Thời gian qua, nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống, đặc sản Quảng Nam (đặt tại số 35, đường Nguyễn Thái Học, phường Minh An, TP.Hội An) đã giúp quảng bá sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ cho các cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn.
Theo ông Đoàn Văn Lên - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, hiện có rất nhiều sản phẩm thủ công truyền thống, đặc sản của các làng nghề với dấu ấn văn hóa đa dạng của các cộng đồng cư dân vẫn chưa quảng bá được thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, HTX đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về nhân lực, quy mô, tài chính, trang thiết bị, mẫu mã sản phẩm… Đặc biệt là việc tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đang là khó khăn hàng đầu của các cơ sở này. Với sự ra đời của nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống tại Hội An, hy vọng sẽ tạo được sự khai thông thị trường tiêu thụ.
Theo bà Ngô Thị Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ phát triển HTX, nhà trưng bày sẽ có chức năng giới thiệu một số sản phẩm thủ công truyền thống, đặc sản của Quảng Nam, đồng thời thực hiện các hoạt động sáng tác, thiết kế mẫu mã cho sản phẩm thủ công, phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch gắn liền với du lịch làng nghề. “Mặc dù nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống ở Hội An không phải là nơi để kinh doanh nhưng lại mở ra rất nhiều hướng đi cho các cơ sở sản xuất, trong đó quan trọng nhất là giới thiệu sản phẩm của mình đến với khách du lịch. Những cơ hội mở rộng hợp tác, đầu mối tiêu thụ cũng xuất phát từ đây. Một khi du khách biết đến những sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam và có nhu cầu hợp tác thì cơ hội dành cho các cơ sở sản xuất rất lớn” - bà Thiên nói.
Một chức năng quan trọng của nhà trưng bày sản phẩm truyền thống, đặc sản Quảng Nam chính là khảo sát được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, qua đó từng bước thay đổi, sáng tạo những mẫu mã của các mặt hàng sao cho phù hợp với thị trường. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ của nhà trưng bày sẽ tích cực tìm kiếm các đối tác có năng lực trong và ngoài nước hợp tác sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủ công. Để làm điều này, nhà trưng bày sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển loại hình kinh tế du lịch văn hóa gắn với các làng nghề. Mối quan hệ hợp tác với các nghệ nhân, những người có tay nghề cao trong và ngoài nước cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ. Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) nói: “Sự ra đời của nhà trưng bày sản phẩm truyền thống ở Hội An hy vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh, giải quyết khó khăn cơ bản trong việc quảng bá sản phẩm, thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, đảm bảo nhà trưng bày hoạt động đúng theo mục đích, yêu cầu đã đặt ra…”.
TUỆ LÂM