Sau 3 vòng đấu đầu tiên của mùa giải trong đó 2 trận được đón tiếp các đối thủ ngang cơ, thế nhưng Quảng Nam chỉ có 1 điểm. Quãng nghỉ gần 1 tháng liệu có giúp đội bóng tân binh lấy lại tinh thần và cải thiện lối chơi để tiếp tục hành trình gian khó ở phía trước?
Chật vật
Đầu mùa giải, Quảng Nam cùng với Khánh Hòa và TP.Hồ Chí Minh được đánh giá là những ứng cử viên cho suất... xuống hạng. Cũng không ngạc nhiên khi Khánh Hòa đến sát ngày giải khởi tranh mới chốt được số phận của mình.
Trước đó, hàng loạt trụ cột của đội bóng phố biển đã nhanh chân tìm kiếm đội bóng mới khi câu lạc bộ rơi vào khủng hoảng về tài chính. Lực lượng vốn đã yếu lại bị sứt mẻ, đội bóng của HLV Võ Đình Tân được xác định là yếu nhất giải.
Trong khi đó, TP.Hồ Chí Minh sau mùa giải vật lộn với cuộc chiến trụ hạng đã có sự thay đổi chủ yếu về ngoại binh. Với tiềm lực kinh tế hạn chế, HLV Vũ Tiến Thành không có được những sự bổ sung chất lượng. Tuy nhiên, cả hai đội lại có bước khởi đầu không đến nỗi nào. Sau 3 vòng, TP.Hồ Chí Minh giành được 4 điểm còn Khánh Hòa có 3 điểm, tạm thời nằm giữa bảng xếp hạng.
Quảng Nam bước vào mùa giải trở lại V-League với mục tiêu tốp 5 khiến nhiều người bất ngờ. Và sau 3 vòng đấu, những điểm yếu của một đội bóng tân binh không có lực lượng và sự chuẩn bị tốt đã dần lộ diện.
Nếu như thất bại trên sân Thép Xanh Nam Định ở trận mở màn mùa giải là hoàn toàn có thể chia sẻ, bị TP.Hồ Chí Minh cầm hòa để lại nhiều tiếc nuối thì thất bại trước Khánh Hòa là điều khó chấp nhận.
Tiềm lực tài chính hạn chế cùng quỹ thời gian chuẩn bị cho mùa giải mới không nhiều khiến đội bóng không thể tăng cường cho đội hình của mình những cầu thủ chất lượng tốt hơn, cả nội lẫn ngoại binh.
Chỉ có được 1 điểm sau 3 vòng đấu, trong đó có 2 trận được đón tiếp đối thủ được đánh giá ngang cơ và là đối thủ chính trong cuộc đua trụ hạng, rõ ràng Quảng Nam tự gây khó cho mình.
Theo HLV Văn Sỹ Sơn, đội Quảng Nam mới lên hạng, tìm quân về đá nên sự hòa nhập rất khó, cần có thời gian để các cầu thủ tạo ra tiếng nói chung. Cạnh đó, các cầu thủ trẻ của đội cũng cần có thêm nhiều trận đấu để tích lũy kinh nghiệm và thích nghi với đấu trường V-League khắc nghiệt.
Cũng thông cảm cho chiến lược gia xứ Nghệ khi mà mỗi trận đấu đã qua cùng lúc trên sân có tới 8 - 9 tân binh nên rất khó khăn yêu cầu họ phối hợp ăn ý. Hy vọng thời gian nghỉ dài sẽ giúp đội có điều kiện để tập luyện, nâng cao khả năng gắn kết với nhau.
Chờ sân Tam Kỳ
Cứ ngỡ Quảng Nam sẽ mượn tạm sân Hòa Xuân (Đà Nẵng) để đá vài vòng đấu đầu tiên của mùa giải, chờ sân Tam Kỳ sửa chữa, nâng cấp dàn đèn nhưng đến nay mọi thứ dường như vẫn “án binh bất động”. Với đà này, con đường trở lại sân Tam Kỳ để đá V-League sẽ còn xa đối với đội bóng xứ Quảng.
Thật ra sân Hòa Xuân trong ngày Quảng Nam thi đấu trận đầu tiên tại V-League gặp TP.Hồ Chí Minh thu hút khá đông khán giả. Lãnh đạo tỉnh, Sở VH-TT&DL cũng đến sân xem, động viên tinh thần đội bóng. Dù vậy, có thể nói khoảng cách 70km đã phần nào ngăn cản sự hâm mộ của người dân Quảng Nam. Đến trận gặp Khánh Hòa, số lượng khán giả giảm rõ rệt.
Chính HLV Võ Đình Tân của Khánh Hòa cũng thừa nhận gọi là sân nhà của Quảng Nam trên danh nghĩa nhưng Hòa Xuân vẫn là sân trung lập và đá sân trung lập ảnh hưởng đến Quảng Nam vì đội không còn lợi thế. Mùa giải hạng Nhất 2023, chính thành tích thăng hoa với 9 chiến thắng trên sân Tam Kỳ đã giúp Quảng Nam có mặt tại V-League.
Về mặt chuyên môn, đá trên sân Hòa Xuân ảnh hưởng rất nhiều đến Quảng Nam. Dù gọi là sân nhà nhưng thầy trò HLV Văn Sỹ Sơn chỉ có 1 buổi tập làm quen sân giống như đội khách. Hơn nữa, tập luyện trên sân Tam Kỳ cỏ lá còn thi đấu trên sân Hòa Xuân cỏ chỉ gây không ít khó khăn cho các cầu thủ.
Lợi thế sân nhà không chỉ là sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà mà cả mặt sân, không gian sân quen thuộc. Bởi vậy, đá trên sân Hòa Xuân chẳng khác nào sân khách và nói như một người hâm mộ, rằng Quảng Nam đá cả mùa giải trên sân khách thì không thất bại mới lạ. Đây rõ ràng là một bất lợi rất lớn đối với đoàn quân của HLV Văn Sỹ Sơn ở mùa giải đầu tiên thi đấu tại V-League.