(QNO) - Ngày 27/3/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện khẩn trương triển khai lấy ý kiến đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Trên cơ sở tiếp nhận góp ý, các địa phương, đơn vị tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước 11 giờ ngày 29/3/2025.
Giao Sở Nội vụ chủ trì, tổng hợp nội dung góp ý của các đơn vị, địa phương, trực tiếp báo cáo Bộ Nội vụ trước ngày 30/3/2025; đồng thời, báo cáo HĐND, UBND tỉnh.
Tại dự thảo tờ trình gửi Chính phủ, theo Bộ Nội vụ, để triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị (không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp), Đảng ủy Quốc hội đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Trong đó sửa đổi, bổ sung một số điều của Chương IX quy định về chính quyền địa phương, dự kiến bỏ đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, chính quyền địa phương chỉ tổ chức thành 2 cấp (gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở).
Theo đó, sau khi Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thì kịp thời sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành để bảo đảm thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) về chính quyền địa phương.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (hiệu lực từ ngày 1/3/2025) đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện nhằm phân định rõ thẩm quyền, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ươngvới địa phương; giữa các cấp chính quyền địa phương và khắc phục những hạn chế trong quá trình thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Tuy nhiên, do quy định về ĐVHC và mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành đang được thiết kế theo 3 cấp (gồm: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã). Vì vậy, phải sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và giải quyết những vấn đề phát sinh khi chuyển đổi mô hình.
Do đó, việc sửa đổi, bổ sung luật này là cấp thiết, nhằm tạo lập hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tỉnh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Bộ Nội vụ cho biết, việc sửa đổi các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp (sau khi sửa đổi) nhằm phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.