Tại Nam Trà My, trong buổi tiếp xúc cử tri của các ĐBQH Phan Thái Bình và Dương Văn Phước vào ngày 26/4, ông Trần Văn Thu - cán bộ Trung tâm Y tế huyện kiến nghị: “Đối với việc thực hiện Nghị định 76/2019 của Chính phủ, chính sách dành cho cán bộ công tác ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có quy định trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu hoặc vùng đó thoát khỏi điều kiện đặc biệt khó khăn, nơi được hưởng nơi không được hưởng khiến tâm tư cán bộ bị ảnh hưởng.
Như ở xã Trà Mai thành xã nông thôn mới theo Quyết định của UBND tỉnh vào tháng 12/2029, đã thoát khỏi vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn khi không còn nằm trong danh sách theo Quyết định 861 tháng 6/2021 của Chính phủ, nên cán bộ một số ngành thì được hưởng trợ cấp một lần, nhưng cán bộ nhiều ngành khác trong đó có ngành y tế thì không được hưởng”.
Ông Lê Đức Hảo - cán bộ Phòng Nội vụ Nam Trà My phản ánh, địa phương đang thiếu người làm việc, bởi nhiều cán bộ bỏ việc hoặc xin chuyển về miền xuôi vì chế độ lương thấp, không có chính sách động viên đối với khu vực miền núi; đây cũng là nguyên nhân khiến ít có trường hợp xin lên miền núi công tác. Như năm 2022, Nam Trà My có cán bộ đã trúng tuyển nhưng không về nhận công tác, có người đến nhận công tác được vài tháng thì bỏ việc.
“Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nên có chính sách động viên dành cho cán bộ làm việc ở những khu vực miền núi, huyện nghèo như Nam Trà My. Về lâu dài nên quan tâm đến việc đào tạo cán bộ cử tuyển nhằm đảm bảo nguồn lực tại chỗ, chứ cán bộ ở đồng bằng lên rồi cũng xin về lại” - ông Hảo nói.
Còn tại huyện Bắc Trà My, cử tri phản ánh công việc của y tế thôn bản hiện nay ngoài thực hiện nhiệm vụ y tế phải kiêm thêm cộng tác viên gia đình - trẻ em, dân số; trong khi thôn bản sát nhập nên địa bàn rộng, miền núi cách trở nhưng lại giảm xuống chỉ còn 1 - 2 y tế thôn bản/thôn.
Đáng nói hơn, mức phụ cấp cũng giảm chỉ còn 800 nghìn đồng/người/tháng ở thôn khó khăn và 600 nghìn đồng/người/tháng ở thôn không khó khăn, khiến y tế thôn bản không yên tâm công tác, bỏ việc, người còn gắn bó thì đời sống khó khăn vì chế độ quá thấp.
Cử tri mong muốn Quốc hội, Chính phủ có chế độ dành riêng cho y tế thôn bản ở những khu vực miền núi, bởi nhiệm vụ nhiều mà đãi ngộ không tương xứng với công tác của họ đã cống hiến cho nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tiếp thu ý kiến của cử tri 2 huyện Nam - Bắc Trà My, ĐBQH Phan Thái Bình khẳng định Đảng và Nhà nước luôn dành nguồn lực quan tâm đến khu vực miền núi, nhưng đâu đó vẫn còn những chế độ, chính sách chưa phù hợp. Những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ yêu cầu chính quyền các cấp tìm hiểu cụ thể, nhanh chóng giải quyết; các nội dung khác Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp và có ý kiến tại diễn đàn Quốc hội.