Quảng Nam có hơn 2.000 trạm thu phát sóng di động đến năm 2018 và sóng di động đã phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đó là thông tin được Sở TT-TT đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ lĩnh vực bưu chính - viễn thông vào cuối 3.2019.
Xây dựng các trạm BTS thân thiện với môi trường là xu hướng của ngành thông tin & truyền thông Quảng Nam hướng tới. (Ảnh minh họa) |
Theo đó, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh phát triển được 2.035 trạm thu phát sóng di động (BTS). Hiện, sóng thông tin di động đã phủ sóng đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đường truyền cáp quang 96% số xã (10 xã chưa có cáp quang đến gồm: Tân Hiệp (Hội An), Trà Linh, Trà Vân, Trà Cang (Nam Trà My), Phước Thành (Phước Sơn), Đắc Tôi, Chơ Chun (Nam Giang), La Êê (Đông Giang), Ch’ơm, Gari (Tây Giang).
Toàn tỉnh hiện có 1.188.209 thuê bao điện thoại (trong đó số thuê bao điện thoại cố định là 26.226 thuê bao, số thuê bao điện thoại di động là 1.161.983 thuê bao), mật độ điện thoại trên toàn tỉnh là 73,77 máy/100 dân (trong đó: mật độ điện thoại cố định là 1,63 máy/100 dân, mật độ điện thoại di động 72,14 máy/100 dân). Số thuê bao internet là 159.764 thuê bao. So với cùng kỳ năm 2017, thuê bao điện thoại giảm 1%, thuê bao internet tăng 14%, trong đó số lượng thuê bao điện thoại giảm 11.090 thuê bao (cố định giảm: 7.448 thuê bao, di động giảm: 3.642 thuê bao), thuê bao internet tăng 19.435 thuê bao... Tổng doanh thu ngành viễn thông của tỉnh năm 2018 đạt 1.402 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương 94 tỷ đồng. Hiện, nhà mạng Viettel đã chiếm 46,6% thị phần thuê bao di động toàn tỉnh, tiếp đến là Mobifone (36.3%), còn lại là VNPT và Vietnam Mobile, Gtel. Về thuê bao cố định và internet, nhà mạng VNPT dẫn đầu về thị phần toàn tỉnh với tỷ lệ tương ứng là 84,1% và 59.8%...
Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT thông tin, thuê bao điện thoại cố định giảm do nhu cầu chuyển sang thuê bao di động tăng, đồng thời việc triển khai các chính sách mới về khuyến mãi giá cước, thuê bao di động trả trước đã góp phần giảm thuê bao di động ảo trên thị trường. Thời gian qua, chất lượng và mạng lưới đường truyền ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết; đảm bảo phục vụ kịp thời thông tin liên lạc cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trong phòng chống thiên tai bão lũ… Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển bưu chính - viễn thông trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại. Đó là việc chỉnh trang ngầm hóa hạ tầng mạng cáp còn chậm; việc tuân thủ các quy định quản lý nhà nước về phát triển hạ tầng viễn thông, dịch vụ viễn thông chưa nghiêm túc; tỷ lệ thuê bao chuyển mạng thành công còn thấp; công tác báo cáo của các doanh nghiệp còn chậm trễ…
Theo bà Quyên, năm 2019, Sở TT-TT chú trọng lập và triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông năm 2019, phát triển hạ tầng BTS đến các huyện miền núi như Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Bắc Trà My… Triển khai thực hiện xây dựng trạm BTS ngụy trang, thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về quản lý thuê bao di động trả trước, khuyến mãi cước, chuyển mạng giữ số, chuyển đổi mã mạng trên địa bàn. Quản lý việc đầu tư, thiết lập các trạm wifi công cộng trên địa bàn; triển khai mạnh hệ thống nhắn tin cho cộng đồng phục vụ phòng chống lụt bão. Thực hiện tốt công tác thanh kiểm tra, quản lý số liệu về hạ tầng viễn thông; phối hợp với doanh nghiệp rà soát, cập nhật toàn bộ dữ liệu trạm BTS…
HOÀNG LIÊN