1. Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt
Ngày 24/1, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, được Bộ Chính trị điều động giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Từ đây, Quảng Nam tiếp tục củng cố, kiện toàn các chức danh Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thủ trưởng các sở, ban, ngành và cán bộ chủ chốt của nhiều địa phương. “Rất nhiều vị trí lãnh đạo của tỉnh và các địa phương được điều động, bổ nhiệm, giới thiệu, bầu cử trong sự đồng thuận, ủng hộ rất cao của các các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, là minh chứng cho truyền thống đoàn kết của Đảng bộ tỉnh” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định.
2. Công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam
Ngày 2/12, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh công bố Nghị quyết số 1241 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Đáng chú ý nhất trong nghị quyết này là việc sáp nhập các huyện Nông Sơn và Quế Sơn để thành lập huyện mới Quế Sơn.
Theo Nghị quyết số 1241, kể từ ngày 1/1/2025, tỉnh Quảng Nam có 17 ĐVHC cấp huyện, gồm 14 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố; 233 ĐVHC cấp xã, gồm 190 xã, 29 phường và 14 thị trấn. Như vậy, Quảng Nam giảm 1 ĐVHC cấp huyện và 8 ĐVHC cấp xã sau sắp xếp.
3. Công bố Quy hoạch tỉnh và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia
Ngày 16/3, Quảng Nam tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024.
Điểm nhấn của Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hình thành hai cụm động lực gồm Điện Bàn - Hội An - Duy Xuyên; Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh và 3 hành lang phát triển. Phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2030; đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững.
Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024, trong khuôn khổ chương trình diễn ra 37 sự kiện, hoạt động phong phú xuyên suốt từ tháng 3-11/2024, lan tỏa các thông điệp tích cực phục hồi đa dạng sinh học. Sự kiện này khẳng định sự quyết tâm cao của Quảng Nam trong mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
4. Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029 thành công tốt đẹp
Trong 2 ngày 27&28/8, MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029), với sự tham dự của 296 đại biểu chính thức và nhiều đại biểu khách mời.
Đại hội đã hiệp thương cử Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2024 - 2029) gồm 96 vị; cử Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X. Đại hội đã thông qua Nghị quyết và Chương trình hành động, với mục tiêu: “Phát huy vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.
Tại hội nghị lần thứ nhất, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XI đã nhất trí cử ông Lê Trí Thanh giữ chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa XI.
5. Thông qua Đề án tổng thể về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cấp tỉnh, cấp huyện
Đề án tổng thể về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cấp tỉnh, cấp huyện tỉnh Quảng Nam được thông qua tại Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng diễn ra ngày 25/12.
Đề án đặt ra mục tiêu sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy bảo đảm “Tinh-gọn-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả” gắn với cơ cấu lại và xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Theo đó, nhiều cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phải hoàn thành việc giải thể, kết thúc hoạt động, sắp xếp, sáp nhập từ ngày 20/2/2025.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, đây là cuộc cách mạng đầy khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, với tinh thần quyết tâm để việc triển khai thực hiện được tiến hành nhanh, tích cực và hiệu quả. Tinh gọn bộ máy không phải là cắt giảm một cách cơ học, mà nhằm xây dựng một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn.
6. Huy động sức mạnh toàn dân qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Ngày 14/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giai đoạn 2009 - 2024. Qua phong trào, toàn tỉnh đã xây dựng được 6.540 mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó, trên lĩnh vực kinh tế, các cấp, các ngành xây dựng 1.621 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội 3.391 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị có 564 mô hình và 957 mô hình trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Qua đánh giá, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất lựa chọn 20 mô hình điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu nhất trên các lĩnh vực để xây dựng thành đề án triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030.
7. Nhiều hội thảo khoa học phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030
Thực hiện Chỉ thị số 35, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 50-KH/TU, ngày 29/7/2024 về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và quyết định thành lập các Tiểu ban để triển khai các mặt công tác nhằm phục vụ việc tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.
Quán triệt yêu cầu của Trung ương về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp xây dựng văn kiện trình đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức 6 cuộc hội thảo khoa học; Tiểu ban Văn kiện đại hội đã triển khai 7 đoàn công tác khảo sát, làm việc với các ngành; chỉ đạo xây dựng nhiều báo cáo chuyên đề trên các lĩnh vực. Yêu cầu đặt ra là tổng kết sâu sắc, toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII; nghiên cứu tiếp thu, vận dụng hiệu quả tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, định hướng của Trung ương; dự báo sát bối cảnh, tình hình, thời cơ và thách thức mới, nhất là cụ thể hóa các nội dung trọng tâm của Quy hoạch tỉnh để xác định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 trình Đại hội Đảng bộ tỉnh.
8. Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn tại Quảng Nam
Lần đầu tiên, Quảng Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của UN Tourism (Tổ chức Du lịch Liên hiệp quốc). Sự kiện diễn ra vào ngày 10/12, tại Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An (Thăng Bình).
Đây là sự kiện mang tính toàn cầu đầu tiên của UN Tourism về du lịch nông thôn. Hội nghị là cơ hội quý giá để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng với UN Tourism và các nước, tổ chức thành viên, Làng du lịch tốt nhất của UN Tourism.
Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra nhiều phiên thảo luận như: Xây dựng liên kết chặt chẽ giữa nông nghiệp và du lịch; Trao quyền cho cộng đồng địa phương để dẫn dắt sự phát triển; Cách tiếp cận sáng tạo để tìm kiếm cơ hội tài trợ; Tiếp cận thị trường với các trải nghiệm du lịch đích thực...
9. Phục hồi tăng trưởng kinh tế
Suy giảm kinh tế kéo dài từ năm 2023 sang quý I/2024 đã được chặn lại với mức tăng trưởng dương trong quý II và cuối năm, dự kiến mức tăng GDPD là 7,1%. Công nghiệp phục hồi và tăng trưởng mạnh, du lịch bứt tốc với số lượt du khách đến Quảng Nam năm 2024 ước đạt hơn 8 triệu (cao hơn năm 2019, trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19), trong đó khách quốc tế đạt 5,5 triệu lượt. Thu ngân sách ước đạt hơn 27.360 tỷ đồng, vượt dự toán khoảng 20%.
Trong năm, tỉnh đã thành lập nhiều đoàn công tác để khảo sát, đôn đốc quyết liệt tiến độ các dự án trọng điểm và mở nhiều hội nghị, cuộc họp quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
10. Du lịch Quảng Nam “bội thu” danh hiệu
Năm 2024 là năm “bội thu” danh hiệu của ngành du lịch Quảng Nam với gần 70 danh hiệu ở cấp độ quốc gia, quốc tế; riêng Hội An đã có 25 lần được quốc tế “gọi tên” với nhiều danh hiệu giá trị, như: Tốp 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (theo Tripadvisor); Tốp 25 thành phố được yêu thích nhất thế giới (theo Travel & Leisure); Dẫn đầu 10 điểm đến an toàn nhất cho khách du lịch một mình trên thế giới (theo Travel off Path); Tốp 100 thành phố tuyệt vời nhất thế giới để đi bộ khám phá (theo Guruwalk); Điểm đến đô thị văn hóa hàng đầu châu Á 2024 (thuộc Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards)… Cũng trong năm này, Làng rau Trà Quế được Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc (UN Tourism) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất năm 2024”.