Xâm phạm hạ tầng đường bộ làm giảm tuổi thọ công trình, lãng phí kinh phí đầu tư và tác động xấu đến sự an toàn của người điều khiển phương tiện; vì vậy, việc bảo vệ hạ tầng đường bộ cần được quan tâm đúng mức.
Đủ dạng vi phạm
Qua địa phận huyện Duy Xuyên, nhiều đoạn tường hộ lan mềm ven tuyến quốc lộ (QL) 14H “không cánh mà bay”. Tiêu phản quang gắn trên tường hộ lan cứng dọc QL14B, đoạn qua Đại Lộc và Nam Giang bị tháo gỡ.
Trên QL1 mở rộng, tấm chắn sáng nằm trên dải phân cách giữa có một số chỗ bị tháo gỡ... Những hành vi vi phạm này không chỉ gây thất thoát tài sản của Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông.
“Tiêu phản quang bị mất gây khó khăn cho tài xế trong xác định hướng đi an toàn, nhất là trong điều kiện mưa hay sương mù, qua đoạn đường cong cua trong lúc lưu lượng xe tải, xe container trên QL14B gia tăng cao” - Phó Giám đốc Sở GTVT, ông Trần Ngọc Thanh cảnh báo.
Đại diện Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) từng phản ánh, một số dự án do địa phương làm chủ đầu tư thi công đấu nối vào QL hoặc làm công trình trong hành lang an toàn đường bộ.
Tuy nhiên, chủ đầu tư lại không thực hiện thủ tục đề nghị cấp phép theo quy định, do vậy việc xử lý vi phạm gặp khó khăn. Đơn cử, đường vào nghĩa trang tại lý trình km1333+800, đường Hồ Chí Minh qua xã Cà Dy (Nam Giang); đấu nối tại lý trình km65+570 trên QL14G (Đông Giang).
Khai thác gỗ keo hiện nay chưa được các địa phương quản lý, người dân tự ý mở đường đấu nối từ QL vào rẫy keo để khai thác gây hư hỏng công trình đường bộ.
Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình Giao thông vận tải Quảng Nam - ông Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận, mở đường khai thác gỗ keo sẽ tạo nên “suối nhân tạo”. Vào mùa mưa bão, nước theo đó chảy ào xuống kéo đất đá sạt lở làm hỏng taluy dương, tràn ra lòng đường gây mất an toàn giao thông (ATGT).
Thực tế cho thấy, vi phạm về hành lang an toàn đường bộ, nhất là trên các tuyến QL, đường tỉnh đã làm hư hỏng kết cấu đường, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông, phát sinh thêm “điểm đen”.
Các vi phạm chủ yếu là xây dựng lều quán, tường rào, cổng ngõ; kiên cố mặt đường dân sinh hiện trạng; san lấp mặt bằng lấn chiếm hành lang đường bộ; tập kết vật liệu trái phép…
Đặc biệt, ô tô chở hàng hóa quá tải trọng cho phép khiến cầu, đường nhanh xuống cấp, giảm tuổi thọ và gây mất ATGT, đe dọa tính mạng người đi đường.
Cần hành động quyết liệt
Hơn tuần qua, Tổ liên ngành kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh năm 2024 làm nhiệm vụ tại lý trình km0+400 của tuyến QL14D (Nam Giang). Tổ gồm lực lượng Thanh tra Sở GTVT và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh.
Giám đốc Sở GTVT - ông Văn Anh Tuấn cho biết, việc ký kết và triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành nhằm thực hiện kịp thời, đầy đủ chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về tăng cường kiểm soát tải trọng xe, đảm bảo trật tự ATGT và góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự ATGT đường bộ; ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật của lái xe, chủ xe, người xếp hàng hóa lên phương tiện và các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Ghi nhận thực tế, phương tiện lưu thông trên QL14D đông, nhiều nhất là xe chở quặng (xe trên 5 trục, tổng trọng lượng khoảng 48 tấn) từ Lào sang Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang với khoảng 250 lượt xe/ngày.
Một thanh tra viên cho biết, có 11 đơn vị kinh doanh vận tải nhận vận chuyển quặng lưu thông qua QL14D, đi về các cảng Chu Lai, Đà Nẵng, Chân Mây (Thừa Thiên Huế). Khi triển khai cân, hầu hết phương tiện đều không vượt quá tải trọng cho phép.
Vì vậy, một nhà chuyên môn chia sẻ, việc tuyến QL14D xuống cấp trầm trọng như vậy là do thời gian khai thác đã quá lâu, cộng thêm lưu lượng xe tải nặng tăng đột biến khiến đường càng hư nhanh hơn.
Ông Trương Văn Sơn - Chánh Thanh tra Sở GTVT cho hay, lực lượng liên ngành bố trí 10 ngày/tháng phối hợp kiểm soát tải trọng xe; mỗi ngày chia 3 ca kiểm soát 24/24 giờ.
Ngoài tuyến QL14D, tổ sẽ triển khai nghiệp vụ trên các tuyến đường có lưu lượng vận tải hàng hóa cao, như QL14B (Đại Lộc - Nam Giang), QL14E (Thăng Bình - Phước Sơn), QL40B (Tam Kỳ - Nam Trà My).
Để tăng cường kiểm soát tải trọng xe, lực lượng chức năng của tỉnh, của huyện khi tuần tra kiểm soát có thể dùng cân xách tay để cân xe có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định.
Lực lượng thanh tra sẽ tham mưu Sở GTVT đôn đốc UBND cấp xã, cấp huyện tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm theo Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ban hành tại Quyết định số 2117 ngày 5/10/2023 của UBND tỉnh.
Ngành phối hợp tăng cường phổ biến nội dung quy chế này đến chính quyền địa phương cấp xã và người dân sinh sống dọc các tuyến đường để biết, chấp hành...