Người Quảng Nam không chỉ thành danh về khoa bảng mà còn nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục, tham gia nhiều hoạt động đào tạo, bao gồm: thầy dạy học, dạy vua, với các chức danh Phụ đạo đại thần, Giáo đạo, Giảng tập, Hàn lâm viện Thị độc…; nhà quản lý giáo dục với các chức quan Giáo thụ, Huấn đạo, Đốc học, Giám hiệu, Tế tửu Quốc tử giám. Điều đặc biệt, nhiều người Quảng Nam được triều đình cử làm các chức vụ để tổ chức khoa thi cho sĩ tử các địa phương trên cả nước.
Hình vẽ “Tiến sĩ vinh quy” trong sách Kỹ thuật của người An Nam (1909) của Henri Oger. |
Dưới thời nhà Nguyễn, nhiều vị quan người Quảng Nam được triều đình cử làm nhiệm vụ tổ chức các khoa thi, như: Nguyễn Tường Vân, Phạm Hữu Nghi, Lê Thiện Trị, Nguyễn Đức Chính, Phạm Phú Thứ, Đỗ Thúc Tịnh, Lê Đĩnh, Nguyễn Thuật, Phạm Như Xương, Nguyễn Đình Hiến… Mỗi người từng giữ các vị trí khác nhau: Đề điệu, Chánh chủ khảo, Phó chủ khảo, Độc quyển, Duyệt quyển, Giám khảo, Giám thí; có người tham gia trong nhiều khoa thi.
Nguyễn Tường Vân (1774 - 1822), được sung làm Đề điệu trường thi Sơn Nam hạ vào tháng 10 năm 1819. Trường thi này lấy đỗ 30 hương cống. Phạm Hữu Nghi (1797 - 1862), hai lần giữ chức Chánh chủ khảo: vào năm 1846 ở trường Gia Định và năm 1847 ở trường Giám, đồng thời giữ chức Phó chủ khảo ở trường Nam Định cũng năm 1847. Lê Thiện Trị (1796 - 1872), sung làm Chủ khảo trường thi Gia Định năm 1847 và Phó chủ khảo trường thi Nghệ An năm 1848. Trường Gia Định vốn theo ngạch lấy đỗ 16 cử nhân, nhưng vì sĩ tử nhiều nên triều đình chuẩn cho lấy thêm 4 người nữa thành 20 cử nhân. Nguyễn Đức Chính (1802 - 1849/1850?), giữ chức Phó chủ khảo khoa thi hội năm 1849, lấy đỗ 24 tiến sĩ. Đỗ Thúc Tịnh (1818 - 1862) được cử giữ chức Phó chủ khảo trường thi Gia Định trong khoảng năm 1860. Lê Đĩnh (1847 - 1920), Phó chủ khảo trường thi Nghệ An năm 1882. Sách Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng cho rằng, Phạm Như Xương (1844 - 1919) “được cử làm Chánh chủ khảo nhiều khoa thi Hội cho đến khi hưu trí” và Nguyễn Đình Hiến (1872 - 1947) “được cử làm Phó chủ khảo kỳ thi Hội” vào năm 1919.
Đặc biệt, có hai vị quan người Quảng Nam được triều đình trọng dụng, cử giữ nhiều vị trí trong các khoa thi. Phạm Phú Thứ sung chức Độc quyển trong kỳ thi Đình năm 1865 (lấy đỗ 3 tiến sĩ, gồm Trần Bích San, Nguyễn Trọng Hợp, Hoàng Tướng Hiệp cùng 13 phó bảng) và kỳ phúc thí Ân khoa năm 1869 (lấy đỗ 5 tiến sĩ và 4 phó bảng). Ngoài ra, ông còn được giữ chức Võ giám thí đại thần năm 1865 - khoa thi Võ tiến sĩ đầu tiên của triều Nguyễn, khoa thi này Vũ Văn Đức đỗ Đệ nhị giáp Võ tiến sĩ xuất thân và Vũ Văn Lương đỗ Đệ tam giáp đồng Võ tiến sĩ xuất thân, lại lấy đỗ 6 Võ phó bảng.
Nguyễn Thuật sung chức Duyệt quyển trong đợt phúc thí các cử nhân trúng cách năm 1877 (lấy đỗ 4 tiến sĩ: Phan Đình Phùng, Trần Hữu Khác, Trần Phát, Nguyễn Tài Tuyển) và khoa thi Điện năm 1884 (lấy đỗ các tiến sĩ Nguyễn Đức Quý - Nghệ An, Dương Thúc Cáp - Nghệ An, Nguyễn Thích - Quảng Nam; 4 phó bảng là: Nguyễn Phụ - Quảng Nam, Nguyễn Âu Chuyên - Nam Định, Phan Xuân Quán - Hà Tĩnh, Trần Khánh Hội - Quảng Bình). Ông còn làm Chánh chủ khảo khoa thi tại trường thi Nam Định (1879), Chánh chủ khảo kỳ thi Hội tại trường thi Thanh Hóa (1887).
Phần lớn các vị quan người Quảng Nam đều giữ những chức vụ cao như nói trên trong các kỳ thi. Chánh chủ khảo và Phó chủ khảo là người chủ trì việc thi cử, có nhiệm vụ ra đề, giám sát và chấm lại các bài do giám khảo đã chấm, có quyết định cuối cùng cho số thí sinh trúng tuyển. Hay quan Đề điệu trông nom và chịu trách nhiệm toàn bộ công việc một khoa thi. Cho nên những người này thường có phẩm hàm cao. Sách Đại Nam thực lục cho biết: “Chủ khảo, dùng quan Nhị phẩm, một Phó chủ khảo, dùng quan Tam phẩm, để chủ trương việc trường thi”. Về tiền lương và sự cung đốn thì, quan chánh chủ khảo 40 quan tiền, 8 phương gạo trắng; quan phó chủ khảo 35 quan tiền, 7 phương gạo trắng “đều do phủ nha Thừa Thiên theo đơn, lĩnh trong kho để chiếu cấp”. Số người theo hầu quan trường: “quan chánh phó chủ khảo mỗi quan 5 người”. Tuy vậy, chức mệnh đó cũng rất vất vả, bởi trong lịch sử đã có: “Trường Gia Định Chánh phó chủ khảo, chấm văn chưa xong, nối nhau ốm chết cả. Vua sai bọn đề điệu đem cả quyển thi niêm phong lại đưa về bộ” (Đại Nam thực lục), tất nhiên là không phải người Quảng Nam kể ở đây.
Trình độ kiến thức, tài năng văn chương của các vị khảo quan người Quảng Nam không chỉ trong việc “chấm chọn” người đỗ đạt mà còn thể hiện ở những câu đối chúc mừng các sĩ tử đề danh. Nguyễn Thuật làm câu đối chúc mừng Phan Châu Trinh: “Nếp nhà mấy đời chứa sách, đường khoa cử bắt đầu từ đây/Hương bảng nhường vài ba người bạn, khá biết quận ta nhiều người hiền”; cho Lê Bá Trinh: “Vươn cao há không do người nuôi dưỡng, un đúc nơi Hàn hải Trà sơn/ Danh tiếng lẫy lừng đất này còn để liên tiếp bảng Hòe vàng Quế đỏ”; cho Huỳnh Thúc Kháng: “Vững bước đi thi, hùng sư văn trận lớn nhường Nguyễn nguyên du tranh chức trưởng/ Lừng danh trở về đầu tháng, văn chương trác tuyệt, đúng sông Huỳnh lớn vô song” (Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam). Sách Phạm Phú Thứ với Giá Viên toàn tập có chép: “Dưới thời Tự Đức, bên cạnh việc tổ chức thi văn, triều đình còn tổ chức thi võ. Trong quyển Đối liên có câu đối nói về sự kiện Vũ Văn Đức đã đỗ Hoàng giáp trong Võ khoa hội thí. Nhân vật này sau được thăng lên Phó lãnh binh Hải Dương”. Theo đó, câu đối của Phạm Phú Thứ dành tặng Vũ Văn Đức: “Giáp đệ vũ kinh tiên, hội thuộc ngô châu ngô tử tuấn/ Nhung trù đông tỉnh trọng, nhân khán thử nhật thử hành đa (Thi võ Kinh đô tên đứng hàng đầu, con cháu châu ta là người giỏi/ Việc binh tại tỉnh Đông quan trọng lắm, ngày ấy việc ấy lắm người trông - Trần Đại Vinh dịch).
Ngoài ra, còn có nhiều giai thoại liên quan đến khảo quan người Quảng Nam. Một chuyện rằng, khi một vị Quảng Nam làm Chánh chủ khảo trường thi Nghệ An. Sĩ tử vốn có ý xem thường và kháo nhau: “Tưởng ai chứ thầy Quảng mà làm chủ khảo thì ra 100 đề, bọn ta đây cũng thừa sức”. Đến lúc vị Chánh chủ khảo ra đề “Thất thập nhị hiền, hà hiền hà đức; Nhị thập bát tú, hà tú hà công” thì sĩ tử trường Nghệ đều cắn bút và từ đó trọng nể thầy Quảng. Hai câu này có nghĩa là: “72 vị xuất sắc của Khổng Tử, mỗi người tài giỏi như thế nào?; 28 vị có tài thời Lê Thánh Tông, mỗi người nổi bật như thế nào?”. Câu này còn dụng ý là đúng 100 đề (72 + 28) mà sĩ tử xứ Nghệ thách thức. Có người gán giai thoại này cho Phạm Như Xương từng giữ chức Kinh lược Thanh - Nghệ, Tri phủ Anh Sơn tỉnh Nghệ An; nhưng cũng có người gán cho Nguyễn Hanh, người làng Nại Hiên (Đà Nẵng hiện nay) giữ chức Án sát tỉnh Nghệ An.
NGUYỄN DỊ CỔ