Chủ động phòng cháy tại cơ sở và ngay từ đầu là giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu không may xảy ra cháy. Đó là nội dung được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vừa qua.
Nhiều rủi ro khi chuyển công năng
Những rủi ro về cháy nổ được tập trung nhận diện. Ông Huỳnh Ngọc Bá - Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhu cầu về nhà ở cho thuê tại các khu vực có điều kiện kinh tế phát triển, khu công nghiệp, khu chế xuất lớn, nên các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng.
Nhiều căn hộ ở hoặc xây dựng nhà ngăn phòng cho thuê để ở không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC), có nguy cơ mất an toàn cao về cháy nổ trong cộng đồng dân cư.
Theo thống kê, năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 81 vụ cháy, trong đó có 46 vụ cháy trong khu vực dân sự, làm chết 4 người, bị thương 1 người; thiệt hại về tài sản ước tính hơn 18,5 tỷ đồng.
So với năm 2022, số vụ cháy trong khu vực dân sự giảm 69 vụ (46/115 vụ), tăng 4 người chết và 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản giảm hơn 256,9 tỷ đồng. Cháy rừng xảy ra 35 vụ, thiệt hại hơn 91ha rừng...
“Các căn hộ này ban đầu xin cấp phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ, nhưng sau đó chủ đầu tư tự ý chuyển đổi công năng, ngăn chia thành các phòng khép kín cho thuê. Khung pháp lý đối với loại hình nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, nhiều căn hộ chưa thực sự rõ ràng dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý đối với loại hình này.
Qua rà soát, Sở Xây dựng nhận thấy hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nhà ở riêng lẻ, cơ sở tập trung đông người đã thực hiện việc chuyển đổi công năng không đúng với mục đích xin phép xây dựng ban đầu.
Đa số các trường hợp cấp giấy phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ nhưng thực tế sử dụng để kết hợp sản xuất, kinh doanh như trường mẫu giáo, cơ sở mầm non tư thục, karaoke, quán bar, nhà hàng...
Một số công trình thực tế thi công không đúng theo giấy phép xây dựng được cấp và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao” - ông Huỳnh Ngọc Bá nói.
Sở Xây dựng nhận định hầu như tất cả công trình chuyển đổi công năng tại các địa phương được xây dựng trên đất ở và các trường hợp có xin phép xây dựng là nhà ở. Trong khi thực tế, các trường hợp này sử dụng nhà ở kết hợp kinh doanh.
Việc chuyển đổi công năng của công trình từ nhà ở riêng lẻ sang loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh chưa được quy định cụ thể dẫn đến còn lúng túng trong quá trình thực hiện và khó khăn cho công tác quản lý.
Bên cạnh đó, các địa phương chưa kịp thời, chủ động tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình, chưa quyết liệt, chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý, cấp phép xây dựng và kiểm tra việc xây dựng theo giấy phép được cấp, quản lý mục đích sử dụng đất tại địa phương mình, nhất là trong việc quản lý hiện trạng, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Phải giữ lối thoát nạn
Các giải pháp về mặt quản lý nhà nước được nhiều đại biểu đề cập tại hội nghị. Bên cạnh việc tăng cường quản lý, cấp phép, gia tăng việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhiều đại biểu đã phân tích những giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do cháy.
Thượng tá Trần Công Tiết - Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC và CHCN) Công an tỉnh cho hay, hiện nay toàn tỉnh có hơn 10 nghìn cơ sở (là nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh) do UBND cấp xã, phường quản lý về PCCC.
Nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh là nơi xảy ra nguy cơ cháy cao, do chủ cơ sở ưu tiên tối đa cho kinh doanh, khi có sự cố cháy không có lối thoát nạn, gia tăng nguy cơ chết người.
“Các địa phương cần quan tâm chỉ đạo quản lý chặt chẽ và hướng dẫn các giải pháp PCCC cho loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, lưu ý chủ cơ sở phải giữ lối thoát nạn để giảm thiểu thiệt hại về người khi có cháy.
Ngoài ra, các công trình đầu tư công như trường học, cơ sở y tế, theo quy định pháp luật, chủ đầu tư phải chấp hành các quy định về thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC. Tuy nhiên các công trình này khi kiểm tra, đều không đủ các điều kiện về PCCC.
Do đó, các địa phương phải lưu ý đối với các trường học, cơ sở y tế được đầu tư, cần xem xét đáp ứng đủ các tiêu chí, yêu cầu thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào sử dụng” - Thượng tá Trần Công Tiết nói.
Biểu dương những kết quả đáng mừng trong công tác PCCC và CNCH năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhận định các địa phương, sở ngành bước đầu có sự quan tâm đúng mức đến công tác PCCC và CNCH. “Đề nghị thời gian tới, cần quan tâm triển khai sâu rộng mô hình hay, như phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Tổ liên gia an toàn PCCC”.
Bên cạnh trang thiết bị, cũng phải hướng đến mục tiêu mỗi gia đình có ít nhất một thành viên được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng xử lý sự cố cháy ban đầu. Không ai phòng cháy, chữa cháy nhanh, tích cực bằng chính lực lượng tại chỗ.
Công tác kiểm tra phải được duy trì, không làm khó người dân, nhưng cũng phải đảm bảo quy định của pháp luật, lo xa để chấp hành tốt các quy định lẫn khuyến cáo của cơ quan chức năng, giảm nguy cơ, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại nếu không may xảy ra cháy” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chỉ đạo.