Quảng Nam có tổng cộng 167 trường học rớt chuẩn sau thời gian dài được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Thực trạng này đòi hỏi các địa phương và ngành GD-ĐT cần có những giải pháp quyết liệt để có thể công nhận đạt chuẩn trở lại theo quy định.
Rớt chuẩn vì cơ sở vật chất xuống cấp
Năm 2012, Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh là đơn vị cấp THPT đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia và đến năm 2015 tiếp tục nâng lên đạt chuẩn mức 2.
Tuy nhiên, trong gần 10 năm qua ngôi trường dành cho con em người dân tộc thiểu số này đã rớt chuẩn vì chưa được kiểm tra công nhận trở lại (quy định 5 năm sau khi đạt chuẩn phải kiểm tra công nhận lại).
Hiệu trưởng nhà trường, thầy Trần Đức Sơn cho biết suốt thời gian qua nhà trường không thể đề nghị công nhận lại vì nhiều hạng mục cơ sở vật chất xuống cấp nặng, không đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia.
Đến nay, dự án cải tạo, nâng cấp với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng giai đoạn 2023 - 2025 với quy mô đầu tư xây mới khối nhà lớp học, thư viện, bộ môn, khối nội trú; sửa chữa, cải tạo nhà đa năng, các khu nội trú… đang triển khai. Vì vậy, trường vẫn phải chờ ít nhất là đến năm 2025 mới có thể làm thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn.
Trước việc 167 trường học hết hiệu lực công nhận đạt chuẩn, tại Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với các địa phương rà soát tiêu chí trường chuẩn đối với số trường đã hết hiệu lực và các trường mầm non, phổ thông không đảm bảo tiêu chuẩn để có giải pháp đầu tư, đảm bảo công nhận và công nhận lại trường đạt chuẩn theo quy định.
Không chỉ Trường Phổ thông DTNT THPT tỉnh, có đến 13 ngôi trường THPT khác cũng rơi vào tình cảnh hết hạn như vậy. Chẳng hạn, Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) đạt chuẩn từ năm 2013 nhưng đến nay qua hơn 2 chu kỳ vẫn chưa lần nào được kiểm tra công nhận đạt chuẩn trở lại.
Ngay cả một ngôi trường có cơ ngơi bề thế như Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng mất chuẩn sau khi đạt chuẩn vào năm 2015. Lý do chung nhất của tất cả trường học rớt chuẩn là cơ sở vật chất xuống cấp, không được đầu tư đáp ứng tiêu chí để kiểm tra công nhận đạt chuẩn trở lại.
Trong số các trường rớt chuẩn đã từng được công chận đạt chuẩn thời điểm cách đây gần 10 năm còn có THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc), Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn), Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước), Lê Hồng Phong (Duy Xuyên), Nguyễn Trãi (Hội An), Tiểu La (Thăng Bình).
Cần những giải pháp quyết liệt
Không chỉ trường THPT, câu chuyện rớt chuẩn ở các cấp học khác cũng không tránh khỏi. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, các cấp học cả tỉnh có 573/725 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 79%) - tỷ lệ nằm ở tốp đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trong đó, bậc tiểu học cao nhất với 87% (198/227 trường), tiếp theo là mầm non 82% (186/226), THCS 76% (166/218) và thấp nhất THPT 42% (23/54).
Tuy nhiên, quy định 5 năm sau khi đạt chuẩn phải kiểm tra công nhận lại cho giai đoạn tiếp theo nhưng có nhiều trường học không đề nghị nên đương nhiên không còn đạt chuẩn do đã hết thời hạn.
Theo thống kê, cả tỉnh có đến 167 trường hợp như vậy, ngoài 14 trường THPT còn có 40 mầm non, 68 tiểu học, 45 THCS. Thế nên, từ con số 573 trường được công nhận đạt chuẩn song thực tế đến thời điểm hiện nay chỉ 406 trường còn hạn đạt chuẩn (tỷ lệ 56%); trong đó, mầm non 146 trường, tiểu học 130 trường, THCS 121 trường và THPT 9 trường.
Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, trong năm học 2023 - 2024 sở hai lần tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm thảo luận những giải pháp, xác định rõ trách nhiệm của ngành, từng cơ quan quản lý đến hiệu trưởng nhà trường.
“Toàn ngành xác định đây là công việc lâu dài, cần những giải pháp tổng hợp, quyết liệt; trong đó trách nhiệm trước hết là của ngành, kể cả việc tham mưu kịp thời cho lãnh đạo địa phương để có sự quan tâm hỗ trợ đầu tư.
Về phía các địa phương, kiến nghị quan tâm hơn nữa trong việc bố trí nguồn kinh phí đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở giáo dục đã đạt chuẩn nhưng hiện tại bị xuống cấp, không bảo đảm điều kiện duy trì kết quả; bố trí quỹ đất, tạo sân chơi bãi tập cho trường học. Đồng thời, bố trí đội ngũ, học sinh/lớp theo đúng định mức để xây dựng trường chuẩn” - ông Tường nói.