UBND tỉnh đã yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng, chủ trương của cấp tỉnh sẽ cần đến ý thức trách nhiệm và năng lực thừa hành của đội ngũ cấp dưới.
Khoảng 850 doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong vòng 4 tháng qua và chưa có dấu hiệu thuyên giảm gây tiềm ẩn sự rủi ro, bất an của nền kinh tế. Cuộc khảo sát PCI năm 2023 đã chỉ ra khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải là tiếp cận vốn (57,1%), tìm kiếm khách hàng (49%), biến động thị trường (34,5%) và tìm kiếm đối tác kinh doanh (17,1%).
Ngày 13/5/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã gửi công văn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Từ việc tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng, mở rộng cấp vốn cho sản xuất, kinh doanh, đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư, thủ tục hành chính hoặc rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ...
Có thể hiểu, không một chính quyền nào đủ lực, đủ người để can thiệp vào chuyện nội bộ của ngân hàng hay doanh nghiệp. Không ai có thể làm thay doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt trên thương trường.
Nhưng, doanh nghiệp không thể tự mình xoay xở mà cần đến sự hỗ trợ của chính quyền. Sự đồng hành doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này của chính quyền..., phần nào sẽ đem lại sự yên tâm cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp luôn là “cuộc đua đường trường”. Không phải ít hay nhiều văn bản, chỉ thị mà luôn phải được đo lường các tác động tích cực đến doanh nghiệp trên thực tế. Một chính sách, cơ chế, chủ trương đúng, hợp lý sẽ cần đến những người thừa hành có đủ năng lực để có thể lan tỏa sâu rộng đến doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp đã từng thừa nhận, những chỉ thị, chính sách của chính quyền trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đều đúng đắn, kịp thời nhưng thiếu người thừa hành.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một người luôn theo sát diễn biến về môi trường đầu tư Quảng Nam nói việc hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương bị đánh giá thấp, chủ yếu do chất lượng thực thi từ cơ sở đã không đáp ứng đúng mức yêu cầu của doanh nghiệp, khi có đến 51,5% doanh nghiệp cho rằng các sở, ngành, địa phương không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh.
Doanh nghiệp nhận định, cộng đồng doanh nghiệp đã nhận ra sự khác biệt của một chính quyền phục vụ là từ sự “quan tâm” bằng các chủ trương, kế hoạch, chỉ thị. Tuy nhiên, cái họ cần hơn chính là sự vào cuộc của cả hệ thống công quyền, trách nhiệm của những người thừa hành công vụ... thì mới có thể tạo ra sự thay đổi. Các chủ trương, kế hoạch của chính quyền tỉnh mới thực sự tác động vào đời sống doanh nghiệp.