Việt Nam tham gia các chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng (gọi tắt REDD+) cách đây 10 năm, nhưng đến nay nhiều địa phương trong cả nước (trong đó có Quảng Nam) vẫn chậm triển khai quản lý, bảo vệ rừng một cách bền vững.
Chọn nông lâm kết hợp với REDD+
Từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai thực hiện hợp phần dự án bảo tồn trữ lượng các-bon rừng và quản lý rừng bền vững nằm trong chương trình REDD+. Điển hình, dự án Trường Sơn Xanh, do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ tài trợ đã tổ chức các đợt tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện REDD+. Trong đó nội dung chủ yếu là xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; hoàn thiện việc giao đất gắn với giao rừng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng ở các huyện miền núi, trung du; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thí điểm chính sách hưởng lợi từ rừng tự nhiên đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng được giao rừng; xây dựng và phát triển quỹ tín dụng cộng đồng để hỗ trợ và tăng năng suất cây trồng, đa dạng hóa các sản phẩm từ vườn rừng. Để có nguồn lực tài chính thực hiện REDD+, Quảng Nam đang tiếp tục mở rộng đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ, nay là Nghị định 156 ngày 16.11.2018 của Chính phủ. Thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 34 đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp đã chi trả DVMTR. Trong đó có 26 cơ sở sản xuất thủy điện, 7 cơ sở sản xuất cung ứng nước sinh hoạt và 1 cơ sở kinh doanh du lịch.
Ngoài đối tượng đơn vị sản xuất thủy điện, nước sạch, du lịch dịch vụ, thì từ tháng 7.2019 đến nay, Sở NN&PTNT đang đàm phán với hai đơn vị sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn là nhà máy sản xuất than điện của Công ty CP Than - điện Nông Sơn và nhà máy sản xuất xi măng Thạnh Mỹ (đóng tại huyện Nam Giang) thuộc đối tượng trả phí khí thải CO2 ra môi trường. Theo Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, ước tính 2 doanh nghiệp này bình quân mỗi năm phải chi trả DVMTR hơn 2,4 tỷ đồng về phát thải khí CO2. Theo Sở NN&PTNT, Quảng Nam sẽ chọn cách phát triển mạnh nông lâm kết hợp lồng ghép vào REDD+ bởi thực tiễn cho thấy các vườn rừng nông lâm kết hợp có khả năng hấp thụ các - bon cao gấp 4 lần so với trồng thuần loài.
Và những băn khoăn
Cuối năm 2018, Việt Nam là quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương được công nhận đủ điều kiện thanh toán cho các nỗ lực giảm phát thải dựa trên kết quả trong chương trình REDD+. Từ 2009 đến nay, Việt Nam tham gia Sáng kiến REDD+ với 44 dự án lớn nhỏ, tổng giá trị tài trợ khoảng 84 triệu USD hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, thí điểm một số hoạt động, mô hình và chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+.
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, sau việc thí điểm ở các tỉnh Bắc Trung Bộ về triển khai REDD+, các địa phương đã thay đổi tầm nhìn về rừng trọng chất hơn lượng; cộng đồng sống có trách nhiệm hơn với rừng, tạo nhiều cơ hội đảm bảo sinh kế từ rừng cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo quyết định về “Thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng” và lấy ý kiến tham vấn của các bên liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quyết định này cũng phù hợp với xu hướng quốc tế và cơ chế REDD+.
Hiệu quả mà REDD+ đem lại rõ nhất là được tiếp cận quản lý thích ứng, lấy rừng nuôi rừng. Ông Đinh Đức Thuận - Hội chủ rừng Việt Nam cho rằng, cách tiếp cận quản lý thích ứng có sự khác biệt so với những cách tiếp cận cũ ở chỗ là tiếp cận từ cấp cơ sở lên với nền tảng lấy dân bản địa làm gốc, không như những cách tiếp cận cũ từ trên xuống. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn quanh việc liệu thực hiện quản lý thích ứng có hạn chế quyền tiếp cận của người dân trong giao đất giao rừng và quyền thương thảo, tham gia quá trình ra quyết định trong quản trị lâm nghiệp không. Việc áp dụng quản lý thích ứng trong chương trình thí điểm giảm phát thải ở các tỉnh Bắc Trung Bộ vừa qua chỉ giới hạn giữa chủ rừng nhà nước (các bản quản lý rừng và các nông lâm trường), trong khi chủ rừng cộng đồng không được tham gia. Thực tiễn cho thấy, chỉ khi được tham gia đồng quản lý, cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, khi đó ý thức của cộng đồng mới được nâng cao.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, bên cạnh những kết quả đã đạt được sau 10 năm triển khai REDD+, Việt Nam cũng đối mặt nhiều thách thức như chưa tích hợp được REDD+ với các chương trình dự án của Nhà nước, REDD+ chỉ mang tính lồng ghép, bổ sung. Mặt khác, ngành nông nghiệp chưa xây dựng kịch bản ứng phó trong trường hợp REDD+ làm tăng phát thải, thay vì giảm như mục tiêu đề ra. Ở các huyện miền núi trong tỉnh, vướng mắc dai dẳng là xác định địa vị pháp lý đất rừng của cá nhân, hộ gia đình. Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số đến nay vẫn hết sức chậm chạp.