Quảng bá thương hiệu hàng Việt

VIỆT NGUYỄN 19/12/2019 10:08

Chú trọng quảng bá thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp dễ đưa hàng Việt tiếp cận đông đảo người tiêu dùng.

Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chú trọng quảng bá sản phẩm để người tiêu dụng ưa chuộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chú trọng quảng bá sản phẩm để người tiêu dụng ưa chuộng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thay đổi tư duy

Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài muốn đưa hàng hóa vào thị trường đã có kế hoạch marketing phù hợp thì nhiều doanh nghiệp nước ta vẫn cho rằng, quảng bá sản phẩm tốn chi phí lớn, thích “hữu xạ tự nhiên hương” hơn. Không ít doanh nghiệp trong nước có kiểu “chạy” truyền thông, tập trung quảng cáo vào một đợt, khi thấy doanh thu tăng thì ngưng, cho rằng đủ rồi. Khi thấy doanh số giảm lại “chạy” truyền thông tiếp. Tuy nhiên kiểu này khó đạt kết quả như mong đợi. Thị trường luôn vận động, xu hướng kinh doanh đa dạng, hàng hóa rất dồi dào nên thị hiếu của người tiêu dùng hay thay đổi.

Ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương) cho rằng, chậm đổi mới về mô hình kinh doanh, dựa vào hệ thống cửa hàng, đại lý truyền thống, trông chờ khách hàng tìm đến mua sản phẩm và marketing kiểu đại trà, chung chung, không bắt kịp xu hướng kinh doanh trực tuyến sẽ khiến doanh nghiệp Việt chậm chân. Bởi vậy, chú trọng quảng bá hàng Việt là bài học nằm lòng để doanh nghiệp phát triển, đạt doanh thu cao.

Chị Phạm Nhung - chủ cơ sở dược liệu Phạm Nhung (thị trấn Prao, Đông Giang) cho biết, do giao thông cách trở nên kinh doanh buôn bán bất lợi. Các mặt hàng rượu từ sâm Ngọc Linh, ba kích, đẳng sâm, đinh lăng, mật ong, ka kun, nấm lim xanh, nấm linh chi chỉ đạt doanh thu hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Bởi vậy, chị rất cần quảng bá thương hiệu để rộng mở buôn bán.

“Chúng tôi rất muốn đầu tư cho marketing, quảng bá thương hiệu. Bởi kinh doanh thời hiện đại, các doanh nghiệp hầu như đều có những chiến lược truyền thông, quảng bá rất mạnh mẽ và hiệu quả. Nếu không quảng bá, không đưa sản phẩm đến tận mắt, tận tai người tiêu dùng sẽ bị quên lãng, rất khó bán hàng” - chị Nhung nói.

Tuy nhiên, cái khó của cơ sở dược liệu Phạm Nhung là nguồn vốn ít nên chỉ có thể thu xếp cho quảng bá chừng 5% tổng chi phí, thông qua các hoạt động quảng cáo, phát tờ rơi, dán thương hiệu ở các chợ, nhà chờ xe buýt, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại. “Các doanh nghiệp lớn đều đi lên từ cơ sở rất nhỏ, nguồn vốn đầu tư ít ỏi. Chúng tôi đang tích cóp từng cơ hội bán hàng, tích lũy vốn liếng để mở rộng sản xuất trong thời gian đến. Mong rằng qua quảng bá thương hiệu, chúng tôi sẽ lớn mạnh dần” - chị Nhung chia sẻ.

Hỗ trợ quảng bá

Theo Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu, nhân dịp tết Nguyên đán sắp tới, sẽ tổ chức hội chợ xuân để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa, tạo thuận lợi trong quảng bá thương hiệu hàng Việt. Cơ hội mở ra cho người tiêu dùng, doanh nghiệp với đa dạng hàng hóa, phong phú chủng loại, kiểu mẫu. Các doanh nghiệp sẽ được quảng bá, tiếp thị, cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi hàng hóa, nguyên liệu để cùng phát triển sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng Việt.

Quan sát trên thị trường, không khó để nhận biết hàng hóa của Thái Lan rất được người Việt ưa chuộng, săn đón. Cách thức người Thái đưa hàng Thái vào thị trường Việt Nam rất bài bản, kế hoạch rõ ràng, đón đầu thị trường, nhất là am hiểu tập quán mua sắm của người Việt. Người Thái Lan triển khai truyền thông, quảng bá sản phẩm tốt đến mức người tiêu dùng Việt Nam tin chắc mua hàng Thái về dùng sẽ rất chất lượng mà không biết rằng chỉ một số thương hiệu nổi tiếng của Thái Lan mới vượt trội, còn lại chất lượng hàng hóa ngang ngửa hay thua hàng Việt.

Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan, ban ngành cần chú trọng xúc tiến thương mại, có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, có chiến lược thực hiện thương hiệu quốc gia. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn thực hiện tốt liên kết, kết nối, tìm đầu ra để các sản phẩm “made in Quảng Nam” tiếp cận tốt thị trường, đến tay người tiêu dùng nhanh và rộng hơn.

Ông Đinh Văn Phúc cho rằng, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa là cả chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, bao bì, nhãn mác đến khâu cuối cùng là phân phối đến người tiêu dùng. Thực trạng là nhiều doanh nghiệp không hiểu nhiều về thương hiệu, quảng bá thương hiệu, không biết mình đang thiếu gì, cần hoàn thiện gì về marketing để đầu tư, thúc đẩy phát triển. Điều cần kíp là doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, liên kết với các đối tác phân phối có tiềm năng, lựa chọn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm uy tín để sản xuất, cung ứng hàng hóa, sản phẩm. Cùng với đó là chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và mạnh dạn tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ để sản phẩm chất lượng, uy tín, thu hút người tiêu dùng.

“Quan trọng là các doanh nghiệp định vị sản phẩm mình ở phân khúc nào, đối tượng khách hàng nào để có chính sách tiếp thị quảng bá sản phẩm, tạo ưu thế. Qua quảng bá, người tiêu dùng sẽ ấn tượng trực tiếp vào sản phẩm, hàng hóa để lựa chọn. Doanh nghiệp cần dám nghĩ, dám làm, biết cách làm thì con đường thành công sẽ ngắn lại” - ông Đinh Văn Phúc nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng bá thương hiệu hàng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO