Quê tôi ở Nông Sơn. Cái xứ mà ở đâu cũng nhìn thấy núi. Núi trước mặt, núi sau lưng, đứng ngay trong sân nhà mình nhìn ra bốn bề cũng toàn là núi. Địa thế khó khăn, có những căn nhà nằm lẻ loi hay cheo leo đồi núi.
Tôi nhớ hồi xưa - xưa là cách đây hơn 20 năm khi tôi còn là đứa tóc vàng hoe hay chạy chơi dưới nắng thì quê tôi chưa có đường bê tông như bây giờ. Con đường cái cũng toàn đá là đá, và đầy những đường mòn nhỏ trông hệt như con rắn cứ luồn lách sườn núi mà bò.
Địa hình vậy nên cái gì bà con quê tôi cũng gánh: gánh lúa, gánh than, gánh củi, gánh gạo… Hình ảnh những người phụ nữ oằn lưng trên vai là quang gánh nặng trĩu, bước từng bước trên bờ ruộng mấp mô luôn khiến tôi thắt lòng mỗi khi nhớ lại.
Hồi còn nhỏ xíu xiu ấy, ngoài ngóng má đi chợ về thì tôi còn ngóng cô bán gánh. Nhà cô ấy ở gần chợ Trung Phước. Mỗi sáng, cô sẽ ghé chợ mua thịt cá, rau củ, bánh trái chất đầy quang gánh rồi gánh đi bán ở những xóm làng xa chợ. Đoạn đường cô gánh mỗi ngày đi về lên cả mấy chục cây số. Có khi cô ghé nhà tôi thì trời đã về chiều.
Bóng cô liêu xiêu dưới cái nắng bỏng rát những ngày hè. Tới nhà tôi, cô đặt quang gánh, cởi cái nón cời quạt lấy quạt để. Má tôi sẽ nhìn xem trong quang gánh còn đồ tươi, thịt cá gì để mua. Và dĩ nhiên, lũ trẻ con chúng tôi sẽ nhòm vào chiếc mủng bên kia, nơi có bịch chè đậu ván, bịch kẹo ú, cái bánh gói, miếng kẹo đậu phụng…
Thật khó diễn tả cái cảm giác sung sướng khi má mua cho cái bánh hay bịch kẹo. Cứ đưa lên miệng hít hà rồi ngồi bệt dưới hiên nhà mát rười rượi mà ăn. Chè đậu ván dẻo dẻo, thơm thơm.
Chiếc kẹo ú, kẹo gừng tan từ từ trong miệng. Chiếc bánh gói mềm mềm bên trong là nhưn thịt và tôm khô. Tuổi thơ ngày đó, chỉ cần có trong tay đồng quà tấm bánh đã thấy mình quá đủ đầy. Sau này lớn lên, dẫu ăn bao nhiêu món ngon vật lạ cũng không bao giờ có lại cảm giác sung sướng, ngon lành như thuở ấu thơ.
Những đôi quang gánh ngày ấy gánh cả nhọc nhằn của một vùng quê gian khó. Mùa gặt, những gánh lúa nặng trĩu được họ gánh từ đồng về nhà. Hết mùa gặt, buổi sáng họ lên núi chặt củi, cắt tranh rồi những buổi chiều oằn lưng gánh về khi trời chiều.
Mùa nắng lên đồi, những lá tranh sắc như dao lam. Cắt tranh là công việc đòi hỏi sự khéo léo bởi không khéo, những lá tranh cứa vào da thịt chảy máu, mồ hôi rịn ra dính vào vết cứa xót vô cùng. Khó lắm, vậy mà mỗi sáng, họ vẫn vui vẻ đi từng tốp lên đồi.
Mùa mưa, bao bước chân chênh vênh trên con đường trơn trượt. Có những con dốc đầy sỏi, họ đi từng bước một, níu từng bước chân vào đá dăm. Những người phụ nữ như cô bán gánh, như má tôi, như bất kỳ người phụ nữ nào thời ấy cũng xem gánh nặng trên vai là hiển nhiên.
Đi qua nhiều vùng đất khác nhau lại giật mình vì bóng dáng của những người đàn bà lại quá giống nhau. Đó là những người đàn bà gánh từng gánh cá nặng trĩu đi bán dạo ở một vùng biển Phú Yên. Đó là bao gương mặt của những người đàn bà bên gánh hàng rong Sài Gòn vào những buổi trưa buồn hiu hắt. Tất cả những phụ nữ ấy đều khởi sinh từ chắt chiu, tảo tần…