(QNO) - Chiều 27.3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội năm 2021, 3 tháng đầu năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh.
Đi cùng đoàn có các Bộ trưởng, Thứ trưởng của các Bộ, Ban ngành. Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh và đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành cùng dự buổi làm việc.
Theo đó, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương, Chính phủ, cùng sự quyết tâm, nỗ lực của các hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua 25 năm tái lập, từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển, Quảng Nam vươn lên thành tỉnh khá trong khu vực, đóng góp 14% vào ngân sách Trung ương từ năm 2022. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt hơn 23.700 tỉ đồng, gấp hơn 102 lần so với thời điểm mới tái lập.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, năm 2021, Quảng Nam ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân. Toàn tỉnh đã thực hiện hiệu quả chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kiên cường vượt qua khó khăn, thách thức, kiểm soát được tình hình...
Năm 2022, Quảng Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tăng từ 7,5 – 8%, thu ngân sách trên địa bàn 23.700 tỉ, tăng 22,4% so với dự toán giao năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 19.000 tỉ đồng, tăng 18.7% so với dự toán 2021. Nhiều giải pháp cụ thể được đặt ra để đạt mục tiêu đề ra.
Làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác, Quảng Nam đã kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, đầu tư phát triển sân bay Chu Lai, hệ thống cảng biển, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai; chính sách đất đai khi triển khai các dự án đầu tư trong khu Kinh tế mở Chu Lai. Quảng Nam cũng đề xuất về cơ chế hình thành trung tâm quốc gia về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, bổ sung quỹ đất phát triển công nghiệp.
Cùng với đó là các nội dung kiến nghị liên quan đến sắp xếp lại rừng phòng hộ, ven biển kết hợp phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai; đầu tư nâng cấp quốc lộ 14D, 14E để tăng cường kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây; chủ trương phát triển ngành công nghiệp dược liệu tự nhiên; hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành Silicca. UBND tỉnh cũng đề cập đến các nội dung hình thành khu phức hợp giáo dục đại học theo tiêu chuẩn quốc tế và giải quyết tồn tại kéo dài của dự án Làng đại học Đà Nẵng, dự án nạo vét sông Trường Giang tạo động lực phát triển đô thị, du lịch, vận tải, thủy kết hợp thoát lũ Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình…
[CLIP] - Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo tỉnh chiều 27.3:
11 nội dung kiến nghị của Quảng Nam đối với Thủ tướng Chính phủ:
1. Đề nghị cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn: Hiện nay, nhu cầu vốn cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An, Mỹ Sơn rất lớn. Do đó, Quảng Nam đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh được sử dụng toàn bộ nguồn thu phí tham quan của 2 di sản được để lại để chi đầu tư (bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, bảo vệ môi trường, hạ tầng) và chi hoạt động (văn hóa nghệ thuật, quảng bá, phát triển du lịch, chi cho bộ máy các đơn vị sự nghiệp xúc tiến du lịch của Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn). Cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa.
2. Về chủ trương lớn phát triển vùng động lực phía đông, Quảng Nam đề nghị Chính phủ giao UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ ngành Trung ương xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Cảng hàng không Chu Lai với các chức năng theo quy hoạch được duyệt. Cho phép xây dựng cơ chế hoạt động của Khu phi thuế quan Tam Quang gắn với Cảng hàng không Chu Lai. Quảng Nam cũng đề nghị Thủ tướng cho phép tỉnh lập Báo cáo đề xuất Dự án xã hội hóa đầu tư, quản lý vận hành luồng cảng Chu Lai mới (luồng Cửa Lở) cho tàu 5 vạn tấn đủ tải vận hành; gắn với hệ thống bến Tam Hòa - Tam Hiệp, Khu phi thuế quan Tam Hòa và khu logistic phục vụ hoạt động cảng container theo hướng nhà đầu tư thực hiện đầu tư 100% và quản lý vận hành, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
3. Hiện Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai qua quá trình triển khai đã gặp nhiều bất cập về hệ thống hạ tầng khung, phân khu chức năng, quy hoạch rừng phòng hộ… Nhiều đề xuất quy hoạch của các nhà đầu tư lớn có tính khả thi và hiệu quả cao hơn nhưng gặp vướng mắc vì không phù hợp quy hoạch hiện hành. Do đó, tỉnh đề nghị Thủ tướng thống nhất cho phép điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai sau khi Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng phê duyệt (dự kiến trình Thủ tướng vào tháng 12.2022). Trước mắt, các đồ án quy hoạch để triển khai các dự án đầu tư công hoặc đầu tư của doanh nghiệp có những nội dung chưa phù hợp sẽ xin ý kiến Bộ Xây dựng trước khi UBND tỉnh phê duyệt.
4. Về chính sách đất đai khi triển khai các dự án đầu tư trong Khu kinh tế mở Chu Lai, đề nghị Chính phủ thống nhất chủ trương cho UBND tỉnh không thực hiện giải phóng mặt bằng mà được đấu thầu chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành (Nghị định số 25 ngày 28.2.2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư), thực hiện thu hồi đất, giao UBND cấp huyện giải phóng mặt bằng, bàn giao cho Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh để giao đất hoặc cho nhà đầu tư thuê đất triển khai các dự án đầu tư quy mô lớn, không chia nhỏ, manh mún, tạo sự phát triển đồng bộ và hiện đại tại khu vực trọng điểm này.
5. Quảng Nam đề nghị Chính phủ nghiên cứu thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai giữa Thaco làm hạt nhân với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị này. Hình thành hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ trọng điểm quốc gia tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Hiện nay, tổng diện tích các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trên địa bàn Quảng Nam là 6.132ha (trong đó thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai 4.950ha, đã lấp đầy 54,78%; ngoài Khu kinh tế mở Chu Lai 1.182ha, đã lấp đầy 60,65%; chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp được phân bố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 326 ngày 9.3.2022 là 3.524ha). Đề nghị Thủ tướng cho phép Quảng Nam tập trung đầu tư toàn bộ diện tích đất khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch nói trên, đồng thời bổ sung các vị trí phù hợp khác vào quy hoạch thêm các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, khai thác các lợi thế về hạ tầng mới được đầu tư xây dựng (dự kiến phát triển thêm 4.000ha đất khu công nghiệp tại các vị trí trên trục đường Võ Chí Công, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 14B, quốc lộ 14E).
6. Kiến nghị sắp xếp lại rừng phòng hộ ven biển kết hợp phát triển kinh tế với phòng chống thiên tai: Rừng phòng hộ ven biển phía Đông tỉnh Quảng Nam có diện tích 3.636ha, trong đó diện tích có rừng 2.875ha (761ha còn lại là đất trống, ngập nước theo mùa), đa số được trồng từ những năm 90 (không phải rừng tự nhiên) khi đây là đất cát, không có hạ tầng, thuộc địa bàn các xã đặc biệt khó khăn ven biển, chất lượng cây trồng rất thấp, đa số là cây keo, phi lao còi cọc; năm 2020 bị ngã đổ do thiên tai 292ha nên diện tích có rừng trên thực tế là 2.583ha. Nay hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ, có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển kinh tế và được Đảng bộ tỉnh Quảng Nam xác định là vùng động lực phát triển, trong đó hạt nhân là Khu kinh tế mở Chu Lai.
Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương điều chỉnh qui hoạch rừng phòng hộ ven biển tỉnh Quảng Nam với diện tích 2.000ha trên cơ sở phù hợp với hiện trạng rừng đủ điều kiện công nhận thành rừng hiện nay tại khu vực này, đồng thời thực hiện sắp xếp lại trồng rừng phòng hộ theo nội dung tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai (dọc các tuyến đường, bao quanh các khu chức năng, khu dân cư). Cho phép thực hiện các hoạt động trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển theo hình thức hợp tác công - tư thông qua việc giao khoán cho các doanh nghiệp đang triển khai dự án tại khu vực này nhằm đảm bảo việc trồng, chăm sóc, quản lý thường xuyên kết hợp phát triển kinh tế với chức năng phòng chống thiên tai. Các loại cây trồng vừa có chức năng phòng hộ vừa có chức năng cảnh quan để tạo mỹ quan đô thị.
7. Kiến nghị đầu tư nâng cấp quốc lộ 14D, 14E để tăng cường kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây: Tuyến quốc lộ 14E dài 73km (nối quốc lộ 1A đến đường Hồ Chí Minh) nằm trên hành lang kết nối Khu kinh tế mở Chu Lai với khu vực Tây Nguyên và Nam Lào - Đông Bắc Thái Lan - Myanma thông qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Hiện trạng tuyến đường nhỏ hẹp, xuống cấp nhưng lưu lượng vận tải lớn, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 1531/QĐ-BGTVT ngày 17.8.2021 với tổng mức đầu tư dự kiến 1.850 tỷ đồng để đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021-2025. Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến để Bộ GTVT triển khai trong năm 2023.
Cạnh đó, tuyến quốc lộ 14D dài 74km là đoạn tiếp theo của quốc lộ 14E, nối từ đường Hồ Chí Minh đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang có hiện trạng đường cấp VI đến cấp V miền núi với mặt đường hẹp, nhiều đoạn có bán kính nhỏ, qua thời gian sử dụng đã xuống cấp, mặt đường hư hỏng, tạo nên điểm nghẽn trên tuyến hành lang Đông - Tây này… Bộ GTVT đã có khảo sát nhưng chưa phê duyệt chủ trương đầu tư vì khó khăn về nguồn vốn giai đoạn trung hạn 2021-2025. Do vậy, Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hình thức BOT trên nền đường hiện trạng cũ (do đặc thù địa hình miền núi cao chỉ có một tuyến độc đạo hiện nay, không thể xây dựng tuyến mới) và thực hiện thu phí tại Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, chỉ áp dụng đối với xe ô tô qua cửa khẩu này.
8. Về chủ trương phát triển ngành công nghiệp dược liệu tự nhiên, Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho tỉnh được cho thuê môi trường rừng để phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên thuộc phạm vi rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, rừng sản xuất với quy mô lớn để đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến sâu, hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu thiên nhiên cấp quốc gia, với Sâm Ngọc Linh làm cây chủ lực (các nhà máy chế biến sâu đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai, vùng nguyên liệu công nghiệp tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam).
Cụ thể, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16.11.2018 quy định một số điều của Luật Lâm nghiệp cho phép trồng, khai thác các loài dược liệu và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đặc dụng, phòng hộ để khai thác tạo nguồn nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến theo Phương án trồng và khai thác bền vững, có tổ chức, quản lý chặt chẽ, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Luật Lâm nghiệp hiện nay chỉ cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, chưa cho trồng dược liệu).
Quảng Nam cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia phát triển Sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045; đồng thời cho phép nghiên cứu cơ chế hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên cấp quốc gia tại Quảng Nam, phát triển các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thực phẩm tiêu dùng, hóa mỹ phẩm và các sản phẩm khác có sử dụng Sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu được trồng trong tự nhiên, có ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ cao.
9. Kiến nghị hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu ngành Silica: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có các nhà máy chế biến Silica từ nguồn cát trắng như Công ty CP Kính nổi Chu Lai do Tập đoàn INDEVCO làm chủ đầu tư với công suất 900 tấn/ngày và 4 nhà máy chế biến Silica khác do các công ty khác làm chủ đầu tư. Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06.5.2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, vùng phía Đông tỉnh Quảng Nam với diện tích 1.354 km2 thuộc 5 huyện, thị xã, thành phố với trữ lượng ước tính 250 triệu tấn. Trên thực tế, quá trình đô thị hóa tại các địa phương này là rất nhanh, đồng thời, các vị trí có khoáng sản cát trắng cơ bản nằm trên các công trình giao thông và khu chức năng đã được phê duyệt quy hoạch theo Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13.12.2018 về điều chỉnh qui hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, đang trong quá trình lập và triển khai các dự án đầu tư. Để tạo điều kiện cho việc triển khai xây dựng các công trình, dự án tại vùng động lực của tỉnh, Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương đưa khu vực qui hoạch dự trữ khoáng sản cát trắng tại Quảng Nam ra khỏi khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và cho phép UBND tỉnh Quảng Nam được lập thủ tục khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng và khai thác nhanh để hình thành trung tâm công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ Silica tại Quảng Nam, đồng thời kịp có mặt bằng để triển khai các công trình, dự án theo qui hoạch.
10. Dự án Làng đại học thuộc Đại học Đà Nẵng là dự án “treo” lâu nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam kể từ năm 1997 (kéo dài 24 năm), chính quyền và nhân dân địa phương rất bức xúc, càng để lâu càng không thể thực hiện được. Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng sạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Nếu không bố trí được thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch để chỉ thực hiện hoàn chỉnh dự án trên phần đất của thành phố Đà Nẵng.
11. Kiến nghị nạo vét sông Trường Giang (chiều dài 60km dọc theo bờ biển, xây 6 cầu qua sông), tạo động lực phát triển đô thị, du lịch, vận tải thuỷ kết hợp thoát lũ thành phố Tam Kỳ, huyện Phú Ninh, huyện Thăng Bình. Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư để kịp thực hiện các bước tiếp theo theo đúng tiến độ đã cam kết với Ngân hàng Thế giới.