Quảng bá hàng nông sản đặc trưng Nam Trà My

HOÀNG THỌ 27/03/2017 08:58

Hàng nông sản và sản phẩm đặc trưng do người dân Nam Trà My làm ra được quảng bá trên thị trường. Điều này đã mở ra hướng mới cho hàng hóa nông sản ở vùng cao Nam Trà My hội nhập thị trường, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững.

Định danh thương hiệu

Hội chợ triển lãm hàng nông sản và sản phẩm đặc trưng lần thứ II - 2016 được tổ chức với quy mô khá lớn, thu hút 11 huyện và hàng chục doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia trưng bày sản phẩm. Riêng huyện Nam Trà My có hơn 70 gian hàng của các hộ sản xuất kinh doanh và người dân 10 xã trưng bày hàng nghìn mặt hàng truyền thống.

Hàng nông sản được tiêu thụ mạnh tại hội chợ. Ảnh: H.T
Hàng nông sản được tiêu thụ mạnh tại hội chợ. Ảnh: H.T

Trong đó, chủ yếu là các nông lâm, thổ sản do đồng bào làm ra như gạo lúa rẫy, rau xanh, củ quả, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như vải dồ, teo, lét, nỏ… Cùng với đó là nhiều loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, sâm bảy lá, đẳng sâm, đương quy, giảo cổ lam, lan gấm… cũng được đem đến trưng bày để quảng bá với du khách. Tại hội chợ, nhiều mặt hàng đã được khách hàng đến mua khá nhộn nhịp. Những gian hàng xã Trà Linh bán được doanh số gần 2 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là những sản phẩm đặc trưng như sâm Ngọc Linh, sơn tra, giảo cổ lam... Đây là lần thứ hai hội chợ triển lãm hàng nông sản đặc trưng miền núi được huyện Nam Trà My tổ chức và thu được thắng lợi lớn khi giới thiệu hàng đặc trưng ra bên ngoài.

Qua tìm hiểu, hầu hết sản phẩm tham gia triển lãm khá lạ lẫm với thị trường tiêu dùng bởi lâu nay việc sản xuất của người dân Nam Trà My chỉ mang tính tự cung tự cấp, chưa hình thành hàng hóa. Vì vậy, người tiêu dùng ít được biết tới. Đến với hội chợ, nhiều mặt hàng có cơ hội mở rộng phát triển và thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp để liên kết đầu tư, tiêu thụ một cách bền vững. Anh Nguyễn Đỗ Trí ở xã Trà Cang mang tới hội chợ triển lãm khá nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như sâm nam, sâm Ngọc Linh, sâm dây, tiêu rừng, heo đen, giảo cổ lam... Anh Trí cho biết, đây đều là những mặt hàng có thế cạnh tranh lớn nếu gia nhập thị trường hiệu quả. “Hàng hóa nông sản ở Trà Cang do bà con làm ra. Các sản phẩm thu hái, khai thác thủ công, còn lạ lẫm với người tiêu dùng nên qua hội chợ lần này chúng tôi mong muốn nhiều người biết đến, nhiều doanh nghiệp quan tâm liên kết để sản xuất đưa ra thị trường một cách rộng rãi và đa dạng về sản phẩm” - anh Trí nói. Các gian hàng đặc trưng khác của 9 xã còn lại cũng phong phú về chủng loại.

Điểm nhấn thu hút sự quan tâm của khách hàng và các nhà đầu tư đó là hàng hóa nông sản ở Nam Trà My được sản xuất thủ công, an toàn tuyệt đối với sức khỏe. Hiện tỉnh tạo nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để hàng hóa nông sản ở khu vực miền núi gia nhập thị trường tiêu thụ, trong đó chú trọng hướng đến những sản phẩm nông sản sạch, an toàn. Đồng thời cũng đang từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm đặc trưng để tiến tới xây dựng thương hiệu. Từ đó giúp cho người dân Nam Trà My có điều kiện mở rộng sản xuất, tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Thu hút đầu tư

Với địa bàn có rất nhiều hàng nông sản đặc trưng là lợi thế để các nhà kinh doanh nhắm tới. Qua hội chợ, nhiều nhà đầu tư đã đến để tìm hiểu cơ hội liên kết đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến để cung ứng ra thị trường. Hiện nay, nhiều mặt hàng ở Nam Trà My như heo đen, rau lủi, chuối mốc, măng rừng… được tiêu thụ khá mạnh ở Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình. Thậm chí, thương lái miền xuôi lên tận các làng nóc để nhập hàng thường xuyên. Qua đó, giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất theo hướng sản phẩm hàng hóa. Đồng thời một số doanh nghiệp lớn cũng đến thuê đất để trồng cây dược liệu ngay tại địa bàn các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang nhằm tăng nguồn nguyên liệu cung ứng cho thị trường và tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.

Hiện nay huyện xây dựng thành vùng dược liệu của quốc gia nên việc quảng bá hàng hóa, dược liệu sẽ góp phần giải quyết đầu ra hàng hóa ổn định và thu hút mạnh cho khâu đầu tư phát triển. “Là vùng cao sơn ngọc quế nhưng do giao thương chưa phát triển nên hàng hóa nông sản của bà con vẫn ít được tiêu thụ. Qua việc tổ chức hội chợ triển lãm sẽ giúp cho bà con tăng cường mở rộng sản xuất hàng đặc trưng. Đặc biệt là đối với những sản phẩm truyền thống của huyện như sâm, quế và cây dược liệu. Từ đó sẽ thay đổi tư duy nhận thức của bà con về sản xuất hàng hóa để tăng nguồn thu cho gia đình, hướng tới việc thoát nghèo bền vững” - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết. Bước sang năm 2017, huyện Nam Trà My tiếp tục tổ chức Hội chợ trưng bày hàng nông sản đặc trưng lần thứ 3 nhân dịp diễn ra Lễ hội sâm núi Ngọc Linh lần thứ nhất (tháng 6.2017). Hiện tại người dân 10/10 xã đã đăng ký hơn 60 gian hàng trưng bày với khoảng hơn một nghìn sản phẩm đủ chủng loại. Đây sẽ là cơ hội lớn để bà con nhân dân trong huyện tiếp tục giới thiệu với du khách về hàng hóa đặc trưng, có giá trị cao. Đồng thời cũng sẽ mở ra cơ hội lớn để thu hút các nhà đầu tư vào liên kết khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất xanh Nam Trà My. Từ đó sẽ thúc đẩy kinh tế nông thôn miền núi được mùa, tăng giá, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

HOÀNG THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng bá hàng nông sản đặc trưng Nam Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO