Cần thiết phải có một đề án đầu tư nâng cấp, tạo đột phá cho phát triển cơ sở vật chất nhằm chuẩn hóa trường THPT trên địa bàn tỉnh.
18% trường THPT đạt chuẩn
Trong những năm qua, hệ thống mạng lưới trường, lớp bậc THPT được đầu tư phát triển đều khắp trên địa bàn Quảng Nam. Cả tỉnh hiện có 50 trường THPT, 4 phổ thông DTNT với hơn 48,6 nghìn học sinh theo học.
Ở các huyện đồng bằng, thị xã, thành phố có từ 3-5 trường THPT, còn các huyện miền núi cao có ít nhất 2 trường THPT, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em các địa phương. Quảng Nam là đơn vị nằm ở tốp các tỉnh có quy mô trường, lớp bậc THPT lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở GD-ĐT, qua khảo sát toàn tỉnh hiện có 17 trường (tỷ lệ 32%) có phòng học sử dụng hơn 20 năm nay đã xuống cấp, diện tích phòng học không đủ theo quy định.
Cá biệt, có một số trường đưa vào sử dụng gần 40 năm như Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn (năm 1985), Phổ thông THPT DTNT tỉnh (1990) hay 30 năm như THPT Trần Hưng Đạo - Hội An (1994).
Tổng cộng, cả tỉnh có có 501 phòng học và 70 phòng hỗ trợ học tập (thư viện, phòng thiết bị…) xuống cấp cần xây dựng thay thế. Cạnh đó, nhiều trường không đủ diện tích theo quy định.
Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ, thực trạng cơ sở vật chất các trường THPT trên địa bàn tỉnh hiện nay là yếu nhất trong các cấp học.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia THPT mới chỉ có 18% (10/55 trường) trong khi toàn hệ thống là 61% (445/726 trường). Số trường quá niên hạn sử dụng, xuống cấp, không đủ diện tích khá nhiều; chưa kể, do xây dựng đã lâu, nên đa số trường THPT chưa có quy hoạch mang tính tổng thể; phòng học, phòng chức năng, khuôn viên, sân chơi, bãi tập chưa đảm bảo theo yêu cầu tại Thông tư số 13 (26/5/2020) của Bộ GD-ĐT về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT.
Mục tiêu 60% trường chuẩn hóa năm 2030
Từ thực trạng đó, theo ông Tường, cần thiết phải có một chương trình đầu tư bài bản nhằm tạo đột phá phát triển cơ sở vật chất, chuẩn hóa trường THPT trên địa bàn tỉnh và điều này đã được Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết kết luận tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT.
Đồng thời để bảo đảm điều kiện tối thiểu cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông, hướng đến mục tiêu tăng dần tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2, phấn đấu đến năm 2030 có 60% trở lên trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Qua đó, tạo ra môi trường giáo dục đồng đều giữa các địa bàn, cơ hội bình đẳng về điều kiện tiếp cận giáo dục cho học sinh ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, khắc phục khoảng cách chênh lệch về điều kiện cơ sở vật chất giữa miền núi, vùng dân tộc với miền xuôi.
Với bức tranh trường THPT hiện nay, theo Sở GD-ĐT, trong giai đoạn tới nhu cầu bức xúc nhất tại Điện Bàn là thành lập thêm 1 trường THPT mới ở vùng Đông và xây dựng cơ sở mới để chuyển đổi vị trí Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu.
Cụ thể, dân số khu vực vùng Đông Điện Bàn (Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Dương) với hơn 72 nghìn người (năm 2022) và số học sinh trong độ tuổi theo học THPT tại đây tăng rất nhanh qua các năm học.
Trong khi đó, toàn vùng chỉ có Trường THPT Lương Thế Vinh không thể đáp ứng nhu cầu. Đề án thành lập trường vùng Đông đã được UBND thị xã Điện Bàn xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 199 tỷ đồng.
Điện Bàn cũng đã có đề án đầu tư hơn 125 tỷ đồng xây dựng cơ sở mới để chuyển đổi vị trí Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và diện tích không đáp ứng.
Bên cạnh đó, 49 trường học cần mở rộng diện tích, sửa chữa, xây thêm phòng học, phòng chức năng và công trình phụ trợ. Theo đề án do Sở GD-ĐT xây dựng, tổng mức đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 là 1.328 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách trung ương và tỉnh 1.249 tỷ đồng, ngân sách địa phương cấp huyện hơn 79 tỷ đồng.
Theo ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, bình quân giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn đầu tư công ngành GD-ĐT mỗi năm 300 tỷ đồng nên tổng mức đầu tư giai đoạn tới như đề án là không nhiều.
Hơn nữa, tỉnh chỉ đạo ưu tiên cho giáo dục và y tế nên sở sẽ xem xét bố trí cho các dự án đầu tư mới. Tuy nhiên, giai đoạn đầu tư 2026 - 2030 chưa có cơ sở tham mưu kế hoạch bao nhiêu tiền vì hiện nay không biết nguồn cụ thể. Riêng 2 dự án xây mới trường vùng Đông Điện Bàn và Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, Sở GD-ĐT nên làm dự án báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư sớm trong giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn tại buổi làm việc mới đây đã thống nhất đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp với Sở KH-ĐT xác định nguồn vốn, hạng mục đầu tư cụ thể cho giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời lưu ý rà soát vấn đề quy hoạch đối với các dự án thành lập trường mới, đầu tư xây dựng mới phải toàn diện, đồng bộ; phân kỳ đầu tư đảm bảo tính hợp lý, phục vụ yêu cầu trường chuẩn.