(QNO) - Phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) vào chiều nay 14/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn kiến nghị Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN tạo điều kiện cho các địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác PCPNN.
Tại hội nghị, Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN báo cáo công tác PCPNN năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Đại diện các cơ quan trung ương trình bày tham luận về vai trò và sự tham gia của các tổ chức PCPNN góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đối ngoại nhân dân; tình hình hoạt động PCPNN liên quan đến an ninh, chính trị và các vấn đề cần lưu ý trong tình hình hiện nay; tình hình thực hiện Nghị định 58 ngày 31/8/2022 về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam và những vấn đề cần lưu ý.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết Quảng Nam xác định công tác đối ngoại, trong đó có công tác PCPNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình tổ chức thực hiện. Tỉnh luôn cố gắng mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức PCPNN. Các tổ chức đã đặt vấn đề, được cấp phép thì nỗ lực “giữ chân”; đồng thời qua các tổ chức giới thiệu, tiếp cận thêm các tổ chức khác.
Với tinh thần đó, trong năm 2022, Quảng Nam đã triển khai có hiệu quả công tác PCPNN với nhiều cách làm mới. Trong đó, tỉnh đã phối hợp với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức thành công hội nghị tăng cường hợp tác, vận động viện trợ của các tổ chức PCPNN và đối tác tại Hà Nội vào ngày 14/10/2022. Nhờ đó, nhiều tổ chức PCPNN mới đã đề nghị bổ sung địa bàn hoạt động nhằm triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, Quảng Nam tiếp nhận 63 khoản viện trợ PCPNN với tổng vốn cam kết hơn 201 tỷ đồng, tương đương 8,7 triệu USD (tăng gần 63,6% so với năm 2021). Các chương trình, dự án tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giải quyết các vấn đề xã hội, giải quyết hậu quả chiến tranh, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Trần Anh Tuấn cho biết, do ảnh hưởng của bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, các tổ chức PCPNN gặp khó khăn trong việc vận động tài chính nên một số tổ chức kết thúc hoạt động hoặc thu hẹp địa bàn, lĩnh vực hoạt động. Một số hoạt động không thể triển khai theo kế hoạch, chưa giải ngân hết kế hoạch vốn dự kiến, một số dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện.
Ngoài ra, việc áp dụng Nghị định số 80 ngày 8/7/2020 của Chính phủ tại địa phương còn lúng túng do chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể; chủ khoản viện trợ chưa triển khai xây dựng hồ sơ trình tiếp nhận theo đúng quy định, phải mất nhiều thời gian hoàn chỉnh, bổ sung.
Với những kết quả và khó khăn nêu trên, ông Trần Anh Tuấn kiến nghị Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN tiếp tục hỗ trợ Quảng Nam và các địa phương tiếp cận nhiều tổ chức PCPNN. Đồng thời, Quảng Nam mong muốn Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN tạo điều kiện để các tỉnh thành có điều kiện tìm hiểu, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực PCPNN theo hình thức chia cụm, vùng tương đồng về nhóm tiếp nhận tài trợ, về lĩnh vực tài trợ.
Ông Trần Anh Tuấn cũng đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về thực hiện, tiếp nhận nguồn PCPNN. Trong đó, cần hệ thống hóa các biểu mẫu trong công tác thẩm định, thông tin, báo cáo định kỳ; hướng dẫn chi tiết về lựa chọn cơ chế quản lý tài chính viện trợ (trường hợp nào “thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước” và trường hợp nào “không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước”) làm cơ sở để thực hiện thủ tục, hồ sơ tiếp nhận được thuận lợi và phù hợp với các quy định hiện hành.