Cục Thuế Quảng Nam hy vọng sẽ nỗ lực tối đa để kéo nợ thuế về dưới 5% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, điều này liệu có dễ dàng không, khi mọi biện pháp đều có vẻ miễn nhiễm với đà gia tăng của nợ.
Nợ tăng vẫn khó thu hồi
Cục Thuế Quảng Nam công bố 6 tháng đầu năm 2024 đã thu hồi được 3.071 tỷ đồng nợ thuế (gồm 581 tỷ đồng nợ năm trước và 2.490 tỷ đồng nợ mới phát sinh), thông qua các biện pháp như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thu tiền và tài sản qua người thứ ba. Tuy nhiên, nợ thuế vẫn còn cao.
Tỷ lệ tổng nợ/tổng thu ngân sách tính đến 31/12/2023 từ 11,7% đã tăng lên 13,48% vào ngày 30/6/2024. Tổng nợ tính đến 30/6/2024 hơn 2.742 tỷ đồng, tăng 233 tỷ đồng (tương ứng tăng 9,3% so 31/12/2023).
Một bảng danh sách nợ đã được chuyển đến UBND tỉnh và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chiếm số đông trong danh sách này là các dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với 21 dự án đình đám một thời, từ ven biển, đồng bằng đến miền núi. Số nợ của các dự án này, ít thì hơn 10 tỷ, nhiều lên đến hơn 200 tỷ đồng...
Không chỉ nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Công ty CP sản xuất Ethanol Quảng Nam hay Dương Đông Quảng Nam có số nợ thuế lớn, nhiều năm vẫn chưa thể thu hồi được vào ngân sách nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế cho hay, thị trường bất động sản đóng băng. Nhiều dự án đấu giá nhưng không có người mua. Một số doanh nghiệp có số nợ thuế lớn, nợ bị truy thu, phạt khi thực hiện biện pháp cưỡng chế thì tài khoản ngân hàng không đủ tiền cưỡng chế, tài sản đã thế chấp hết hoặc giá trị tài sản không lớn, không có khả năng nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Một số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thua lỗ, thiếu hiệu quả còn nợ thuế đã ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh. Con số nợ kéo dài này sẽ kéo theo tiền phạt chậm nộp cũng là một trong những nguyên nhân làm nợ thuế tăng cao.
Thu tiền thuế nợ của cá nhân, hộ kinh doanh cũng gặp khó khăn. Ông Nguyễn Văn Nguyện - Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế nói, ở nhóm này chưa có chế tài cụ thể, rõ ràng, không ràng buộc chặt chẽ bằng quy định pháp lý đầy đủ như quản lý nợ đối với doanh nghiệp.
Tổng nợ của nhóm cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ (bằng 12% tổng nợ doanh nghiệp), nhưng số lượng gấp 14 lần số lượng doanh nghiệp nợ thuế, nên việc quản lý, đôn đốc thu hồi nợ tốn nhiều công sức, thời gian.
Tiền nợ sử dụng đất phi nông nghiệp khó do chủ đất ở khắp nơi, không địa chỉ, rất khó để liên hệ đôn đốc, gửi thông báo, nhắc nhở hoặc khi hộ kinh doanh cá thể thay đổi địa bàn, không có thông tin để đôn đốc thu hồi nợ...
Không dễ hạ nợ thuế xuống 5%
Thu hồi nợ đọng thuế bù đắp ngân sách thiếu hụt đã được cơ quan thuế tiến hành thường xuyên thông qua các biện pháp quản lý thuế như: đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin các doanh nghiệp chây ì nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, không một doanh nghiệp nào nợ thuế bị bỏ sót thông qua 100% thông báo tiền nợ thuế và chậm nộp…
Các phương thức này đã được cơ quan thuế thực hiện ngay từ đầu năm và liên tục nhưng kết quả vẫn không khả quan. Theo nhiều phân tích, một khi doanh nghiệp tới mức bị cưỡng chế thuế, không nộp nổi, phần nhiều thuộc diện đang thực sự khó khăn nên không dễ gì thu hồi được.
Hạ nợ thuế xuống dưới 5%/tổng thu ngân sách nhà nước đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan thuế các cấp. Tỷ lệ này là một trong những chỉ tiêu Tổng cục Thuế đề ra để làm cơ sở đánh giá chất lượng quản lý thuế của cơ quan thuế. Nếu tỷ lệ nợ bằng hoặc nhỏ hơn 5%/tổng số thuế đã nộp ngân sách nhà nước nghĩa là số nợ thuế có thể chấp nhận được.
Theo ông Lương Đình Đường - Phó Cục trưởng Cục Thuế thì suy rộng ra, tỷ lệ nợ lớn ngoài việc đánh giá chất lượng quản lý thuế, còn thể hiện thu ngân sách nhà nước đã không được huy động kịp thời (do người nộp thuế chiếm dụng tiền thuế thay vì phải đi vay gặp khó khăn và tốn chi phí hơn).
Nợ thuế kéo dài dễ dẫn đến nợ quá hạn. Người nộp thuế mất khả năng trả nợ, bị thu hồi giấy phép và ngân sách nhà nước mất khoản thuế này.
“Nợ thuế tăng cao còn cho thấy người nộp thuế gặp khó khăn về tài chính, bị các biện pháp cưỡng chế nợ thuế ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc tạo nguồn thu trong tương lai bị ảnh hưởng, dẫn đến kinh tế, ngân sách địa phương bị ảnh hưởng” - ông Đường nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng yêu cầu các sở, ngành, địa phương, cơ quan thuế kịp thời tháo gỡ, xử lý vướng mắc, khó khăn, đẩy mạnh công tác quản lý, thu hồi nợ đọng ngân sách, cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế, hạn chế các khoản nợ mới phát sinh, xử lý nợ đọng không còn khả năng thu hồi.
Tiến hành rà soát, phân tích dữ liệu thuế, đề xuất thành lập đoàn công tác liên ngành, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế của từng dự án đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc cho chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, đồng thời đề xuất các biện pháp xử lý dứt điểm.
Tỷ lệ nợ thuế hiện đã chiếm 13,48%/tổng thu ngân sách. Việc kéo tỷ lệ nợ xuống dưới 5% vào cuối năm nay không dễ thực hiện. Ông Lương Đình Đường phân tích, cơ cấu nợ hiện nay của Quảng Nam phần lớn là nợ tiền sử dụng đất. Tiền sử dụng đất lại phụ thuộc vào thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm sẽ chưa thể hết khó khăn. Thậm chí còn gặp khó hơn khi các luật liên quan đã có hiệu lực từ 1/8/2024. Mặt khác, việc giải quyết những vướng mắc của địa phương sẽ không thể nhanh được. Nợ tiền sử dụng sẽ rất khó khăn để thu vì các chủ đầu tư bị cưỡng chế nợ thuế, bị tính tiền chậm nộp, không vay được vốn, không gia hạn được tiến độ...