Thêm một góc nhìn để tìm hiểu về mảnh đất và con người xứ Quảng…
Trong lời tựa tập sách Quảng Nam - những vấn đề lịch sử (do Trung tâm nghiên cứu quốc học và Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào tháng 5.2013), nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy nêu rõ: “Đất Quảng Nam, kể chiều dài lịch sử đã năm trăm năm thành lập có dư... Với lịch sử ấy, địa lý ấy, đất và con người không gian nơi đây không thể không hàm tàng bao nhiêu vấn đề thuộc khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn”. Chính vì vậy, tác giả muốn “trình” Quảng Nam những vấn đề lịch sử nhằm góp phần nhỏ trên bước đường tìm về dĩ vãng lịch sử một miền quê hương, mà theo ông: “cũng là kết quả học hỏi của kẻ hậu học giữa thời buổi nền học cũ đã tàn từ lâu, còn học mới thì… trước bao luồng gió xoáy của thời đại đang vừa trì thủ vừa khai phóng để tự tạo một bản sắc riêng”.
Bìa sách “Quảng Nam - những vấn đề lịch sử” của Nguyễn Sinh Duy. |
Ở phần khảo về địa danh trên đất Quảng Nam, tác giả chia làm 6 phần: Khảo về danh xưng Đà Nẵng, danh xưng Hội An xưa, Sông nước mùa thu, khảo về danh xưng “Bà Nà”, Dinh Chiêm hay Dinh Chàm, nghĩ về tên sông Thu Bồn.
Trong đó, về tên gọi “Hàn - Đà Nẵng”, tác giả dẫn giải nhiều tư liệu về danh xưng “Thủ Hàn”, về “Tourane” đến “Hàn - Đà Nẵng”. Ông cho rằng, mảnh “đất Hàn - Đà Nẵng” chủ yếu được thành lập do sự trầm tích ở môi trường cửa sông và ven biển. Theo thời gian tính bằng ngàn năm, biển rút lui dần về đông, bày ra các thủy đạo lớn nhỏ đổ xuôi theo triền dốc bồi tích, thường xuyên chuyển đổi dòng chảy ở hạ lưu với hiện tượng mở dòng mới, trám dòng cũ. Cho đến một lúc chỉ còn ba thủy đạo lớn là Thanh Khê, Thạc Gián và Hàn Giang mở cửa tiếp giáp với biển.
Về danh xưng Hội An, theo tác giả, các đô thị cảng sông có lịch sử 400 năm ấy đã mang nhiều danh xưng khác nhau trong sử sách, khiến người đời sau lẫn lộn không biết phải tin vào thuyết nào. Cụ thể, qua trình tự thời gian có các thuyết Hoa phố, Hội phố, Hải phố, Hoài phố, mà người Quảng Nam xứ Đàng Trong ưa gọn khô nhát gừng, chỉ nói: “PHỐ”, với ý nghĩa chân xác nhất là nơi tàng trữ bán buôn và trao đổi hàng hóa.
Nhắc về tên gọi sông Thu Bồn, tác giả viết: “Địa lý học lịch sử cho ta biết rằng tên sông Thu Bồn, sớm nhất, đã có từ trước 1470 là năm Lê Thánh Tông neo thuyền nghỉ giải lao tại bến sông Thu Bồn. Bài thơ Thu Bồn dạ bạc đánh dấu sự dừng chân của ông vua giỏi nhất triều Lê, đồng thời xác định niên đại in ra bằng dấu tích văn tự, danh xưng con sông lớn nhất của đất nước Quảng Nam. Tuy nhiên, tác giả cũng nêu ra sự kiện: “Từ sau thế kỷ IX là năm ra đời danh tác Tỳ Bà Hành (816) của Lạc Thiên, đến nửa đầu thế kỷ XV là năm Lê Thánh Tông dừng chân tại bến Thu Bồn (1470), sông ấy gọi tên vào niên đại nào thật khó xác định, nhưng danh xưng “Thu Bồn” hẳn phải có sau “Bồn giang” của Bạch Cư Dị bị lưu đày ở xứ Giang Tây”, đồng thời lưu ý: “Các nhà yêu nước cực đoan cần bình tâm trước một sự kiện địa danh học - lịch sử. Nghiên cứu khoa học có những tư biện của nó mà tình tự dân tộc không thể lấn át”.
Ở phần khảo về nhân vật, sự kiện Quảng Nam, tác giả dẫn dắt người đọc gặp lại nhiều nhân vật, sự kiện rất đặc trưng và thú vị như: Những chuyến ngự du Ngũ Hành Sơn của vua Minh Mạng, Quan lại Bắc hà điếu Hoàng Diệu, bài ký “Khán Hoa Đình”, Trần Quý Cáp: tiên khởi tuẫn quốc vì công cuộc duy tân Việt Nam đầu thế kỷ XX, Coi tàu bay tại Huế và Đà Nẵng năm 1913, Nói thêm về kỳ nữ họ Tống, Văn bia chùa Long Thủ…
Một trong những sự kiện đáng nhớ như “Coi tàu bay tại Huế và Đà Nẵng năm 1913” được tác giả dẫn tài liệu rành rọt: “Chiều ngày thứ Hai 4.8.1913, dưới sự tổ chức chu đáo của Ủy ban Hỗn hợp Pháp Nam, khoảng 30.000 khán giả tề tựu quanh các bờ thành và lũy đất trước kỳ đài của kinh thành. Vua Duy Tân, Tôn nhân phủ, hoàng thân quốc thích cùng các triều thần ngự trên khán đài danh dự dựng trên bờ tường tầng thứ nhất của các kỳ đài. Các bà thái hậu, hoàng phi, công chúa ngồi dưới mái lầu Ngọ môn ngó ra. Về phía Pháp, người ta thấy có Khâm sứ Charles, các phán sự tòa Khâm, các sĩ quan thuộc địa… Đúng 17 giờ 30 phút, chín phát thần công của Nam triều chào mừng khai diễn cuộc bay, hòa với tiếng nhạc trỗi “La Marseille” của quốc ca Pháp do ban nhạc hơi thuộc liên đội 9 bộ binh thuộc địa cử hành”.
Trong bài viết “Bức ảnh đầu tiên chụp ở Việt Nam”, qua những phân tích đối chiếu, tác giả nhận định, bức “Ảnh chụp từ Đồn xưa Đàng Trong Non Nay” (trong quyển III sách Nhật ký một chuyến du hành đến Trung Hoa… của Jules Itier) là bức ảnh đầu tiên chụp ở Việt Nam với kỹ thuật non trẻ của phim tấm Daguerréotype. Chính là khung cảnh tại vị trí Đồn Bắc – một đồn phòng ngự cửa biển tại Đà Nẵng.
Phần “Mấy vấn đề Champa trên đất Quảng Nam” gồm những bài viết: Văn bia An Thái và Phật giáo Champa, Amaravâti, Văn khắc Chàm trên vết đá Thạch Bích, Vị trí địa lý Indrapura… Trong đó, nhiều bài viết được Nguyễn Sinh Duy chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp, chứ không tổng hợp tài liệu. Đặc biệt, ở phần phụ đính bao gồm hình ảnh và các bản sao chụp hồ sơ, công điện, nghị định… bằng nguyên bản tiếng Pháp. Trong đó, có Nghị định của Khâm sứ Trung kỳ Luce về việc nhượng đất làng Nghi An (Hòa Vang) cho Gravelle, Công điện phủ Toàn quyền Đông Dương và Thống đốc Nam kỳ về việc lưu đày hai vua Thành Thái và Duy Tân đi Réunion năm 1916, Hồ sơ vụ kiện đất của làng Nghi An với chủ Nhà băng Đông Dương Đà Nẵng là Gravelle…
TRẦN TRUNG SÁNG