Đối với báo chí nước ta, chủ yếu là báo chí quốc ngữ, những người tiên phong có ý nghĩa khai sáng với những tên tuổi lớn như Trương Vĩnh Ký (1837 - 1899), Huỳnh Tịnh Của (1834 - 1907), Trương Minh Ký (1855 - 1900), Nguyễn Trọng Quản (1865 - 1911), Diệp Văn Cương (1862 - 1929)... đều là những người quê hương ở Nam Bộ, gắn liền với những tờ báo quốc ngữ đầu tiên như Gia Định báo (1865 - 1910), Nam Kỳ nhựt trình (1897), Phan Yên báo (1898)... bởi vì sứ mệnh lịch sử đã đặt Nam Kỳ thời bấy giờ trở thành chiếc nôi đầu tiên của báo chí Việt Nam. Chậm hơn một bước, liên tục các thế hệ nhà báo người Quảng, đã kế tục nhau tiên phong trong nhiều phương diện, góp phần kiến tạo nền báo chí Việt Nam trong tiến trình hiện đại hóa.
Lương Khắc Ninh - chủ bút tờ báo kinh tế đầu tiên
Phải đến đầu thế kỷ 20, khi báo chí vẫn còn chưa trở thành món ăn tinh thần thu hút công chúng, mới xuất hiện nhà báo quê gốc ở xứ Quảng đầu tiên dấn thân vào nghề báo. Đó là Dũ Thúc Lương Khắc Ninh (1862 - 1945), chủ bút đầu tiên của tờ báo quốc ngữ thứ tư xuất hiện ở Nam Kỳ, tờ Nông cổ mín đàm (1901 - 1921).
Lương Khắc Ninh sinh ra tại làng Bảo An, Điện Quang, Điện Bàn. Năm lên 10 tuổi, ông theo cha là Lương Khắc Huê và mẹ là Vũ Thị Bường vào làm ăn sinh sống ở làng An Nội, tổng Bảo Hựu, tỉnh Bến Tre.
Năm 14 tuổi, ông vào học Quốc ngữ và chữ Pháp tại trường Le Myre de Villers ở Mỹ Tho. Sau khi tốt nghiệp được bổ làm ở sở Thương chánh (Hải quan) Bến Tre.
Năm 1889, ông chuyển sang làm thông dịch viên tòa án tỉnh Bến Tre, được cử vào Hội đồng quản hạt Bến Tre, rồi được cử vào Hội đồng tư vấn Nam Kỳ... Khi con đường quan chức đang lên phơi phới, năm 1900, Lương Khắc Ninh bỏ việc, lên Sài Gòn làm báo.
Cái kiểu chọn đường của ông thời bấy giờ mang đầy phẩm chất của một trí thức, một danh sĩ đất Quảng. Thật ra, tờ Nông cổ mín đàm do nhà tư sản Pháp là Paul Canavaggio bỏ tiền ra đầu tư và làm chủ báo, nhưng toàn bộ ý tưởng về nội dung là của chủ bút Lương Khắc Ninh, lần đầu tiên có ý thức khai mở dân trí khi “phê phán quan niệm giá trị trong thứ bậc “sĩ, nông, công, thương” vốn có từ truyền thống, đồng thời làm cho công chúng hiểu đúng vai trò của thương nghiệp trong việc phát triển đất nước.
Nhiều bài báo đã hướng dẫn công chúng trong việc làm ăn buôn bán, cũng như kích thích tự ái dân tộc, khi bày ra quang cảnh thành công phát đạt của cộng đồng Ấn kiều, Hoa kiều ở Việt Nam và sự phát triển kinh tế thế giới (ở Hà Nội, mãi đến năm 1907, trên Đăng cổ tùng báo, mới có tư tưởng quảng bá về công thương).
Vào thời điểm này, xuất hiện tờ báo có đời sống dài nhất ở Nam Kỳ và sau này trở thành một trong những tờ báo có vị trí hàng đầu trong lịch sử báo chí nước ta, là tờ Lục tỉnh tân văn (1907 - 1944).
Báo mới hoạt động được một năm thì chủ bút Trần Chánh Chiếu bị Pháp bắt giam, Lương Khắc Ninh được mời về thay. Nếu Nông cổ mín đàm mang tinh thần thực nghiệp, mang đến một không khí thực tiễn tích cực chưa hề có trước đây, thì Lục tỉnh tân văn phát triển mạnh tinh thần cải cách xã hội chống thực dân của phong trào Minh tân (Gilbert Trần Chánh Chiếu) và Duy tân (Lương Khắc Ninh).
Phan Khôi - viết báo để canh tân văn học
Phan Khôi (1887 - 1959), còn có các bút danh là Chương Dân (và nhiều bút danh khác), cũng người làng Bảo An, Điện Quang, Điện Bàn, là người hoạt động báo chí, văn chương trên cả 3 miền của đất nước.
Xuất thân trong một gia đình nho gia, sau khi đỗ tú tài Hán học, ông chuyển sang học Quốc ngữ và chữ Pháp. Có thời gian học với Nguyễn Bá Học ở Nam Định, rồi vào học trường Dòng ở Huế, nói chung ông tự học là chính.
Năm 1918, ông bắt đầu cộng tác với tạp chí Nam Phong, chỉ hơn một năm sau (1919), ông vào Sài Gòn cộng tác với các báo Quốc dân diễn đàn, Lục tỉnh tân văn, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Quần báo (Hoa kiều nhật báo), Trung lập, Công luận, biên tập và viết bài cho Phụ nữ tân văn.
Sau đó ông lại trở ra Hà Nội, cộng tác với tờ Thực nghiệp dân báo, Phổ thông, Đông Tây, tạp chí Hữu thanh, làm chủ bút Phụ nữ thời đàm. Năm 1935 ông ra Huế, làm chủ bút báo Tràng An, sáng lập tuần báo Sông Hương (1936 - 1937), tờ báo duy nhất trong đời do ông sáng lập, trực tiếp làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, thể hiện xu hướng của một tờ báo văn học nghệ thuật khá đặc biệt, nhưng chỉ ra được 32 số.
Những năm sau đó, Phan Khôi lúc ở Huế, lúc ở Sài Gòn hoặc ở quê dạy học, cộng tác với các tờ Đông Dương tạp chí, Thời vụ, Dư luận, Ngày nay, Tao đàn, Phổ thông bán nguyệt san (Hà Nội), Dân báo (Sài Gòn)...
Thông qua báo chí, Phan Khôi là người tiên phong trong hàng loạt vấn đề cốt tử của hệ hình văn hóa: xây dựng nền quốc văn mới thông qua ngữ học tiếng Việt, đổi mới tư tưởng trên cơ sở xây dựng ý thức cá nhân và phát triển văn học theo hướng hiện đại hóa, góp phần làm thay đổi diện mạo tiến trình đời sống tinh thần của đất nước.
Ông không chỉ là người mở đầu cho phong trào thơ mới với bài “Tình già” kèm theo lời tự giới thiệu “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” in trên báo trong Nam ngoài Bắc. Bài thơ như một cơn bão thổi tan bao nhiêu ao tù nước đọng lưu cửu trong đời sống thi ca, tạo một cuộc cách mạng thật sự, “một thời đại mới trong thi ca” như Hoài Thanh đã nói.
Phan Khôi không đi một mình, mà sau ông kéo theo cả một dàn đồng ca: Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính... Có thể nói, đã có khoảng 50 người thành danh sau ngọn gió Phan Khôi thổi tới.
Chính vì lẽ trên, lâu nay người ta chỉ nhớ Phan Khôi là người mở đầu cho phong trào thơ mới, mà quên rằng, ông là người tiên phong khai mở cho nhiều thể loại văn học khác: “Nam âm thi thoại” ông viết trên các tờ Nam Phong tạp chí, Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn từ năm 1918 - 1932 (sau sưu tập in thành Chương Dân thi thoại) thực chất là công trình lý luận, phê bình thơ chữ Nôm đầu tiên, nó ra đời trước Phê bình và cảo luận (1933) của Thiếu Sơn.
Trên Phụ nữ tân văn (1928), trong chuyên mục “Câu chuyện hằng ngày”, Phan Khôi đã khai sinh ra thể loại Nhàn đàm, một tiểu loại ký xuất hiện từ thời Montaigne, với hơn một trăm bài xuất hiện trên tổng số 273 kỳ báo. Những tiên phong đổi mới trên đây của Phan Khôi đều được ông trình bày trên mặt báo, với tư cách là người làm báo.
Ý thức tiên phong đổi mới
Người ta thường nói rằng Quảng Nam là đất “chưa mưa đà thấm...”, như là một đẳng thức có ý nghĩa tinh thần, nhằm khẳng định sự nhạy bén của con người sinh ra ở đất này.
Nhạy bén với cái mới, cái tiến bộ, với khát vọng đổi thay cho quê hương, đất nước. Nhạy bén với thiên nhiên cây cỏ, với đất trời tự do, cơm no, áo ấm. Nhạy bén với cái đẹp, với nghệ thuật nâng cao tầm vóc và bản lĩnh tâm hồn con người. Nhạy bén trong hoạt động của tư duy và hệ hình tư tưởng, cũng như trong toàn bộ hành động đầy tinh thần trách nhiệm, khẳng định nhân cách của con người.
Vì vậy, còn có thể kể thêm nhiều tên tuổi xếp vào hàng ngũ tiên phong trong nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau như: Lê Đình Thám là người sáng lập tờ báo đầu tiên của An Nam Phật học hội Trung Kỳ là tờ Viên âm (1933) cơ quan hoằng pháp của Phật giáo Trung Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới đầu tiên của Việt Nam, người đầu tiên sáng chế ra sérum trong y học; Huỳnh Thúc Kháng là người sáng lập tờ báo quốc ngữ danh giá vào bậc nhất của Trung Kỳ, tờ Tiếng Dân (1927 - 1943); Nguyễn Đình là người đầu tiên viết sách Luật hỏi, ngã (1939) trong tiếng Việt...
Giai đoạn sau này, chỉ riêng về báo chí đã xuất hiện nhiều tên tuổi gây ấn tượng lâu bền đối với người đọc: Phan Thanh, Phan Bôi, Lưu Quý Kỳ, Phan Thao, Nguyễn Đình An, Hồ Hải Học, Hồ Duy Lệ... Đến thế hệ làm báo sau ngày thống nhất đất nước với các tên tuổi Huỳnh Bá Thành, Kim Hạnh, Nguyễn Công Khế, Võ Như Lanh...
Có lẽ, ý thức canh tân đổi mới đất nước đã có từ thời Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) sau chuyến đi sứ sang Pháp năm 1863 trở về. Ông vốn là người có đầu óc canh tân nên nhạy bén với việc cải tiến kỹ thuật (...), là một trong những người cho in sớm nhất những cuốn sách nói về khoa học kỹ thuật ở Việt Nam.
Sự tiếp nối trở thành cao trào trong phong trào Nghĩa hội Cần vương và Duy tân với đông đảo các nhà yêu nước như Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Thành, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,... với khát vọng độc lập, tự do, canh tân đổi mới đất nước, mà lịch sử đất nước bất kỳ thể chế chính trị nào cũng phải ghi nhận công lao to lớn của họ.