hiện được 2 hay 3 lần bủa lưới, chủ yếu đánh bắt cá nục, cá kình. “Lợi nhuận thu được không nhiều, chỉ tạm đủ sống. Nghề này vất vả mà chúng tôi không dư dả để cải thiện vàn lưới nên sản lượng khai thác ít. Gia đình tôi và ông bạn già bám biển quanh năm để có kế sinh nhai. Không theo biển thì chúng tôi cũng khó làm nghề chi được” - ông Thọ nói.

Khó chuyển đổi

Sản xuất không hiệu quả mà nhiều khi tận diệt cá con, thu hẹp khu vực sinh đẻ của cá lớn nên hạn chế hoạt động của các phương tiện có công suất nhỏ ở khu vực ven bờ là điều cần thiết. Thời gian gần đây, nguồn lợi ven bờ ngày càng ít đi thì vấn đề bảo vệ nguồn lợi càng trở nên cấp thiết. Với điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Nam đã có định hướng giảm số phương tiện có công suất dưới 20CV vào thời điểm này là 2.838CV xuống còn 2.150CV vào năm 2020 và còn 1.700 chiếc vào năm 2030. Đối với số phương tiện có công suất 20 - 90CV, sẽ giảm từ 880 chiếc ở thời điểm này xuống còn 800 chiếc vào năm 2020 và chỉ còn 700 chiếc vào năm 2030.

Theo ông Nguyễn Văn Giỏi - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, cách làm là sẽ khuyến khích ngư dân bán đi tàu thuyền công suất nhỏ, đóng mới tàu công suất lớn bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Trung ương và tỉnh. Về điều này, các địa phương ven biển cho rằng sẽ rất khó thực hiện vì ngư dân sản xuất ven bờ bấy lâu nay sẽ không huy động đủ vốn đối ứng để tiếp cận được chính sách ưu đãi để có thể đóng tàu lớn vươn khơi xa. Cụ thể, để tiếp cận Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản hay Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam thì điều kiện cần là ngư dân phải có không dưới 1 tỷ đồng để đối ứng. Trong khi đó, vốn quẩn quanh với nghề cá ven bờ thì điều đó là quá xa vời với ngư dân.

Cũng theo ngành thủy sản, để thay đổi từ phương tiện nhỏ sang phương tiện lớn, chuyển đổi ngư trường sản xuất từ gần bờ sang xa bờ thì có thể cải hoán, nâng cấp các tàu có công suất dưới 90CV thành tàu hơn 90CV. Cách làm theo ngành chức năng vẫn là tiếp cận cơ chế ưu đãi từ Nghị định 89 và Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam. Trên lý thuyết thì mọi chuyện đều có thể nhưng khoảng cách với thực tế là không nhỏ. Đến thời điểm này, ở Quảng Nam vẫn chưa có ngư dân nào tiếp cận được chính sách ưu đãi của tỉnh và Trung ương để cải hoán, nâng cấp tàu có công suất lớn, sản xuất trên các vùng biển xa. Ông Nguyễn Văn Giỏi cho biết: “Sau khi được HĐND tỉnh thông qua, Sở NN&PTNT sẽ xây dựng cơ chế cụ thể, tham mưu UBND tỉnh triển khai giảm thiểu số phương tiện hoạt động khai thác hải sản ven bờ. Trong thời gian tới, ngành thủy sản sẽ khuyến khích những ngư dân có năng lực sản xuất thực sự, đánh bắt hải sản hiệu quả trên các phương tiện lớn, quy mô, hiện đại”.

Cần có giải pháp chuyển nghề phù hợp

Theo UBND xã Bình Nam (Thăng Bình), hiện tại trên địa bàn xã có 177 phương tiện khai thác hải sản, trong đó có đến 175 thuyền nhỏ có công suất dưới 20CV, hoạt động ở ven bờ, chỉ 2 tàu QNa-95618 có công suất 330CV của ngư dân Nguyễn Thành Hơn ở thôn Phương Tân và QNa-95029 có công suất 280CV của ngư dân Trương Xuân Thanh ở thôn Vịnh Giang là hoạt động xa bờ. Lực lượng lao động nghề cá của địa phương là 350 người, tập trung vào độ tuổi trên 60. Ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết, trong thời gian qua, địa phương thường xuyên tuyên truyền trong ngư dân bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ. Khi sản xuất thì tránh tận diệt các loài hải sản ven bờ bằng nghề lưới kéo hoặc dùng chất nổ, xung điện. Về chuyển đổi nghề cho ngư dân thì rất khó vì họ quen với không gian sinh tồn ở biển từ bao đời nay, không dễ chuyển lên bờ làm ruộng hay nuôi tôm thẻ chân trắng. Vả lại, lao động đã lớn tuổi thì rất khó học nghề, trong khi đó chuyển sang buôn bán hay làm dịch vụ thì không đủ vốn, không năng động. Theo ông Tốt, trong nhiều năm qua, số lượng 175 thuyền thúng nhỏ không thay đổi. Trong khi đó, mặc dù được UBND tỉnh phê duyệt 2 dự án đủ điều kiện đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 89 nhưng phía ngân hàng không cho ngư dân vay vốn vì cho rằng phương án sản xuất không khả thi, khó có thể thu hồi được vốn.

Xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đang có 214 phương tiện sản xuất trên biển, trong đó có 150 thuyền nan và 39 tàu cá có công suất hơn 90CV. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh cho biết, hơn 1 nghìn lao động sản xuất trên các phương tiện có công suất dưới 20CV không giảm đi trong nhiều năm qua. “Muốn hạn chế sản xuất ven bờ thì chỉ có cách là Nhà nước trực tiếp thu mua lại các thuyền thúng của ngư dân rồi hỗ trợ vốn liếng, dạy nghề thích hợp như du lịch, làm dịch vụ, chăn nuôi để họ chuyển sang nghề mới không xâm hại nguồn lợi thủy sản” - ông Bình nói. Về điều này, có thể tham khảo cách làm của TP.Đà Nẵng. Các phương tiện có công suất dưới 20CV sẽ được Nhà nước thu mua với giá 10 - 30 triệu đồng. Đối với lao động hoạt động trên các phương tiện đó, địa phương hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề với mức 10 triệu đồng. Địa phương này phê duyệt hẳn một đề án và trích nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng để thực hiện từ nay đến năm 2020.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quẩn quanh nghề cá ven bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO