Quy hoạch - Đầu tư


Quảng Nam khó giải ngân hết vốn dự án đầu tư y tế

TRỊNH DŨNG 16/05/2024 07:30

UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư cam kết hoàn thành công trình, giải ngân hết vốn các dự án đầu tư y tế (thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) khi kết thúc niên độ đầu tư (31/12/2024). Nhưng thực tế, chủ đầu tư khó có thể thực hiện được.

c.jpg
Trạm Y tế Thanh Hà (Hội An) thuộc diện đầu tư xây mới, nhưng cho đến giờ này vẫn không thấy động tĩnh gì. Ảnh: T.D

Chạy đua tiến độ

Trạm Y tế Cẩm An (TP.Hội An) và Trạm Y tế Duy Phước (Duy Xuyên) đầy vôi vữa. Vật liệu xây dựng đổ đầy trên mặt sân khuôn viên dự án. Nhân viên trực trạm y tế cho hay công trình đã tiến hành vài tháng nay, nhưng chưa biết bao giờ hoàn thành.

Hai dự án đang tiến hành tại Hội An, Duy Xuyên thuộc 15 trạm y tế đầu tiên chủ đầu tư đã ký hợp đồng thi công xây lắp với Công ty Tư vấn đầu tư và thương mại Thành An với trị giá gói thầu hơn 35,4 tỷ đồng, nằm trong Dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã Quảng Nam (197 tỷ đồng).

Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, 15 dự án sẽ hoàn tất trong vòng 60 ngày. Khả năng 15/53 trạm sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 7/2024.

Các dự án này đã được cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Thời hạn kết thúc dự án 31/12/2024 nên chủ đầu tư, nhà thầu chạy đua thi công cho kịp hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Theo thống kê, phân tích của chủ đầu tư, ngoài 15 dự án đang thi công, 28/53 trạm y tế khác đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự kiến sẽ khởi công vào ngày 1/7/2024, hoàn thành 30/11/2024.

Gói thầu 10/53 trạm y tế đã được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư ngày 7/5/2024 sẽ hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế xây dựng tháng 6/2024, dự kiến khởi công ngày 1/8/2024, hoàn thành 30/10/2024.

a.jpg
Trạm Y tế Cẩm An (Hội An) đang thi công gần hoàn thiện.

Riêng gói thầu mua sắm thiết bị y tế 31,1 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã phối hợp các bên liên quan tổ chức xây dựng lại cấu hình, thẩm định giá để phê duyệt dự toán. Việc hoàn thành mua sắm thiết bị y tế, lắp đặt, bàn giao, đưa vào sử dụng ngay trong năm 2024.

Không trắc trở nhiều như Dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã, Dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện Quảng Nam (92 tỷ đồng) đã chính thức khởi công xây dựng ngày 14/11/2023.

Ông Thân Văn Bình - Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, đang thi công 4/5 TTYT, khối lượng đạt khoảng 40%. Tiến độ, chất lượng các công trình bảo đảm thời gian, hồ sơ thiết kế được duyệt.

Cụ thể, TTYT Đại Lộc cơ bản đã xong. TTYT Núi Thành, Nam Giang sẽ xong trong tháng 5/2025 và TTYT Tiên Phước, chậm nhất đến hết quý III/2024 sẽ hoàn thành. Các nhà thầu cam kết sẽ hoàn tất công trình đúng thời hạn, kế hoạch.

Khó giải ngân hết vốn

Thống kê của chủ đầu tư, UBND tỉnh đã cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 của 2 dự án y tế, với tổng số tiền là 261,9 tỷ đồng, nhưng đến ngày 7/5/2024 mới chỉ giải ngân hơn 21,7 tỷ đồng, đạt 8,32%.

g.jpg
Trạm Y tế Duy Phước (Duy Xuyên) đang tiến hành nâng cấp, cải tạo.

Trước tình trạng giải ngân ì ạch, đối diện với hàng loạt “rắc rối” từ mặt bằng, hồ sơ, thủ tục, thẩm định giá... của các dự án này, UBND tỉnh đã ấn định cho chủ đầu tư phải đảm bảo việc giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn trước ngày 31/12/2024. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về việc không giải ngân hết nguồn vốn này.

Chủ đầu tư đã xây dựng bản đồ công việc, kế hoạch thời gian cụ thể cho việc thực hiện 2 dự án nêu trên và cam kết bằng mọi giá sẽ hoàn thành dự án, giải ngân tối đa vốn trước thời hạn kết thúc dự án khi đã được phép kéo dài thời hạn thi công và giải ngân thêm một năm nữa.

Tuy nhiên, trước những gì diễn ra trên thực tế, cam kết giải ngân dường như “bất khả thi”. Có thể 4 dự án đầu tư TTYT tuyến huyện và 15 dự án trạm y tế đang thi công sẽ không vấn đề gì khi các nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành. Nhưng, thời gian chỉ còn hơn 6 tháng nữa, trong khi đó, TTYT huyện Quế Sơn chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Dự án 76 trạm y tế còn đến 28 công trình đang trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và 10 dự án khác dự kiến sẽ chỉ hoàn thành công tác phê duyệt thiết kế xây dựng vào tháng 6/2024.

Việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị y tế hiện vẫn đang gặp khó khăn do việc khảo sát, thu thập báo giá của các nhà cung cấp rất khó. Chủ đầu tư, cơ quan y tế vẫn loay hoay xem xét, xác định cấu hình thiết bị của 76 trạm y tế.

tp.jpg
TTYT Tiên Phước dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2024.

Những thông số, dữ liệu và các phân tích chỉ ra, dù lạc quan đến mấy cũng dễ thấy không thể giải ngân hết kế hoạch vốn đã phân bổ cho 2 dự án này. Sẽ có khá nhiều vốn của dự án buộc phải chuyển trả về ngân sách trung ương.

Theo ông Trần Ngọc Hoàng - Trưởng phòng Thẩm định dự án Sở KH&ĐT, gói thiết bị y tế rất dễ giải ngân. Chỉ cần đấu thầu được là sẽ giải ngân được ngay, nhưng tới giờ vẫn chưa có kết quả đấu thầu thì làm sao giải ngân? TTYT huyện Quế Sơn chưa trình hồ sơ điều chỉnh, bổ sung.

Còn các trạm y tế, tính trong điều kiện tối ưu nhất, không khiếu nại, khiếu kiện trong đấu thầu, thời tiết không biến động... thì dự án dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2024. Nếu nỗ lực hết sức thì may ra sẽ giải ngân được phần nào, chắc chắn không thể giải ngân hết kế hoạch vốn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói chủ đầu tư phải trả lời cho được câu hỏi bao giờ xong. Cần phối hợp với địa phương, chi tiết kế hoạch thực hiện để gỡ rối cho dự án. Không bàn giao mặt bằng thì chủ đầu tư, nhà thầu cũng đành chịu, không còn cách nào có thể tiến hành dự án được.

Chủ đầu tư, địa phương phải tăng tốc vì chỉ còn rất ít thời gian để thực hiện dự án. Mùa mưa đến thì không làm gì được. Không thực hiện được, không có khối lượng thì làm sao giải ngân? Không giải ngân, chuyển vốn, ai chịu trách nhiệm?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam khó giải ngân hết vốn dự án đầu tư y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO