Thủy sản

Quảng Nam cần cú hích để nuôi biển bền vững

VIỆT NGUYỄN 09/05/2024 17:13

Quảng Nam xác định nuôi biển là ngành kinh tế quan trọng. Bên cạnh một số thành quả, các ngành chức năng cần tham mưu UBND tỉnh giải quyết các điểm nghẽn để khơi thông lợi thế.

nuoi-bien-2.jpg
Nuôi biển truyền thống trên địa bàn tỉnh với lồng bè không kiên cố. Ảnh: Q.VIỆT

Thực hiện đa mục tiêu

Định hướng phát triển ngành thủy sản trong chiến lược kinh tế biển Quảng Nam nêu rõ các nhiệm vụ chú trọng nuôi biển để giảm khai thác hải sản, tăng nuôi trồng hải sản và bảo tồn giữ gìn đa dạng sinh thái biển.

Kế hoạch phát triển ngành nuôi biển của UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 520ha, thể tích lồng nuôi 300 nghìn mét khối, sản lượng nuôi biển 5.400 tấn/năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nêu quan điểm phát triển nghề nuôi biển của Quảng Nam là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, tạo thêm việc làm cho người dân gắn liền với đảm bảo sức khỏe các hệ sinh thái biển, phát triển bền vững.

Theo ghi nhận, ở khắp các vùng ven biển của tỉnh, người dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi các loại hải sản như cá bớp, cá chẽm, cá măng, cá chim vây vàng, nuôi hàu, trồng rong mơ… thu được giá trị kinh tế khá lớn.

Đáng nói, từ chỗ ban đầu chỉ có vài lồng HDPE nuôi biển, đến nay khắp các vùng Tam Quang, Tam Hải, Tam Hòa (Núi Thành) hầu hết người dân nuôi biển bằng lồng HDPE kiên cố.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nuôi biển nằm trong tổng thể 3 trụ cột phát triển kinh tế thủy sản là giảm khai thác hải sản, tăng nuôi trồng hải sản và bảo tồn biển. Nuôi biển vừa là kinh tế độc lập vừa hài hòa trong kinh tế biển và bảo vệ nguồn lợi hải sản.

Các địa phương cần quyết tâm rà soát, điều chỉnh mật độ lồng nuôi, diện tích nuôi, quy hoạch lại vùng nuôi biển tự phát. Cùng với đó là ban hành các tiêu chuẩn về vật liệu nuôi, áp dụng công nghệ tiên tiến.

Ông Phạm Văn Thái (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) cho biết, đầu tư lồng HDPE cần nhiều vốn nhưng ưu thế là có thể chống chịu bão gió cấp 12. “Đầu tư lồng bè nuôi biển bằng tre, gỗ không được lâu vì dễ hư hỏng. Nuôi biển đòi hỏi phải quy mô lớn, lâu dài và áp dụng công nghệ cao nên đầu tư lồng HDPE là tất yếu” - ông Thái nói.

Có thể nhận diện thực trạng là nghề nuôi trồng hải sản trên biển của Quảng Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Công tác dự báo thị trường, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa còn hạn chế. Khu vực nuôi chủ yếu ở gần bờ, ven biển lại chồng lấn với giao thông đường thủy.

Hạ tầng vùng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Con giống hải sản chưa đáp ứng các điều kiện về kiểm dịch đảm bảo chất lượng. Người dân nuôi biển chưa qua đào tạo, hễ khi nuôi biển phát sinh dịch bệnh là không xử lý tình huống bài bản.

Tạo động lực

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, tình trạng người dân sử dụng những vật liệu không thân thiện môi trường như phao xốp để nuôi trồng hải sản trên biển sẽ gây nên hệ lụy là phải trả giá về vấn đề môi trường, dịch bệnh.

nuoi-bien.jpg
Nuôi biển Quảng Nam cần chuyển hướng đầu tư hiện đại, ứng dụng công nghệ cao với lồng nuôi HDPE vững chãi. Ảnh: Q.VIỆT

Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT vận động người dân thay thế các vật liệu không thân thiện với môi trường, triển khai mô hình nuôi biển đa dưỡng tích hợp.

Theo đó, Quảng Nam đang chuyển đổi từ cách nuôi biển truyền thống sang cách nuôi công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ cao gắn với bảo tồn biển. Tự thân người dân khó tiếp cận với nuôi biển khoa học công nghệ cao do tiềm lực tài chính yếu nên UBND tỉnh giao các ngành chức năng tham mưu có chính sách khuyến khích, vận động, hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi sang nuôi biển quy mô lớn áp dụng khoa học kỹ thuật cao gắn với gìn giữ môi trường biển, phát triển bền vững.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho biết, để giảm cường độ khai thác hải sản, tất yếu phải tăng nuôi trồng hải sản trên biển gắn với bảo tồn biển. Để quản lý nuôi biển bền vững nhất thiết cơ quan quản lý phải cấp phép nuôi biển cho cơ sở đạt điều kiện.

Trong đó đòi hỏi phải có quy định hạn mức sản lượng cho từng cơ sở dựa trên các điều kiện về môi trường, thị trường. Phải phân bố định mức nuôi biển công khai, minh bạch trong cộng đồng. Để nâng cao giá trị sản phẩm nuôi biển, nhất là xuất khẩu cần bắt buộc truy xuất nguồn gốc hải sản nuôi.

“Quan trọng là kiểm soát được hoạt động nuôi biển. Đó có thể là cơ chế đồng quản lý của cộng đồng hoặc áp dụng công nghệ bản đồ số tự cập nhật hoạt động nuôi biển ở từng khu vực để nuôi biển bền vững” - ông Dũng nói.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, đơn vị đang tham mưu Sở NN&PTNT đề xuất với UBND tỉnh về quy hoạch không gian nuôi biển, qua đó cho thuê, giao mặt nước biển cho người dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi biển.

Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với ngành tài nguyên - môi trường để đơn giản hóa thủ tục cấp phép nuôi trồng hải sản trên biển và cung cấp cho UBND các địa phương dữ liệu bản đồ để hỗ trợ tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị nuôi biển theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam cần cú hích để nuôi biển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO