Quảng Nam - Đà Nẵng hỗ trợ nhau phát triển

HÀN GIANG 21/03/2016 08:39

“Sự phát triển của Quảng Nam cũng chính là sự phát triển của Đà Nẵng và ngược lại. Với nhận thức đó, thời gian qua hai địa phương luôn quan tâm hợp tác, hỗ trợ nhau và cả hai đều đã đạt những bước phát triển nhanh như hiện nay”. Đó là nhìn nhận chung của lãnh đạo TP.Đà Nẵng và Quảng Nam tại hội nghị bàn về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương được tổ chức cuối tuần qua tại TP.Tam Kỳ.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Các đồng chí Nguyễn Xuân Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Nguyễn Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cùng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam - Phan Việt Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đinh Văn Thu; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng - Võ Công Trí; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ và lãnh đạo các sở, ban, ngành của hai địa phương.

Đánh giá tình hình hợp tác, hỗ trợ thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhìn nhận: “Qua 8 năm triển khai thực hiện Kết luận 08-KL/TUĐN-TUQN ngày 1.11.2007 của Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam, hai địa phương đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác liên kết, hợp tác, hỗ trợ phát triển kinh tế, du lịch, xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, kiểm soát và khai thác tài nguyên khoáng sản, phát triển giáo dục, y tế, đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Hai bên phối hợp lập, quản lý quy hoạch và khai thác, đầu tư đồng bộ, sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng kỹ thuật giữa hai địa phương. TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ ngân sách để Quảng Nam thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo cam kết. Hai địa phương luôn giữ gìn truyền thống đoàn kết, gắn bó vốn có”.

Liên kết từ hạ tầng

Hai địa phương xác định việc liên kết hạ tầng là điều kiện quan trọng, tạo động lực để thúc đẩy Quảng Nam - Đà Nẵng cùng phát triển. Vì vậy, trong những năm qua, TP.Đà Nẵng đã duy trì tốt chính sách hỗ trợ vốn đầu tư cơ bản cho Quảng Nam. Giai đoạn 2008 - 2016, Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 51 tỷ đồng để Quảng Nam thực hiện các công trình: nâng cấp tuyến đường ĐT605 đoạn qua xã Điện Hòa - Điện Tiến, xây dựng cầu Cẩm Lý (Điện Bàn). Theo định hướng, trong thời gian tới, hai địa phương sẽ cùng phối hợp tranh thủ hiệu quả các nguồn vốn của trung ương để đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch như quốc lộ 14B, 14D, 14G nhằm tạo sự liên kết đồng bộ về giao thông.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Nguyễn Ngọc Quang và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Xuân Anh ký kết biên bản hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương. Ảnh: H.GIANG
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Nguyễn Ngọc Quang và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Xuân Anh ký kết biên bản hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương. Ảnh: H.GIANG

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đánh giá cao những hỗ trợ của Đà Nẵng đối với sự phát triển của Quảng Nam, nhất là về hạ tầng giao thông. Đồng thời cho biết, quan tâm lớn nhất của Quảng Nam hiện nay là tập trung các nguồn lực để sớm hoàn thành dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn thuộc địa bàn tỉnh. Dự án này chính là tâm huyết cũng là kỳ vọng của lãnh đạo hai địa phương, bởi khi hoàn thành sẽ mở ra các cơ hội thu hút đầu tư, hình thành không gian đô thị liên vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở khu vực phát triển nhanh, bền vững. Đến nay, đoạn sông Cổ Cò thuộc địa bàn TP.Đà Nẵng cơ bản đã hoàn thành. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói: “Hiện nay, Quảng Nam đã hoàn thành việc xây dựng quy hoạch và cắm mốc xác định ranh giới thực địa. Đoạn sông Cổ Cò thuộc địa bàn tỉnh dài 19,7km, tỉnh giao cho 3 đơn vị doanh nghiệp làm trước 6km. Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu họ vận chuyển cát từ nơi khác tới san lấp, chi phí sẽ thấp hơn một nửa so với chi phí bỏ ra nạo vét, hút cát từ lòng sông Cổ Cò lên san lấp. Kinh phí thực hiện bồi thường giải tỏa đất cho người dân bị ảnh hưởng dự án lớn… Khó khăn của tỉnh hiện nay là vấn đề về nguồn vốn thực hiện dự án. Quảng Nam đang tìm các giải pháp tháo gỡ và mong muốn Đà Nẵng có sự hỗ trợ để sớm triển khai thực hiện hiệu quả dự án này”.

Giai đoạn 2008 - 2016, TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ Quảng Nam 141,36 tỷ đồng để xây dựng, cải thiện nhà chính sách, nhà tình nghĩa; xây dựng tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, đền tưởng niệm, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; một số trường mẫu giáo; ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em nghèo mắc bệnh tim...

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bày tỏ, về địa giới hành chính, Quảng Nam và Đà Nẵng độc lập nhau nhưng trong tâm thức mỗi người thì hai địa phương vẫn là một. Để phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh, nhất là các vùng giáp ranh Đà Nẵng - Hội An và Đà Nẵng - Điện Bàn, hai địa phương cần tiếp tục chung tay xây dựng quy hoạch trên các mặt theo định hướng hình thành “không gian phát triển kinh tế - xã hội liên vùng”. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông thật tốt để thu hút đầu tư. “Với điều kiện hiện nay, dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò nên thực hiện theo hình thức đầu tư hợp tác công tư. Quảng Nam tính toán, có báo cáo chi tiết các số liệu liên quan và Đà Nẵng sẽ có sự chia sẻ về nguồn tài chính để sớm triển khai hoàn thành dự án” - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề xuất.

Cùng ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, việc mở rộng cửa vào sông Vĩnh Điện tại Câu Nhí để tăng lưu lượng cho sông Vĩnh Điện nhằm đẩy mặn theo đề xuất của Đà Nẵng là không khả thi. Lạch từ cửa Câu Nhí đến nhập vào sông Vĩnh Điện dài khoảng 1,5km hiện bị bồi lấp và đã hình thành khu dân cư, đất sản xuất của nhân dân làng Bất Nhị (Điện An, Điện Bàn). Nếu nạo vét để tăng lưu lượng về sông Vĩnh Điện cũng không có khả năng đẩy mặn do lưu lượng nước trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy về mùa kiệt khoảng 60 - 80m3/s. Hơn nữa khi nạo vét sẽ tạo thành dòng chảy, trong mùa mưa sẽ gây xói lở rất mạnh tại khu vực, dẫn đến mất đất sản xuất và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân làng Bất Nhị. “Hiện nay, độ mặn trên sông Thu Bồn về mùa hè đã thường xuyên xâm nhập đến trên cầu Câu Lâu tỷ lệ 1/1.000, ảnh hưởng đến các trạm bơm khu vực Duy Xuyên. Nếu lưu lượng hiện nay phân chia về sông Vĩnh Điện thì mặn sẽ xâm nhập sâu trên Câu Lâu và các trạm bơm ở Duy Xuyên không hoạt động được” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, phục vụ sinh hoạt của người dân các huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và TP.Đà Nẵng, lãnh đạo hai địa phương thảo luận, thống nhất đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu giải pháp công trình và đầu tư kinh phí để xây dựng các công trình đảm bảo điều tiết hài hòa nguồn nước cho hai khu vực ở hạ du và đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Cùng với đó, phối hợp giám sát các thủy điện việc chấp hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Đồng thời xem xét và lấy ý kiến của cả hai địa phương và các cơ quan liên quan của trung ương đối với việc quản lý các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất có nguồn xả thải vào hạ lưu sông. “Tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt. Để ứng phó tốt, hai địa phương cần tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết, xử lý các vấn đề có liên quan. Hai địa phương cùng dùng chung nguồn nước thì cả hai cùng có trách nhiệm” - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói.

Thay mặt lãnh đạo hai địa phương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Xuân Anh và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang đã ký kết biên bản hợp tác, hỗ trợ giữa Quảng Nam và Đà Nẵng. Các đồng chí lãnh đạo hai địa phương tin tưởng, trong nhiệm kỳ phát triển mới, với khí thế mới, động lực mới, mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam - Đà Nẵng hỗ trợ nhau phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO