(QNO) - Ngày 24.6, UBND tỉnh gửi Bộ Y tế báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, dự án phát triển dược liệu và công nghiệp dược liệu; đề xuất phương án, kế hoạch các nội dung dự kiến triển khai đề án phát triển và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam.
Quảng Nam xác định đẩy mạnh việc trồng cây sâm Ngọc Linh nói riêng và các cây dược liệu nói chung tại các huyện trung du, miền núi... là hướng ưu tiên để phát triển kinh tế trong những năm đến.
Theo đánh giá của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), tại Quảng Nam có 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Theo thống kê, tổng diện tích cây dược liệu khoảng 2.471ha, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi của tỉnh.
Thời gian qua, Quảng Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách bảo tồn, khuyến khích phát triển ở khu vực miền núi, nhất là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tuy nhiên, UBND tỉnh nhận định, mặc dù đã có nhiều chương trình, dự án, cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ để phát triển sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu nhưng vẫn chưa tạo được sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực. Cạnh đó, chưa hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, sơ chế - chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Để phát huy những kết quả đạt được, đồng thời giải quyết triệt để những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các cơ chế, chính sách trong thời gian qua và giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra đối với việc phát triển cây sâm Ngọc Linh nói riêng, cây dược liệu nói chung trong thời gian đến, theo UBND tỉnh, vấn đề phát triển thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu là hết sức cần thiết.
Quảng Nam hướng đến mục tiêu xây dựng Trung tâm Công nghiệp dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, có giá trị thị trường trong tốp 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý.
UBND tỉnh đề nghị Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT sớm thành lập đoàn công tác làm việc với tỉnh Quảng Nam về việc triển khai các nội dung được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ để việc xây dựng đề án nêu trên đảm bảo chất lượng, khả thi; khảo sát, đánh giá lại thực trạng phân bố cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phục vụ xây dựng đề án phát triển và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu tại Quảng Nam.
Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện đề án
- Đầu tư phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu của tỉnh với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực, theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
- Nghiên cứu chọn tạo giống, quy trình công nghệ trồng cho năng suất, chất lượng cao từ nguồn gen cây thuốc quý, đặc hữu và lợi thế của tỉnh.
- Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất thuốc, sản xuất thuốc nhượng quyền, chuyển giao công nghệ, vắc xin, sinh phẩm y tế và các sản phẩm từ dược liệu.
- Tiếp tục thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc.
- Định kỳ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bào chế hiện đại, nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc có giá trị kinh tế cao.
- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
- Đẩy nhanh tiến độ số hóa ngành dược, xây dựng và cung cấp cơ sở dữ liệu về thuốc cho hoạt động quản lý, kinh doanh dược. Bảo tồn các nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu quốc gia.
- Hợp tác với các diễn đàn, tổ chức trong nước, quốc tế để trao đổi, chia sẻ thông tin, hợp tác phát triển về quản lý, khoa học, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực dược.
- Phổ biến, tuyên truyền kiến thức về nguồn gốc, tác dụng của dược liệu nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân trong bảo tồn, khai thác, sử dụng dược liệu.
- Thực hiện một số đề tài khoa học và công nghệ nghiên cứu tác dụng dược lý của sâm Ngọc Linh và dược liệu làm cơ sở để phát triển ngành công nghiệp dược.