Bộ GD-ĐT vừa công bố sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo hướng giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018 để không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh; đồng thời cũng có một số thay đổi để khắc phục những hạn chế, bất cập của các kỳ thi trước.
Có thể nói, những chuyện tiêu cực, gian dối xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hậu quả của nó cũng dai dẳng không kém. Việc Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi năm 2019 với những điểm mới về đề thi, công tác coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập huấn nghiệp vụ; công bố kết quả thi và phương thức sử dụng kết quả thi THPT quốc gia..., như kỳ vọng của bộ, là sẽ “đảm bảo có một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, an toàn”.
Năm 2019, các trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương; các phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi, phòng chấm thi đều đặt camera giám sát 24/24 giờ; bài thi trắc nghiệm sẽ được mã hóa dữ liệu để tránh người dùng can thiệp và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn) do sở GD-ĐT chủ trì. Đáng chú ý, năm 2019 sẽ tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT: 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia và 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh để xét tốt nghiệp THPT (năm 2018 tỷ lệ này là 50% - 50%). Như vậy, Bộ GD-ĐT sẽ “điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi” để chống tiêu cực. Hẳn nhiên, trong quá trình tổ chức một kỳ thi quan trọng, có ảnh hưởng đến tương lai của nhiều người, thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Đặc biệt, vì con người hoàn toàn có thể làm chủ được kỹ thuật, công nghệ, nên dù là “điều chỉnh kỹ thuật” thì cũng cần phải xem xét, chấn chỉnh và ngăn chặn một cách hiệu quả những tiêu cực có thể nảy sinh, phát sinh từ con người.
Tuy nhiên, Công văn số 5480/BGD-ĐT-QLCL ngày 4.12.2018 của Bộ GD-ĐT về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cũng có một số điểm còn chung chung, khiến cả giáo viên, học sinh và phụ huynh băn khoăn, mong sớm được hướng dẫn, cụ thể hóa. Đó là “Đề nghị bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12”. “Chủ yếu trong chương trình lớp 12”, nghĩa là vẫn có thể có chương trình lớp 11, lớp 10 và tỷ lệ này bao nhiêu phần trăm? Và, dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong đề thi, nhưng nếu Bộ GD-ĐT không giới hạn phạm vi, mức độ thì học sinh và giáo viên cũng phải ôn tập toàn bộ lượng kiến thức khổng lồ đã học trong 3 năm THPT.
CHÂU NỮ