(QNO) - Năm 1914, tập sách Hướng dẫn du lịch Trung Kỳ (Guide de l’Annam) do P.Eberhard biên soạn, được xuất bản tại Paris. Nội dung tập sách ghi rõ lộ trình tham quan theo chiều Nam - Bắc, từ Bình Thuận đến Thanh Hóa, trong đó tỉnh Quảng Nam có nhiều thông tin sinh động.
Tập sách đề cập những nơi đến thú vị tại Quảng Nam với 10 điểm, chúng tôi xin giới thiệu như sau[1]:
1. Cù Lao Chàm: Ra đảo bằng thuyền hay sà lúp, xuất phát từ Cửa Đại sau 1 hay 2 giờ thì tới đảo. Dân cư thưa thớt, chí có mấy làng chài, tại đây có các tổ yến rất được ưa chuộng, hằng năm khai thác loại yến sào đem về một khoản thi đến 20.000$.
Truyền thuyết của Trung Quốc cho rằng, các nhà vua Chăm xây dựng cung điện để nghỉ mát trên một đỉnh núi mà ngày nay ta leo đến nơi cũng hết sức khó nhọc.
2. Đến khu phế tích Tháp Chàm Đông Dương Đây là phế tích của tu viện Phật giáo chỉ cần từ 1 giờ đến 1 giờ 30 đi ô tô từ phủ Thăng Bình là đến nơi. Tốt nhất là đem theo thức ăn trưa rồi trở về Hội An ăn tối.
Toàn bộ khu tháp gồm có 3 phần nằm theo trục chính Đông - Tây. Tháp trung tâm nằm giữa 4 đền cùng trên một nền đất cao, có tường bao bọc xung quanh. Bảy ngôi đền nhỏ, 2 tháp, 1 dãy sân nối tiếp nhau đến cổng chính có 2 cột tháp. Cách 800m đi dọc theo một bờ cao là một vành đai hình chữ nhật mà bờ đất còn rõ ràng. Những tranh khắc và những bức tượng trống rất hấp dẫn.
3. Khu phế tích tháp Chàm Mỹ Sơn: Vành đai Mỹ Sơn nằm cách Thu Bồn khoảng 15 km, đây là trung tâm thủ đô của các triều đại người Chăm, hiện nay còn lại những phế tích quan trọng. Tại Mỹ Sơn - nói chính xác hơn - vòng cung Mỹ Sơn có 68 đền đài hiện còn cả một cụm di tích vô cùng quan trọng. Các đền đài phân bổ thành 8 cụm trên một vùng đất không cao ở cuối thung lũng.
Do được gìn giữ nên ta có thể ngắm nhiều tượng còn hoàn chỉnh, những nét chạm tinh tế kỳ lạ chưa từng thấy những đền đài, những phòng rất lớn. Mỹ Sơn là Angkor của Việt Nam.
4. Phú Lâm: Tại đây có một đồn lính khố xanh, cách đường cái quan (quốc lộ 1 ngày nay) men theo sườn núi, xe kéo đi được vào mùa khô, các thửa ruộng bậc thang trông thật đẹp mắt và đây là một vùng đất trù phú.
5. Tam Kỳ: Đồn hành chính nằm trên đường cái quan cách Hội An 54km, trung tâm của người bản xứ và người Hoa nằm giữa huyện lỵ Hà Đông xưa, cũng là một vùng đất trù phú. Hãng Dérobert và Fiard cùng hãng Laroy có cơ sở chế biến chè tại đây.
Từ Tam Kỳ ta có thể đi tham quan cụm tháp Chiên Đàn (cách Tam Kỳ 8km về phía Bắc theo đường cái quan) và tháp Khương Mỹ - Phú Hưng cách 2km tên đường cái quan theo hướng đi Quảng Ngãi, rồi có thể đi đến Bồng Miêu.
6. Tam Kỳ - Mỏ vàng Bồng Miêu 28km: Những mỏ vàng này do Công ty Mỏ Bồng Miêu khai thác. Đây là một vùng núi đẹp đáng được tham quan. Toàn bộ vùng mỏ đều có điện, là nơi độc nhất ở Đông Dương. Lợi nhuận hàng năm từ 400.000 đến 500.000 Franc.
Công ty mỏ Bồng Miêu khai thác mỏ vàng gần làng cùng có tên là Bồng Miêu, một mỏ cũ của người An Nam đã bỏ hoang từ 40-50 năm qua. Dấu vết khai thác còn để lại rất nhiều nơi chứng tỏ việc khai thác từ trước tại đây là rất quan trọng.
Dân địa phương chia khu vực để đãi vàng tự nhiên ở các dòng sông tùy theo con sông có nhiều hoặc ít vàng, loại vàng này từ dãy Trường Sơn chảy xuôi theo dòng sông. Họ vẫn chưa biết cách đãi vàng bằng “máng gỗ” mà họ chỉ dùng cái khay: nhiều người bản xứ vẫn dấn thân vào việc tìm kiếm vàng song chẳng còn có bao nhiêu. Công ty hiện nay có khoảng 500 phu người An Nam.
Đi đến mỏ thì từ Đà Nẵng một cửa biển gần mỏ nhất ta đi đường bộ theo đường cái quan vào đến Tam Kỳ rồi đi vào con đường thẳng góc với đường cái quan vượt qua 27km là đến nơi. Có thể đi ô tô hoặc các phương tiện khác vì đường dễ đi, song về mùa mưa hãy thận trọng đừng mạo hiểm đi xe kéo.
Đoạn đường từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ là 70 km như vậy toàn chặng đường từ Đà Nẵng đến Bồng Miêu tính số tròn là 100km.
Đi theo dọc đường cái quan trong sự đơn điệu song cũng có sự mê say: trên đoạn đường 70km mà trước đây phải đi qua 5 bến đò, có 2 đò vượt sông rộng 300m và 500m, nay chỉ còn 3 đò và đến cuối năm 1914 thì chỉ còn lại 2 con đò mà thôi.
Đi ô tô thì mất hết 4 giờ nếu không bị trễ đò, còn đi xe kéo phải mất đến 12, 13 tiếng đồng hồ nếu không dừng chân tại Tam Kỳ. Nếu đoạn đường từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ chẳng có gì đẹp, thì đoạn đường từ Tam Kỳ đến mỏ Bồng Miêu là một vùng hết sức hoang vu không chỉ của xứ An Nam mà ta có thể so sánh chẳng hạn với vùng Lozère[2] hay là vùng đèo Ramanche[3] ở vùng Dauphiné[4].
Việc tham quan mỏ Bồng Miêu đối với những nhà chuyên môn rất có lợi còn đối với những nhà ngoại đạo chẳng thấy gì thích thú, song sẽ ngạc nhiên và sững sốt được khám phá một vùng xa dân cư, thấy được phương pháp chuyên nghiệp của người Pháp trong việc khai thác với những máy móc mới nguyên mà người ta đã từng thấy được trang bị ở các hầm mỏ ở châu Mỹ chẳng hạn. Việc khai thác bằng cách đào các hầm ở sườn các đồi nhỏ làm lộ ra các quặng thạch anh hoàng thiếc, xuyên ngang qua dãy núi tên là Núi Kẽm.
Có trên 15 hầm chưa kể hàng trăm giếng với các đường xuống giếng có độ sâu khác nhau do người An Nam đào. Vùng khai thác nằm trên độ cao trên 100m so với vùng đồng bằng. Tại đây có nhà máy xử lý nguyên liệu đặt trong 3 hầm có chiều dài 300m, 600m và 350m.
Người ta nổ mìn để tạo ra những lỗ đặt mìn người ta dùng người bản xứ để đục, còn nơi nào cứng quá thì dùng máy khoan vì dùng sức thủ công sẽ tốn kém và kéo dài thời gian. Việc vận chuyển quặng từ hầm mỏ về nhà máy nhờ phương tiện đường sắt trên cao vận hành tự động nhờ vào trọng lực với năng suất 200 tấn/24 giờ. Quặng đưa vào máy nghiền thành hạt nhỏ có kích thước khoảng 1mm đường kính có một phần cát quặng được đổ vào một thùng to có đường kính đến 7m, dùng một hỗn hợp xyanua để chiết xuất thành 2 thứ vàng và bạc. Đáy của các thùng chứa có bộ phận lọc lấy bùn loại quí, nước chảy từ từ vào các thùng gỗ qua các phôi kẽm đọng lại thành một thứ bột đen.
Cứ 4 tuần người ta thu loại bột này đưa về phòng thí nghiệm để đúc thành vàng thỏi để gửi về Pháp mà không còn cần một thao tác nào nữa. Số quặng đưa về máy xay quặng hàng năm lên đến 27.000 tấn.
Người ta dễ dàng nhận thấy việc khai thác, vận chuyển, chiết xuất quặng cần một số lớn vật liệu và năng lượng để phục vụ cho số đông người Âu và một người bản xứ điều hành. Giá cước vận chuyển than từ Đà Nẵng đến mỏ khá đắt cùng với giá than khá cao nên người ta nghĩ đến khai thác điện từ các dòng sông để vận hành máy nghiền, máy nén hí, máy tời. Đến thời điểm này, người ta chỉ mới sử dụng thác nước ở gần nhà máy. Song mùa hè thiếu nước, không có điện nên công nhân không có việc làm, xí nghiệp thiệt hại nặng.
Trong thung lũng nơi có rất nhiều cơ sở của mỏ, có nhà máy lại nằm trên dòng sông Vàng. Tại đây đã xây dựng một thủy điện để phân phối điện đến các nơi cần thiết. Thủy điện này có công suất khoảng 175 mã lực, đường dây truyền điện dài hơn 2km, dây chính bằng nhôm, các đường dây phân phối bằng đồng. Tóm lại tất cả máy móc ở đây đều sử dụng điện chỉ trừ đường cáp treo sử dụng trọng lực để vận hành.
7. Mõ kẽm Đức Bố: Cách Tam Kỳ 12km trước đây là của hãng than Dock nay do ông Brizard ở Đà Nẵng khai thác. Đây là một vùng đất gồ ghề, có nhiều thú săn, cọp cũng như ở Bồng Miêu, các loài khác cũng còn nhiều.
8. Trà Kiệu - Cố đô Chăm: Tất cả những tác phẩm đẹp thu được tại cố đô Chàm đã chuyển về Đà Nẵng. Chỉ còn lại vài bức tượng đẹp, các tác phẩm khắc chìm cũng rất hấp dẫn. Một trong các bức tượng đó hiện ở trong vườn nơi mà cha đạo Bruyère ngồi nói chuyện với con chiên. Tại đây có thể đi Mỹ Sơn hoặc theo đường đến Thu Bồn.
9. Trà My: Đồn khố xanh, cách Tam Kỳ 60km. Đoạn đường rất đẹp, có thể đi kiệu đến làng Bà Đôn rồi đi ngược sông Thu Bồn qua Phước Sơn với những con thuyền nhỏ đi qua các đoạn sông có đập rồi đến Thạch Bích dừng lại mỏ than Nông Sơn rồi về lại Hội An bằng thuyền cũng theo dòng sông Thu Bồn.
Cũng có thể đi đến Nông Sơn theo đường ngược chiều qua Quảng Huế, đến xưởng tơ tằm Delignon của Bình Định.
Đoạn đường này có thể đi đò hay xe kéo trên đường đi đến huyện Đại Lộc rồi đến đồn khố xanh An Điềm tại vùng Mọi. Gần An Điềm có nhà máy nước của M. Belle ở độ cao 12m với 4 máy bơm công suất 500 m3/giờ để tưới ruộng.
10. Mỏ than Nông Sơn: Ông Brizard mua lại của hãng than Docks, cung cấp than cho Trung Quốc ngày càng đòi hỏi nhiều. Trước đây có 30 người Âu, mà nhà ở của họ vẫn còn. Đây là nơi có thể săn bắn cọp và cả tây ngu, phong cảnh tuyệt đẹp.
Ngày 13 tháng 2 năm Tự Đức thứ 34 nhằm ngày 12/3/1881, nhà vua đã nhường lại mỏ than Nông Sơn ở Quảng Nam cho một nhà kinh doanh Trung Quốc cần chất đốt để sản xuất thủy tinh và đúc tiền ở Quảng Đông và cho việc đun nấu ăn ở Thượng Hải vì giá than củi ở đây quá đắt đỏ.
Tháng 7/1889, chính quyền An Nam phê chuẩn việc chấm dứt quyền thương mại của nhà buôn Trung Quốc để chuyển cho một nhà buôn Pháp ở Bắc Kỳ để thành lập “Hội than đá Đà Nẵng”. Tiếp theo Hội này là “Hội than đá Docks Đà Nẵng” còn hiện nay thì ông E. Brizard là chủ mỏ Nông Sơn.
Đây là loại than gầy đốt không khói, dùng cho việc đun các nồi hơi ở tàu thủy. Chất lượng than sẽ càng tốt hơn khi khai thác xuống độ sâu. Trữ lượng có thể khai thác được nhiều năm. Độ sâu của mỏ hiện nay đã đến 100m, sản lượng hàng năm là 20.000 tấn.
Thực chất của than Nông Sơn là loại ân tra xít (than không khói) than đốt không có ngọn lửa, không nổ lách tách, và rất chắc khi đốt cháy giống như than đá của Mỹ ở bang Pensylvanie. Than đá Nông Sơn dễ bắt lửa. Còn than đá Hòn Gai và Kẻ Bao thì khi bắt lửa sẽ tách và làm kín các lưới sắt ở đáy lò nên lưới ở đáy lò của loại than này cần có một diện tích lớn hơn so với khi sử dụng loại than có khí.
Trên mảnh đất có ngôi nhà của giám đốc nằm bên bờ sông tại một nơi tuyệt đẹp cung cấp cho du khách cùng với những ngôi nhà khác ở xa bờ sông hơn cũng nằm trên con đường đi vào mỏ nơi ở của người Âu, những người gắn bó với khu mỏ này. Khu mỏ nối với một đường sắt nhỏ bên bờ sông mà những toa tàu nhỏ chạy đổ than vào các thuyền mành để chở về Đà Nẵng.
Cách đó 3 giờ ta gặp suối nước nóng ở tại Trung Lộc cũng như suối nước nóng Phước Lộc trên đường từ Tam Kỳ đi Bồng Miêu.
Các thông tin trên cho thấy, điểm nhấn của Quảng Nam lúc bấy giờ tập trung ở 2 điểm chính: khai thác mỏ và di tích Chăm. Đây cũng chính là mối quan tâm của thực dân Pháp nói chung và các nhà nghiên cứu văn hoá Pháp nói riêng, đây cũng chính là đặc điểm của vùng đất Quảng Nam trong lịch sử với sự biến thiên của nó.
.....................
[1] Chúng tôi có tham khảo bản dịch của Huỳnh Phương Bá.
[2] Đỉnh núi cao 1.699m của dãy núi Cévennes ở về phía đông miền quần sơn thuộc Miền Trung nước Pháp.
[3] Phía bắc dày núi Alpes thuộc Pháp.
[4] Thuộc dãy núi Alpes của Pháp.