Quảng Nam "chạy đua" trước bão số 4

PV - CTV 27/09/2022 10:09

(QNO) - Hôm nay 27.9, các địa phương trong tỉnh tất tả chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc men... trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.

Lực lượng dân quân Nam Giang hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. Ảnh: CTV
Lực lượng dân quân Nam Giang hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa. Ảnh: CTV

* Tại Tây Giang, chính quyền địa phương đã lên phương án sơ tán 755 hộ/2.850 khẩu (hình thức sơ tán xen ghép 400 hộ/1.650 khẩu và tập trung 355 hộ/1.200 khẩu). Công tác sơ tán người dân đến nơi an toàn đã hoàn tất trước 9 giờ sáng nay.

Để chủ động trong mùa mưa bão, Tây Giang đã dự trữ 180 tấn gạo, trong đó nhân dân dự trữ 100 tấn gạo; 11 điểm trường bán trú dự trữ 16,5 tấn; các hàng, quán, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện dự trữ 63,5 tấn. Bên cạnh đó, lương thực, thực phẩm, nước uống, cơ số thuốc thiết yếu đảm bảo phục vụ tại chỗ đủ từ 25-30 ngày.

Lực lượng xung kích xã Kà Dăng tổ chức di dời nhà dân nằm khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: CTV
Lực lượng xung kích xã Kà Dăng (Đông Giang) di dời nhà dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: CTV

* Ở huyện Đông Giang, các địa phương đang gấp rút với công tác phòng chống bão số 4. Anh Alăng Bót - Bí thư Đoàn xã Kà Dăng cho biết, từ chiều qua 26.9, cùng với triển khai các phương án ứng phó trước bão, vận động người dân chằng chống nhà cửa, chính quyền địa phương huy động lực lượng xung kích tổ chức di dời nhà dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Theo anh Bót, đến nay có 5 ngôi nhà của người dân ở thôn Nhiều 1 đã được di dời khẩn cấp. Từ nhiều ngày qua, lực lượng thanh niên, dân quân, Công an xã phối hợp vận chuyển gỗ, cùng các vật dụng cần thiết hỗ trợ người dân dựng lại nhà mới tại mặt bằng dân cư được bố trí thuộc khu vực Bến Hiên.

Nhiều năm nay, cụm dân cư thôn Nhiều 1 với 17 hộ dân sinh sống nằm trong khu vực mất an toàn do sạt lở đất từ ta luy dương. Đợt mưa lũ năm ngoái, sạt lở đất khiến 1 ngôi nhà xây ở cụm dân cư này bị hư hỏng nặng, buộc phải di dời.

"Trong ngày hôm nay, lực lượng xung kích tiếp tục di dời toàn bộ nhà dân nằm vùng có nguy cơ sạt lở đến vị trí an toàn. Riêng tài sản và người dân được sơ tán sẽ bố trí tạm tại các trường học, trạm y tế... nhằm đảm bảo an toàn trước bão" - anh Bót cho hay.

Điểm sạt lở xuất hiện trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn xã Zà Hung. Ảnh: CTV
Điểm sạt lở xuất hiện trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn xã Zà Hung. Ảnh: CTV

Trước đó, trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ xã Zà Hung đến Mà Cooih (Đông Giang) xuất hiện ít nhất 2 điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ.

* Huyện Nam Giang thành lập lực lượng phản ứng nhanh và trưng dụng phương tiện phục vụ phòng chống cơn bão số 4. Theo đó, lực lượng này gồm 80 người cơ cấu từ Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện và Trung tâm Y tế huyện. Trưng dụng phương tiện phục vụ phòng chống cơn bão số 4 gồm 5 xe tải và 5 xe xúc.

* Tại Bắc Trà My, ông Nguyễn Hồng Vương – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện cho biết, hiện ở 13 xã, thị trấn đã dự trữ 92.880 thùng mì tôm, lương khô các loại, 1.208 tấn gạo tại các cơ sở kinh doanh. Địa phương còn có nguồn lương thực tự đảm bảo tại các hộ dân sau khi thu hoạch vụ đông xuân – hè thu.

Địa phương dự kiến trước 15 giờ hôm nay 27.9 hoàn thành việc sơ tán 704 hộ dân dân (3.681 khẩu); lên phương án sơ tán 12.000 người (2.200 hộ) nằm ở vùng có nguy cơ bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Huyện phát tin lưu động, đăng tải các nội dung phục vụ ứng phó bão, thông tin đến người dân trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Trung tâm Điều hành thông minh IOC huyện, tuyên truyền lưu động bằng loa.

* Tại Núi Thành, ông Nguyễn Tấn Hùng – Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, sáng nay địa phương tiếp tục sơ tán thêm 300 hộ dân đến nơi an toàn để tránh trú bão số 4. Từ sáng sớm, các hộ dân thôn Long Thạnh Tây (Tam Hải) đã được sơ tán đến Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) để tránh bão số 4. Được biết, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã cử 9 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn.

Tận dụng trường học làm nơi trú bão tạm cho người dân xã đảo Tam Hải
Tận dụng trường học làm nơi trú bão tạm cho người dân xã đảo Tam Hải

* Còn tại Tiên Phước, sáng nay 27.9, đoàn công tác của UBND tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân dẫn đầu có buổi làm việc nhanh với địa phương về công tác đối phó với bão số 4.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân làm việc với huyện Tiên Phước sáng nay về ứng phó với bão số 4
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân làm việc với huyện Tiên Phước về ứng phó bão số 4. Ảnh: N.H

Theo UBND huyện Tiên Phước, địa phương có 7 hồ đập nhỏ, các hồ đập đã xả lũ xuống mức thấp để đón bão. Toàn huyện có 5.612 người nằm trong vùng nguy hiểm được sơ tán (sơ tán tập trung 2.452 người và sơ tán xen ghép 3.160 người). Lực lượng xung kích đang chốt chặn tại các điểm xung yếu như khu vực núi Đầu Voi (Tiên An), núi Ông Chi (Tiên Châu), Chân Đồi Cao (Tiên Kỳ)…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu Tiên Phước tập trung cả hệ thống chính trị triển khai các phương án đối phó với cơn bão số 4; trong đó lưu ý tập trung hướng dẫn người dân tỉa cành, chằng chống để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Chính quyền địa phương phải hoàn thành việc di dời dân trước 12 giờ trưa hôm nay.

* Tại Duy Xuyên, đến cuối giờ sáng nay 27.9, lực lượng chức năng địa phương đã phối hợp với nhân viên của khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana) sơ tán 213 người dân ở xã Duy Hải vào tạm trú tại khu nhà ở cho chuyên gia, nhân viên của khu nghỉ dưỡng này.

Một gia đình đã nhận phòng trong sáng nay
Một gia đình đã nhận phòng trong sáng nay. Ảnh: Q.T

Theo ông Steve Wolstenholme - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, đơn vị đã chuẩn bị gần 100 phòng với sức chứa khoảng gần 400 người để người dân địa phương có nhà ở không kiên cố tạm trú tránh bão Noru cho đến khi bão tan.

Bà Lê Thị Hột (76 tuổi, xã Duy Hải) cho hay, gia đình có 6 người thì 4 người gồm người già và trẻ nhỏ được di dời đến khu nghỉ dưỡng này trong sáng nay nên yên tâm phần nào. Còn lại 2 người lớn đang ở nhà tiếp tục gia cố nhà cửa và sẽ sơ tán trước khi bão đổ bộ.

Nhân viên khu nghỉ dưỡng chuẩn bị phần ăn trưa cho người dân sơ tán
Nhân viên khu nghỉ dưỡng chuẩn bị phần ăn trưa cho người dân sơ tán. Ảnh: Q.T

Vùng đông Duy Xuyên được đánh giá là khu vực xung yếu sẽ chịu nhiều thiệt hại khi bão Noru đổ bộ. Đánh giá sơ bộ từ huyện Duy Xuyên thì có gần 1.000 người ở khu vực này phải tiến hành sơ tán, thậm chí số lượng sẽ cao hơn nhiều nếu bão cập bờ ở mức độ siêu bão.

Từ nay đến khi bão đổ bộ, khu nghỉ dưỡng này vẫn còn có thể tiếp nhận gần 200 người dân từ các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Bình Dương (Thăng Bình). Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục khẩn trương sơ tán người dân vùng xung yếu tại vùng đông đến các nơi kiên cố khác.

Hội An tạm dừng hoạt động các chợ dân sinh tránh bão Noru 

Sáng nay, chính quyền TP.Hội An cho tạm dừng hoạt động các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố từ 12 giờ ngày 27.9. Thành phố giao Ban Quản lý chợ Hội An, UBND các xã, phường thông báo cho tiểu thương, các hộ kinh doanh tại chợ Hội An và các chợ trên địa bàn biết để chấp hành. Đồng thời hướng dẫn, đề nghị các hộ kinh doanh chủ động triển khai các biện pháp che chắn, bảo quản hàng hóa, tài sản an toàn. Riêng khu vực chợ Hội An và các chợ ở địa bàn trũng thấp cần lưu ý việc kê dọn hàng hóa, tài sản để đề phòng nguy cơ nước dâng do mưa lớn, nước biển dâng.

* Sáng nay, tại Tam Kỳ hàng trăm người dân ven biển của xã Tam Thanh đã được lực lượng BĐBP tỉnh Quảng Nam đưa về tránh trú bão tại cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. 

Đại tá Hoàng Văn Mẫn – Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam (bên trái) có mặt từ sáng sớm để đưa bà con về cơ quan Biên phòng tỉnh tránh trú bão
Đại tá Hoàng Văn Mẫn – Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam (bên trái) có mặt từ sáng sớm để đưa bà con về cơ quan Biên phòng tỉnh tránh trú bão. Ảnh: H.A

Ngay từ sáng sớm, tại Nhà văn hóa thôn Hòa Thượng (xã Tam Thanh), hàng trăm người dân ven biển tập trung về đây để các lực lượng bố trí nơi tránh trú bão. Đợt này, riêng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đưa gần 500 người dân thuộc các thôn ven biển của xã Tam Thanh về tránh trú tại cơ quan. Hầu hết trường hợp sơ tán có nhà ở không kiên cố và người già, trẻ em, phụ nữ mang thai. Ngay khi đưa người dân về đến Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, cán bộ, chiến sĩ đã tận tình hỗ trợ, tạo điều kiện phục vụ chu đáo nơi ăn.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh nói: "Biết được sự nguy hiểm của bão số 4, UBND xã đã kêu gọi được lực lượng dân quân, đoàn thanh niên sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Cụ thể 85 ngôi nhà trong kế hoạch di dời, vì không đảm bảo được sự an toàn khi bão đổ bộ".

Tam Thanh huy động lực lượng thanh niên xung kích và dân quân giúp đỡ người dân chằng chống nhà ở. Ảnh: VT
Xã Tam Thanh huy động lực lượng thanh niên xung kích và dân quân giúp đỡ người dân chằng chống nhà ở. Ảnh: V.T

Ông Bùi Ngọc Bùi Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, có hơn 1.600 người dân xã Tam Thanh được đưa đến nhiều nơi tránh trú bão như Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam, Đồn Biên phòng Tam Thanh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam để đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, sáng nay Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã huy động nhân viên đến giúp đỡ người dân ở xã Tam Thanh, Tam Thăng chằng chống nhà cửa bằng bao cát, chặt tỉa cây cối gần nhà.

* Tại huyện Nam Trà My, đến trưa nay phương án sơ tán dân tại các khu dân cư có nguy cơ sạt lở, vùng thấp lụt, vùng trũng ven sông... đã được triển khai. Đồng thời tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng… đảm bảo an toàn; cắt tỉa cành, chằng chống cây tránh ngã đổ; khơi thông cống rãnh thoát nước để hạn chế thiệt hại do mưa lũ.

Nam Trà My nỗ lực sơ tán người dân về các nơi kiến cố để tránh bão.
Nam Trà My nỗ lực sơ tán người dân đến các nơi kiến cố để tránh bão. Ảnh: CTV

Ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, địa phương lên kế hoạch hoàn thành sơ tán 865 hộ/4.341 người trước 17 giờ chiều nay 27.9; trong đó, sơ tán tập trung 600 hộ/3.005 người, sơ tán xen ghép 265 hộ/1.336 người. Địa điểm sơ tán dân chủ yếu tại trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, nhà kiên cố tại các khu dân cư.

Cũng theo ông Dũng, chủ động phương án dự trữ lương thực, UBND huyện Nam Trà My hỗ trợ tại xã, khu dân cư, đảm bảo khi thiên tai xảy ra có thể sử dụng ít nhất 15 ngày. Tổng số lượng gạo dữ trữ phòng chống thiên tai của toàn huyện đến nay hơn 327 tấn.

* Những ngày qua, người dân và chính quyền các địa phương của Đại Lộc ra sức phòng chống bão.

ác địa phương của Đại Lộc ưu tien di dời người già yếu, neo đơn đến nơi tránh trú bão trước 15h ngày 26.9.
Đại Lộc đưa người già yếu đi tránh bão. Ảnh: H.L

Bà Trương Thị Minh Phương - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, toàn xã còn hơn 160 nhà ở bán kiên cố, trên địa bàn có rất nhiều vị trí xung yếu sạt lở núi, ven sông. UBND xã, ban dân chính các thôn và tổ xung kích của xã, thôn khẩn trương hỗ trợ di dời đối với những hộ nhà cửa tạm bợ, thiếu kiên cố và vùng có nguy cơ cao đến vị trí an toàn tránh trú bão và mưa lớn.

Bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho biết, ngoài đội xung kích của xã, mỗi thôn cử một tổ xung kích từ 15 đến 20 người hỗ trợ nhân dân ứng phó với bão cũng như ứng cứu kịp thời tại những vùng trũng thấp của thôn mình.

Toàn huyện Đại Lộc còn 3.985 nhà bán kiên cố (tỷ lệ 9,76%), 1.071 nhà thiếu kiên cố (2,62%), 145 nhà đơn sơ (0,35%). Theo khảo sát, tổng sức chứa các công trình được trưng dụng để làm nơi ở di dời dân vùng xung yếu phòng chống thiên tai ước đạt khoảng 10.040 người.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trong ngày 25 - 26.9, huyện đã tăng cường công tác chỉ đạo lực lượng xung kích của huyện và các xã/thị trấn, các đơn vị đã khẩn trương kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán dân khỏi vùng nguy cơ. Đặc biệt ưu tiên sơ tán đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng và việc sơ tán đã hoàn thành trước 15 giờ ngày 26.9.

* Từ sáng sớm nay 27.9, mặc dù trời mưa nhưng thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, Tây Giang) vẫn miệt mài góp sức chằng chống cửa lớp cẩn thận, di chuyển từng bao cát lên mái tôn giúp gia cố trường học an toàn trước khi bão đổ bộ.

nh thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, Tây Giang) tham gia ứng phó bão tại trường học. Ảnh: CTV
Gia cố mái tôn Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, Tây Giang). Ảnh: CTV

Thầy giáo Blúp Hè - giáo viên nhà trường cho biết, ngoài tham gia gia cố trường học, nhà trường còn dự trữ lương thực, thực phẩm, đảm bảo đủ ăn cho học sinh trong thời gian mưa lũ xảy ra. "Mỗi người một tay, chỉ trong buổi sáng nay, thầy và trò đã cơ bản hoàn thành việc chằng chống trường học, cùng các phương án ứng phó trước bão" - thầy Hè cho biết thêm.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay, đến nay, mọi phương án ứng phó với bão đã và đang được địa phương triển khai tích cực. Bên cạnh huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, Tây Giang phân công lực lượng tổng rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở để kịp thời sơ tán dân.

nh thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, Tây Giang) tham gia ứng phó bão tại trường học. Ảnh: CTV
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng hoàn thành công tác ứng phó bão. Ảnh: CTV

"Qua rà soát, toàn huyện có 1.387 học sinh bán trú; trong đó, có 781 học sinh đã được phụ huynh đón về, 606 tiếp tục ở lại bán trú. Hơn 16,5 tấn gạo, cùng 455 thùng mỳ tôm và các thực phẩm ăn khô, mắm muối... được dự trữ tại các trường, đảm bảo phục vụ nhu cầu ăn uống, snh hoạt cho học sinh trong mùa mưa bão" - ông Blúi nói.

* Tại Phước Sơn, để kịp thời ứng phó với bão số 4, cùng với hỗ trợ sơ tán dân đến vị trí an toàn, hàng chục đoàn viên thanh niên xã Phước Chánh cùng nhau giúp các hộ dân thôn 4 thu hoạch lúa mùa trước khi bão đến.

Đoàn viên thanh niên xã Phước Chánh giúp dân thu hoạch lúa mùa trước bão. Ảnh: CTV
Đoàn viên thanh niên xã Phước Chánh giúp dân thu hoạch lúa mùa trước bão. Ảnh: CTV

Theo chị Zơrâm Thị Kim Sa - Bí thư Huyện đoàn Phước Sơn, ngoài tham gia gặt, vận chuyển các bao lúa về tận nhà, Đoàn xã Phước Chánh còn thành lập đội thanh niên xung kích, vận động người dân dự trữ lương thực, thực phẩm tại chỗ, đề phòng mưa lũ cô lập.

"Từ sáng hôm qua 26.9, các cấp đoàn trên địa bàn huyện đã thành lập các đội thanh niên xung kích tình nguyện tại địa phương các xã, chủ động triển khai các nhiệm vụ ứng phó với cơn bão. Ngoài ra, đoàn viên thanh niên còn tham gia vận động và hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán người dân đến nơi an toàn" - chị Kim Sa cho biết thêm.

hanh niên xã Phước Lộc dựng nhà tạm tránh mưa lũ cho người dân địa phương. Ảnh: CTV
Thanh niên xã Phước Lộc dựng nhà tạm tránh mưa lũ cho người dân địa phương. Ảnh: CTV

Trước đó, đoàn viên thanh niên và lực lượng dân quân xã Phước Lộc cũng đã hỗ trợ xây dựng ngôi nhà trú ẩn, đề phòng sạt lở cho người dân tại thôn 3, đảm bảo chỗ ở tạm cho 43 hộ đồng bào địa phương.

* Tại Nam Giang, ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, ngoài dự trữ lương thực đảm bảo trong nhân dân, địa phương chỉ đạo các xã dự trữ thêm 3 tấn lương thực/xã để chủ động trước mưa bão.

Riêng tại các trường học, đến nay đã dự trữ hơn 20 tấn gạo, cùng các nhu yếu phẩm. Ngoài ra, huyện cũng chủ đạo các hàng quán, cơ quan, đơn vị trực thuộc và doanh nghiệp dự trữ hơn 43 tấn lương thực, thực phẩm, đảm bảo phục vụ tại chỗ trong khoảng 25 - 30 ngày nếu xảy ra cô lập.

"Qua rà soát, toàn huyện có 1.641 hộ với 5.947 nhân khẩu dự kiến sẽ được sơ tán đến nơi an toàn phòng tránh bão lũ. Tại Cơ quan Quân sự huyện, đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh ứng phó khi cần thiết. Mọi công tác ứng phó đã được triển khai, đảm bảo lực lượng tại chỗ hỗ trợ ứng phó khi thiên tai xảy ra" - ông Chương nói.

* Tại xã Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP.Hội An), công tác sơ tán dân các thôn sát biển được triển khai gấp rút. Tính đến 15 giờ ngày 27.9 đã hoàn thành sơ tán hơn 150 hộ dân 2 thôn Bãi Làng và Bãi Hương đến nơi an toàn.

Lực lượng vũ trang ở Cù Lao Chàm hỗ trợ người dân đi tránh bão. Ảnh: M.H
Lực lượng vũ trang ở Cù Lao Chàm hỗ trợ người dân đi tránh bão. Ảnh: M.H

Để bảo vệ tài sản của người dân vùng sát biển có nguy cơ bị mưa lũ cuốn trôi, chính quyền xã Tân Hiệp cũng đã huy động cán bộ cùng lực lượng vũ trang đóng chân trên đảo hỗ trợ di dời.

* Nhiều ngày qua, lực lượng bộ độ địa phương, dân quân tại Nông Sơn phối hợp với lực lượng công an, dân quân xung kích đã nhanh chóng triển khai các phương án giúp dân chằng chống nhà cửa, chặt cây cối… hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 4 gây ra.

Để chủ động ứng phó với bão số 4, Ban CHQS huyện Nông Sơn đã triển khai phương châm “4 tại chỗ”. Thiếu tá Đặng Thành Nam - Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Nông Sơn cho biết, 3 ngày qua, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân trên địa bàn đã chia thành từng tổ, nhóm để hỗ trợ người dân các xã Quế Trung, Quế Lộc và Sơn Viên, các trường học trên địa bàn và hỗ trợ người dân di chuyển đến vị trí an toàn. Cũng theo thiếu tá Nam, đơn vị đã triển khai đến các chiến sĩ phân loại phần việc, những việc cấp bách; rà soát những nơi có nguy cơ cô lập, những vùng sâu, vùng nguy cơ ngập nặng tập trung giúp đỡ trước. Hiện, công tác giúp người dân chằng chống nhà cửa đối phó với bão số 4 cơ bản đã hoàn thành. Đơn vị cũng triển khai trực sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời ứng phó khi thiên tai xảy ra và khắc phục nhanh hậu quả sau thiên tai.

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Nông Sơn, cả huyện có 1.605 hộ/5.718 khẩu thuộc diện sơ tán để tránh bão số 4. Trong đó có 1.185 hộ/4.306 khẩu sơ tán xen ghép; có 420 hộ/1.412 khẩu sơ tán tập trung. Công tác sơ tán dân tránh bão tại các vị trí có nguy cơ cao đến nơi an toàn đã cơ bản hoàn thành vào 9 giờ 00 ngày 27.9.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam "chạy đua" trước bão số 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO