(QNO) - Nhiều địa phương trên địa bàn Quảng Nam đang tập trung triển khai công tác tiêm vắc xin cho chó mèo và vật nuôi để phòng bệnh dại, trước tình hình nắng nóng và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch dại.
Nguy cơ
Theo Bộ Y tế, từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm là giai đoạn ghi nhận số ca tử vong vì bệnh dại cao nhất, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và miền Bắc. Nhiệt độ cao khiến chó, mèo dễ trở nên kích động, hung dữ và thường rời khỏi khu vực cư trú để tìm nước, thức ăn.
Các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh dại có thể xảy ra bất cứ thời gian nào trong năm, nhưng số ca nhiễm thường tăng cao vào mùa nắng nóng. Đây là thời điểm môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát. Cùng với đó, thói quen thả rông chó, mèo, không tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi, chủ quan không đến cơ sở y tế xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn… chính là những điều kiện để bệnh dại phát triển.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm đến nay, so với cùng kỳ năm 2024, số tỉnh, thành phố có số nghi mắc bệnh dại giảm hơn nhưng số người tử vong do bệnh dại lại tăng đáng kể. Tính đến đầu tháng 4, cả nước có 20 người tử vong do bệnh dại. Trong khi đó, trong 3 tháng đầu năm, Quảng Nam cũng ghi nhận một số trường hợp dương tính với vi rút dại.
Mới đây nhất, tại xã Bình Trung (huyện Thăng Bình), một gia đình nuôi 7 con chó chưa được tiêm phòng vắc xin dại, có biểu hiện bỏ ăn, nôn mửa, mắt đỏ, chảy dãi, hú bất thường. Con chó bị bệnh này sau đó đã cắn vợ chồng chủ nhà và hai con chó khác trong đàn. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy nạn nhân dương tính với vi rút dại.
Tiêm vắc xin phòng bệnh
Theo chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030 của Chính phủ quy định phải tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Kế hoạch phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2030. Đây là một chương trình hành động toàn diện nhằm kiểm soát và loại trừ bệnh dại, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và vật nuôi.
Mục tiêu chính của kế hoạch là giảm thiểu số ca mắc và tử vong do bệnh dại ở người, tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn tỉnh vào năm 2030. Đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh dại và tăng cường năng lực hệ thống thú y cơ sở.
Theo đó, yêu cầu đến năm 2025, các địa phương đạt tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo hơn 70% tổng đàn; giảm 50% số ca tử vong do bệnh dại ở người so với giai đoạn 2010 - 2020; đến năm 2030 không còn ca tử vong do bệnh dại ở người.
Các giải pháp đặt ra bên cạnh việc tổ chức các chiến dịch tiêm phòng định kỳ, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao thì yêu cầu các chủ hộ phải thực hiện đăng ký, theo dõi và kiểm soát số lượng vật nuôi tại nhà.
Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, vi rút dại có thể lây truyền từ nhiều loài động vật có vú, máu nóng như chó, mèo, chồn, cáo, thậm chí cả trâu, bò hoặc lợn.
Loại vi rút này chủ yếu lây qua nước bọt động vật nhiễm bệnh từ các vết cắn, cào hoặc liếm vào vùng da bị tổn thương, niêm mạc mắt, miệng, gây nguy cơ nhiễm bệnh nghiêm trọng cho con người. Vi rút dại tấn công trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, gây tử vong 100% khi phát bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh dại duy nhất hiện nay là tiêm vắc xin dại ngay sau khi bị động vật cắn hoặc cào, tiêm đủ liều và đúng lịch theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, người dân nuôi chó, mèo cần chú ý tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ cho vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
"Vắc xin phòng dại được chỉ định trong hai trường hợp: Tiêm trước khi có nguy cơ và tiêm sau phơi nhiễm. Người dân không nên chủ quan khi cho rằng vết cắn không bị trầy xước, chảy máu nên không cần quan tâm đến việc tiêm vắc xin.
Nếu ở trong vùng đã xuất hiện ổ dịch dại, đặc biệt hiện nay đang thời điểm nắng nóng - điều kiện thuận lợi để vi rút dại xuất hiện, khi bị động vật cắn cần thiết phải đến cơ sở y tế dự phòng để được tư vấn, thăm khám" - ông Quang nói.