Rong biển xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao và loại nguyên liệu này được chế biến thành nhiều sản phẩm được thị trường ưu chuộng. Thế nhưng, tại Quảng Nam, việc khai thác rong biển hiện chưa hiệu quả, gây lãng phí nguồn tài nguyên.
Lãng phí tài nguyên
Rong biển có mặt ở khắp các vùng biển Quảng Nam, nhiều nhất là xã đảo Tam Hải (Núi Thành), biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An), khu vực biển Rạng (xã Tam Quang, Núi Thành). Hiện nay, Quảng Nam chưa có vùng trồng rong biển, người dân khai thác rong biển tự nhiên.
Ông Nguyễn Thảo (thôn Thuận An, xã đảo Tam Hải) cho biết, năm nào người dân trên địa bàn cũng đi khai thác rong biển, rộ nhất là thời điểm tháng 5 đến tháng 7. “Rong biển nằm sát ở đáy nên ở khu vực biển sâu thì phải lặn để cắt. Tôi cắt mỗi ngày được chừng 2 tạ rong tươi, bán cho tư thương thu được khoảng 1 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ” - ông Thảo nói.
Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, sau khi người dân cắt thì rong biển lại sinh trưởng. Hết năm này đến năm khác, người dân lại đi cắt rong biển để tạo sinh kế. Có khi người dân không cắt, rong biển tự rã ra trôi đầy trên biển.
Hiện nay ở Quảng Nam chưa có doanh nghiệp chế biến rong biển để xuất khẩu. Người dân khai thác rong biển, bán cho tư thương phơi khô rồi bán lại qua các trung gian khác. Bà Nguyễn Thị Lại (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, Núi Thành) - tiểu thương thu mua rong biển, cho biết: “Chỗ nào mua rong biển được giá thì tôi bán lại chứ không biết họ mua để xuất khẩu hay bán ở thị trường trong nước. Thông thường rong biển dùng để nấu canh, làm mứt…”.
Căn cứ Quyết định 28 ngày 20/10/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam về quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, hằng năm Chi cục Thủy sản Quảng Nam ban hành thông báo, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân chỉ được khai thác rong biển từ ngày 15/5 đến ngày 30/1. Tuy vậy, Quyết định 28 của UBND tỉnh không còn hiệu lực, người dân các vùng ven biển hễ thấy có rong biển là đi khai thác để bán. Đã có tình trạng khai thác rong biển quá mức ở Quảng Nam.
Theo các chuyên gia, rong biển sống bám vào rạn san hô hay các khối đá ngầm dưới biển. Đây là chỗ trú ẩn, kiếm ăn và sinh sản của nhiều loài hải sản quý hiếm. Khai thác rong biển quá mức sẽ ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học, sinh thái biển.
Cần khai mở tiềm năng
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Việt Nam có 827 loài rong tự nhiên, chia làm 3 nhóm chính gồm rong sụn, rong câu và rong nho. Cả 3 loại rong biển này đều có mặt trong các vùng biển Quảng Nam.
Toàn tỉnh có 6 huyện, thị xã, thành phố có biển gồm Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành nên có tiềm năng lớn để trồng, khai thác, chế biến rong mơ theo chuỗi liên kết khép kín.
Quy hoạch vùng nuôi trồng rong biển, thu hút đầu tư của doanh nghiệp sẽ giúp Quảng Nam có nguồn nguyên liệu lớn để chế biến các sản phẩm như thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Rong biển có khả năng hấp thụ CO2 nhanh gấp 5 lần thực vật trên cạn, là cơ hội có thể bán các tín chỉ carbon. Rong biển phát triển mà không cần phân bón, thuốc trừ sâu hoặc nước ngọt nên đây là giải pháp thay thế bền vững cho nền nông nghiệp truyền thống trên đất liền.
Rong biển cũng làm giảm hậu quả của biến đổi khí hậu bằng cách hoạt động như một bồn chứa carbon tự nhiên, hút carbon dioxit từ khí quyển.
Ngoài ra, rong biển làm giảm quá trình axit hóa đại dương, có lợi cho môi trường sống của sinh vật biển. Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có định hướng phát triển kinh tế xanh từ rong biển. Cụ thể, giai đoạn 2025 - 2030, đặt mục tiêu nuôi trồng, chế biến 500.000 tấn rong biển.
Thị trường rong biển toàn cầu đang mở rộng khi người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm bền vững có nguồn gốc thực vật. Do có nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, rong biển đã phổ biến trong chế độ ăn uống ưu tiên sức khỏe của người tiêu dùng toàn cầu.
Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, Quảng Nam cần có đề tài khoa học nghiên cứu sâu về tiềm năng, thế mạnh của nghề nuôi trồng, chế biến khép kín rong biển để ứng dụng trong thực tế, qua đó khai phóng tiềm năng rong biển. Trước mắt, Quảng Nam cần khoanh vùng bảo vệ rong biển hiện có trong tự nhiên để tránh bị tận diệt.
Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, người dân khai thác rong biển cần đảm bảo không làm tổn hại đến nguồn lợi rong và hệ sinh thái rạn san hô, cá biển, sinh vật biển khác.
Khi khai thác rong biển, người dân không được nhổ cả gốc mà chỉ được dùng liềm để cắt, phải để lại gốc bám vào một đoạn thân rong dài hơn 10cm. Chừa lại ít nhất 25% diện tích có rong biển theo từng luống để còn nơi cư trú, sinh sản của các loài thủy sản. Không được giẫm đạp lên san hô khi cắt rong biển hoặc thả neo tàu làm hư hại đến san hô.