Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Chủ Nhật, 30/03/2025
(QNO) - Quảng Nam đang tập trung đợt cao điểm 90 ngày xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm hoàn thành kết nối phục vụ hoạt động Đề án thí điểm mô hình "Hành chính chủ động" trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) năm 2025 vào sáng nay 26/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch CCHC năm 2025 của UBND tỉnh gắn với 14 nhóm giải pháp trọng tâm đã đề ra.
Nâng chất lượng phục vụ
Năm 2024, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn tại cấp huyện và trên lĩnh vực đất đai đã giảm so với năm 2023.
Từ kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Phúc - Trưởng bộ phận Tiếp nhận và giải quyết TTHC (Văn phòng UBND tỉnh) cho biết, hằng tháng trung tâm đều có báo cáo kết quả chi tiết về tiếp nhận, giải quyết TTHC gửi các sở ban ngành liên quan để kịp thời theo dõi, đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng hồ sơ trễ hạn, công khai danh sách hồ sơ trễ hạn theo quy định.
Vì vậy, Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử của Quảng Nam luôn duy trì trong tốp 20 trở lên. Tính đến ngày 23/12/2024, Quảng Nam đạt 84,2/100 điểm, xếp hạng 16/63 tỉnh thành; trong đó chỉ số “Tiến độ giải quyết” nằm trong nhóm "Tốt", đạt 93,08%.
Nói về hiệu quả mang lại sau khi tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ CCHC, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, ông Lê Quang Hiếu - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Năm 2024, đơn vị tiếp nhận và giải quyết hơn 60 nghìn hồ sơ TTHC, tỷ lệ giải quyết TTHC sớm hạn gần 99,99%.
Đáng chú ý, Sở Xây dựng đã hoàn thành 100% nhiệm vụ, công việc được Bộ Xây dựng, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao; 100% hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa, lưu trữ, tái sử dụng kết quả theo quy định (năm 2024, Sở Xây dựng đã số hóa hơn 52.000 kết quả giải quyết TTHC).
Có 9 sáng kiến/ giải pháp mới trong CCHC (được Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở công nhận). Trong đó, 3 sáng kiến/giải pháp mới trong CCHC được đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh.
Năm 2024, qua đánh giá của UBND tỉnh có 23/43 cơ quan xếp loại “Tốt”; 15 cơ quan xếp loại “Khá” và 5 cơ quan xếp loại “Trung bình” về CCHC. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2024 của khối các sở, ngành là 80,98% (năm 2023: 81,28%); khối huyện là 80,54% (năm 2023: 74,36%); khối cơ quan ngành dọc là 84,25% (năm 2023: 77,86%); chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện là 78,01% (năm 2023 là 76,76%).
Hướng đến nền hành chính chủ động
Quảng Nam đã và đang tập trung làm tốt công tác sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn. Đồng thời ưu tiên cho nhiệm vụ chuyển đổi số, nhằm tạo sự bứt phá trong CCHC, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2025, với quyết tâm đạt mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) tối thiểu 10% trở lên.
Thời gian qua, Sở KH&CN đang được UBND tỉnh giao chủ trì xây dựng Đề án thí điểm mô hình "Hành chính chủ động" trên địa bàn tỉnh. Mô hình hướng đến mục tiêu xây dựng trung tâm phục vụ hành chính một cấp, vận hành hiệu quả, không phụ thuộc địa giới hành chính.
Mô hình này sẽ tăng trải nghiệm người dân, doanh nghiệp với dịch vụ hành chính công nhanh chóng, minh bạch, chủ động. Thúc đẩy chuyển đổi số, tự động hóa quy trình xử lý, ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.
Ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Sở KH&CN cho hay, UBND tỉnh đã phát động đợt cao điểm 90 ngày tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành, địa phương. Dự kiến đến ngày 15/6/2025 sẽ đưa vào hoạt động Đề án thí điểm mô hình "Hành chính chủ động" trên địa bàn tỉnh.
"Với mô hình này, cơ quan có thẩm quyền chuyển từ tâm thế bị động phục vụ sang chủ động, nghĩa là tự cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của tổ chức, công dân; chuyển từ quy trình giải quyết TTHC thủ công sang môi trường số hóa, không giới hạn về địa giới hành chính" - ông Bình nói.
Về mục tiêu đặt ra đối với việc thực hiện đề án trong năm 2025, ông Bình cho biết, có 100% hồ sơ hành chính số hóa trước khi xử lý; có 100% dịch vụ công trực tuyến được tối ưu trải nghiệm người dùng; có tối thiểu 99% mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt là việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC xuống tối đa 30 phút/hồ sơ, 15 phút/lượt chờ. Để tăng năng suất xử lý hồ sơ, đề án đề ra mục tiêu giải quyết 1.600 hồ sơ/cán bộ đô thị, 1.200 ở nông thôn, 800 ở vùng khó khăn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch CCHC năm 2025 của UBND tỉnh gắn với 14 nhóm giải pháp trọng tâm đã đề ra.
Trong đó, đề nghị Sở KH&CN chủ trì, chủ động lên phương án điều chỉnh các phần mềm theo mô hình mới. Toàn tỉnh tập trung thực hiện tốt đợt cao điểm 90 ngày tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu. Tạo nền tảng dữ liệu đồng bộ, kết nối liên thông giữa các sở, ban, ngành, địa phương nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành...
[VIDEO] - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu kết luận hội nghị: