Quảng Nam - Miền ký ức

LÊ MAI 01/03/2017 09:51

Nhân dịp 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997-2017), thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với các nhà văn Việt Nam có thời gian sống, chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam cho ra mắt tập sách “Quảng Nam - Miền ký ức” (1954-1975). Qua những hồi ký, bút ký, nhật ký, các nhà văn đã tái hiện sinh động một thời kỳ lịch sử đầy gian khổ hy sinh và rực rỡ chiến công, nổi bật lên là tinh thần dũng cảm, bất khuất, trí thông minh, sáng tạo của quân và dân Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung.

Bìa tập sách “Quảng Nam - Miền ký ức” (1954-1975).
Bìa tập sách “Quảng Nam - Miền ký ức” (1954-1975).

Khắc họa một thời kỳ

Với ngôn ngữ chân thật, cảm động trong “Nhớ mãi những ngày…”, nhà văn Vũ Hạnh đã phác họa những gì đã xảy ra trong tháng ngày sau năm 1954. Đó là sự bắt bớ lùng sục, giết hại cực kỳ dã man của Mỹ - Diệm đối với cách mạng. Đó là sự yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong tai ương, hoạn nạn của những người tù cùng chung chí hướng. Nhà văn Phan Tứ với những hồi ký, nhật ký của mình, đã khắc họa sâu sắc về một thời kỳ đầy gian khổ khó khăn nhưng hừng hực khí thế của những người trong cuộc. Các nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Thu Bồn để lại những trang viết về lý tưởng, lương tâm, trách nhiệm, sáng tạo của người cầm bút trong giai đoạn đầy máu lửa; về tình đồng chí, đồng đội, sự cưu mang che chở của dân. Đồng thời thể hiện tinh thần nhập cuộc quyết liệt của văn nghệ sĩ. Và dù khắc họa như thế nào, tác phẩm của các văn nghệ sĩ đều có cùng điểm nhấn: Nhân dân. Qua mỗi tác phẩm, có thể thấy, nhân dân chính là điểm tựa, là nơi xuất phát và cũng là bến đỗ của các nhà văn.

Những tác phẩm của Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Hồng, là những ngọn lửa tỏa sáng của văn học viết về chiến tranh ở nước ta. Những trang nhật ký chân thật, sinh động mà các nhà văn để lại đủ để khẳng định họ đã hy sinh trong tư thế của người anh hùng và cuộc đời họ là một áng văn thơ tuyệt vời.

Các nhà văn Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Cao Duy Thảo, Hồ Duy Lệ, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Thị Bắc Hà, Đỗ Viết Nghiệm, Phạm Việt Long, Nguyễn Bảo… có mặt ở chiến trường Quảng Nam vào những thời điểm khác nhau. Người sớm nhất vào năm 1965, chậm hơn, nhưng đông đảo hơn vào năm 1971. Ký ức của họ ở chiến trường, đầy đặn, sâu lắng. Hồ Duy Lệ ghi dấu ấn bằng bút ký viết về ông Năm Dừa - một cán bộ nổi tiếng về lòng dũng cảm, nhanh nhạy, gần dân, hiểu dân, nói được tiếng nói của dân. Ông Năm Dừa có hoàn cảnh éo le về đời riêng, và cách  giải quyết của ông cũng như người vợ thật nhân văn, khiến ta rơi nước mắt. Với cách viết xúc cảm, nền nã, những bút ký nhân vật của Hồ Duy Lệ đã gặt hái được thành công nhất định… Hay như Thái Bá Lợi là lính chiến, bám trụ ở chiến trường Quảng Nam sớm.  Những tiểu thuyết, truyện, ký của ông được bạn đọc hâm mộ. Hai bài ký trong tập sách chưa phải sáng tác tiêu biểu của ông, nhưng những gì ông đã sống, đã chứng kiến, đã thu lượm trong tháng ngày khốc liệt của chiến tranh được bộc lộ giản dị, chân thành và có được hiệu quả nhất định với bạn đọc. Đối với nhà văn Trung Trung Đỉnh, tuy thời gian ở chiến trường Quảng Nam không nhiều nhưng cũng có hai bút ký viết về mảnh đất, con người Quảng Nam, trong đó có tác phẩm viết về Thu Bồn. Các sáng tác của Cao Duy Thảo, Vũ Thị Hồng, Thanh Quế… mỗi người có phong cách khác nhau. Trong những bài viết ít nhiều đều nhắc lại kỷ niệm xúc động về nhà văn Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, diễn viên múa Phương Thảo…, những người đã sống, chiến đấu và hy sinh trên mảnh đất “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” này.

“Bộ phim ẩn hình”

Tập sách “Quảng Nam - Miền ký ức” (1954-1975) dày 500 trang, với 33 tác phẩm của 18 tác giả là những văn nghệ sĩ - chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, cầm bút trên chiến trường Quảng Nam giai đoạn 1954-1975. Đây là giai đoạn ghi dấu nhiều sự kiện đáng nhớ của một vùng đất đầy biến động, xuất hiện từng lớp nhà văn mà tác phẩm của họ đã có tác động cổ vũ tinh thần cho cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân cả nước. Tiếng nói của họ thông qua các tác phẩm, có sức lan tỏa sâu rộng và lâu dài. Giai đoạn đầu là lớp nhà văn gạo cội, nổi tiếng của cả nước như Nguyên Ngọc, Phan Tứ, Thu Bồn, Nguyễn Chí Trung, Vũ Hạnh, giai đoạn tiếp theo là Chu Cẩm Phong, Dương thị Xuân Quý, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Khắc Phục, tiếp đến là Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Cao Duy Thảo, Hồ Duy Lệ, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Thị Bắc Hà, Đỗ Viết Nghiệm, Nguyễn Bảo.

Nhà văn Nguyễn Bá Thâm có trí nhớ khá tốt khi nói về năm tháng đã qua cùng với những địa danh trên đất Quảng Nam. Ông có một lối viết thuyết phục người đọc ở chi tiết chính xác, sinh động. Phạm Việt Long không chỉ là nhà văn, ông còn là nhạc sĩ và là một nhà báo xông xáo. Ông có cả tập sách dày dặn ghi lại những tháng ngày trên đường Trường Sơn. Hai bài ký của ông ngồn ngộn chi tiết, biểu hiện sự nhập cuộc ráo riết, dũng mãnh trong những lần ông tham chiến ngoài mặt trận. Nguyễn Bảo, ngoài những ký ức về các trận đánh đã tham gia, những kỷ niệm về anh hùng Nguyễn Chơn, còn viết về Nguyễn Chí Trung.  Ông gần gũi với Nguyễn Chí Trung từ thời chiến cho đến lúc nhà văn qua đời. Ông hiểu và có nhiều ân tình với người thủ trưởng, người anh, người bạn của mình… Viết về Nguyễn Chí Trung còn có tác phẩm của một người Mỹ - cựu binh từng tham chiến ở miền Trung, sau chiến tranh có nhiều dịp gặp nhà văn Nguyễn Chí Trung. Ấn tượng của người cựu binh Mỹ về những lần gặp ấy là sự khâm phục, mến mộ. Bài viết chân thành, cảm kích, làm cho tập sách sinh động và phong phú hơn. Một tác giả có những đóng góp đáng kể về công tác hậu cần của Quân khu 5 là nhà văn Đỗ Viết Nghiệm. Ký không phải là thế mạnh của ông nhưng hai tác phẩm tham gia cũng đã góp phần làm cho tập sách thêm màu sắc…

Có thể nói, tập sách “Quảng Nam - Miền ký ức” (1954-1975) là “bộ phim ẩn hình”, là góc nhìn của các nhà văn thế hệ kháng chiến, tái hiện sinh động một thời kỳ lịch sử. Các nhà văn - chiến sĩ ngày ấy đã bám sát hiện thực, sống, chiến đấu như một người lính thực thụ, gắn bó số phận mình với số phận nhân dân. Từ những trải nghiệm máu lửa và sinh động ấy, tiếng lòng của mỗi người cầm bút cũng là sự ngân vang, cộng hưởng cùng muôn tiếng lòng; ký ức của một người gói ghém ký thác và sự cam kết về lý tưởng sống của cả một thế hệ. Qua sự sàng lọc của thời gian, những trang viết này rồi sẽ kết thành trầm tích văn hóa của một vùng đất. Đây cũng có thể xem là một trong kho tư liệu quý giá về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ hy sinh, thử thách và rực rỡ chiến công.

Với những trang hồi ký, bút ký, nhật ký đầy ắp sự kiện lịch sử và tư liệu thể hiện góc nhìn, cảm nhận riêng của mỗi nhà văn, bạn đọc sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về một thời khói lửa chiến tranh. Hy vọng, tập sách này góp một phần động viên, giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường nhằm tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Ra mắt tập sách “Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân”

Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng vừa tổ chức giới thiệu cuốn sách: “Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân”, nhân 10 năm ngày mất của ông (16.3.2007 - 16.3.2017). Tập sách “Hồ Nghinh - một đời vì nước, vì dân” dày 350 trang, với hơn 30 bài viết của đồng chí, đồng đội, những cộng sự của Hồ Nghinh, các nhà nghiên cứu lịch sử ở Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Có thể nói cuốn sách là tập hợp những bài viết về một con người suốt đời phấn đấu hy sinh vì nước, vì dân, cũng là nén hương mà những người biên soạn và các tác giả bài viết thành kính thắp lên nhân mười năm ngày mất của ông.

Hồ Nghinh sinh ngày 15.2.1915 tại Duy Trinh, Duy Xuyên. Ông tham gia cách mạng từ năm 1929; là bạn học cùng thời với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Trường Quốc học Huế, do tham gia cách mạng nên bị đuổi học và bắt bỏ tù. Năm 1932 ra tù, ông về quê lập trường học Tân Tân ở Duy Trinh, dạy học theo một chương trình rất mới, nổi tiếng thời đó. Tháng 2.1946 Hồ Nghinh được kết nạp vào Đảng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng và khu 5, Hồ Nghinh giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy, Thường vụ Khu ủy 5. Hòa bình thống nhất đất nước, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, Ủy viên chính thức khóa V, giữ chức Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho đến lúc nghỉ hưu. Ngày 15.3.2007, ông từ trần do bệnh nặng, hưởng thọ 92 tuổi.

Ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Huy hiệu 40, 50, 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Thành đồng hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất. TR.Đ - NĂNG ĐÔNG

LÊ MAI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam - Miền ký ức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO